Nâng cao chất lượng, đổi mới công tác dạy nghề

Lượt xem: 112

Trong những năm qua các cấp Hội Nông dân trong tỉnh xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một nhiệm vụ thường xuyên, hàng năm Ban thường vụ Hội Nông dân xây dựng chỉ tiêu phối hợp đào tạo nghề cho lao động nông thôn giao cho các cấp hội và Trung tâm triển khai thực hiện, bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ, góp phần phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh Bắc giang đạt 30% vào năm 2010.

Trung tâm dạy nghề – Hội Nông dân tỉnh trong những năm qua đã có nhiều cố gắng; chất lượng đào đạo nghề từng bước được nâng lên, Trung tâm đã chủ động liên kết với các công ty, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh giỏi để nâng cao chất lượng và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Năm 2009 Trung tâm tham mưu cho Thường trực Hội Nông dân tỉnh xây dựng chuyên đề “Nâng cao hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn của các cấp hội năm 2009″ triển khai ở cấp cơ sở, trong đó tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả một số khâu; nâng cao chất lượng tuyển sinh, đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy, quản lý lớp học và giải quyết việc làm sau đào tạo. Bổ sung nội dung giáo trình, lịch giảng dạy phù hợp với đặc thù riêng của từng nghề, từng địa phương trên cơ sở chương trình khung theo hướng dẫn của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội và giáo trình của Hội Nông dân Việt Nam biên soạn. Đồng thời tham mưu cho Thường trực Tỉnh hội chỉ đạo các cấp hội trong tỉnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và nông dân về những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề và các chính sách phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Qua một năm triển khai thực hiện ở cơ sở chuyên đề đã phát huy tác dụng, năm 2010 chuyên đề được nhân rộng ra cấp huyện, đồng thời Trung tâm tham mưu cho Thường trực Tỉnh hội triển khai đề tài khoa học “Xây dựng mô hình đổi mới công tác dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn thông qua các CLB khoa học nhà nông” ở cấp cơ sở với mục tiêu chính là; nâng cao hiệu quả sau đào tạo nghề, nhất là học viên các lớp học nghề nông nghiệp sau khi kết thúc khoá học các học viên không chỉ mang kiến thức đã học để phát triển kinh tế gia đình mình mà thông qua câu lạc bộ khoa học, họ có thể là những tiểu giáo viên phổ biến, hướng dẫn kiến thức, kinh nghiệm cho các thành viên trong câu lạc bộ. Thông qua câu lạc bộ tuyên truyền cho nông dân về công tác dạy nghề, làm cho nông dân thấy được lợi ích của việc học nghề từ đó họ chủ động tham gia học nghề, coi học nghề là quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế như: Công tác phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về những chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn chưa thường xuyên, chưa sâu rộng và hiệu quả chưa cao. Công tác phối hợp đào tạo nghề; một số nơi chưa chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề, trong công tác phối hợp còn lúng túng, không xác định được khâu nào cần phối hợp; học viên các lớp học nghề trồng trọt, chăn nuôi thú y sau khi kết thúc khoá học mới mang kiến thức đã học áp dụng vào sản xuất kinh doanh trong phạm vi gia đình, việc phổ biến, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh còn hạn chế, sức lan toả của đào tạo nghề chưa cao. Học viên các lớp học chuyển đổi như: may công nghiệp, gò hàn, mộc dân dụng, cơ khí … Sau khi kết thúc khoá học vẫn còn một số học viên không chuyển sang làm việc theo nghề được học như: may công nghiệp (khoảng 10-15%), lớp gò hàn (20- 25%), lớp trồng trọt (nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu) khoảng 20-30%.

Ngày 27 tháng 11 năm 2009 Chính phủ ra quyết định số: 1956/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020“. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang có kế hoạch số: 368/KH-CBĐ ngày 10 tháng 5 năm 2010 về việc triển khai Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 là một Đề án lớn, mang tính tổng thể, sát với thực tế nhằm đẩy mạnh công tác dạy nghề phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn, tăng thời gian sử dụng lao động trong khu vực nông thôn và giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm của các cấp hội nông dân trong tỉnh đạt kết quả cao, góp phần triển khai, thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Thông qua đó nâng cao vị thế của tổ chức hội, thu hút nông dân tham gia vào tổ chức.. Các cấp hội trong tỉnh cần tập trung truyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về các chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chính sách của địa phương về dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Hàng năm phối hợp với các đoàn thể, các phòng ban chuyên môn thống kê nhu cầu học nghề và việc làm của địa phương mình, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, chủ động phối hợp các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề để đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hội viên, nông dân; đồng thời tham gia giám sát lớp học nghề mở tại địa phương về tiến độ, chất lượng giảng dạy… Qua đó, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của người được đào tạo.

TRUNG TÂM DẠY NGHỀ