Hội Nông dân giải phóng Miền Nam tổ chức nòng cốt của cách mạng ở nông thôn Miền Nam trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Lượt xem: 80

Cùng với việc thi hành chính sách “tố cộng, diệt cộng” nhằm triệt phá cơ sở cách mạng khắp các địa bàn nông thôn miền Nam, Mỹ – Diệm còn âm mưu phục hồi giai cấp địa chủ, nhằm đưa nông dân trở lại cuộc đời nô lệ làm thuê cho bọn địa chủ, tước đoạt thành quả về ruộng đất mà cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mang lại cho nông dân.

Trước tình hình đó, tổ chức Hội Nông dân cũng chuyển hướng hoạt động dưới hình thức tương trợ, vạn vần đổi công để tiếp tục lãnh đạo nông dân và tìm mọi cách bắt liên lạc với tổ chức Đảng, che dấu, bảo vệ đảng viên và cán bộ; tiếp tục vùng lên chống lại các chính sách phản động của Mỹ – Diệm bằng các cuộc đấu tranh từ công khai bất hợp pháp và hợp pháp, từ đấu tranh chính trị đến dùng bạo lực nhằm phá thế bao vây, kìm kẹp của địch và diệt địch liên tiếp nổ ra khắp miền Nam, chống lại chế độ bù nhìn, tay sai Ngô Đình Diệm đòi thực hiện các điều khoản trong Hiệp định Giơnevơ. Đặc biệt từ giữa năm 1959, Mỹ – Diệm đã lê máy chém khủng bố man rợ khắp miền Nam, phong trào nông dân khắp miền Nam đã vùng lên đập tan từng mảng chính quyền cơ sở của địch.

Thực hiện Nghị quyết 15 của BCH Trung ương Đảng (khoá II) (1/1959) ngọn lửa đấu tranh cách mạng được bùng lên ở tất cả các địa bàn cả nông thôn và thành thị. Tính đến cuối năm 1960, qua hai đợt đồng khởi, quân và dân miền Nam đã làm tan rã về cơ bản cơ cấu chính quyền của địch ở nông thôn. Kế hoạch lập “khu trù mật” của địch đã bị phá sản, chính sách “cải cách điền địa” của địch đã bị thất bại thảm hại, 2/3 ruộng đất của nông dân bị Mỹ – Diệm cướp đã trở về tay nông dân làm chủ. Uy thế của cách mạng được cũng cố và nâng cao hơn bao giờ hết.

Trước thắng lợi to lớn của phong trào Đồng khởi, ngày 20/12/1960 Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam, ngày 21/4/1961, Hội Nông dân Giải phóng miền Nam chính thức ra đời và trở thành thành viên của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 01/1965, Đại hội thứ nhất của Hội Nông dân Giải phóng miền Nam Việt Nam được khai mạc. Qua Đại hội I, phong trào của Hội tiếp tục được phát triển mạnh hơn về số lượng và chất lượng. Lúc này bộ máy tổ chức của Hội Nông dân Giải phóng đã hình thành theo 5 cấp: miền, khu, tỉnh, huyện và xã. Xã là tổ chức cơ sở của Hội ở xã, có Ban Chấp hành Hội cấp xã, dưới thôn, ấp có Ban cán sự thôn, ấp và tiểu tổ Hội. Bộ máy của Hội được củng cố ở tất cả các cấp từ xã lên huyện, tỉnh và khu.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam, tháng 1/1969, Hội Nông dân Giải phóng miền Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II, hơn 100 đại biểu nông dân các địa phương trong toàn miền về dự. Đại hội nhiệt liệt hoan nghênh và đánh giá rất cao thành tích chiến đấu, phục vụ chiến đấu và xây dựng đoàn thể của nông dân toàn miền. Những thành tích đó đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc ta.

Với nhiệm vụ mà Đại hội đã đề ra, Hội Nông dân các cấp trong toàn miền đã lãnh đạo nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và ngọn cờ của Mặt trận giải phóng dân tộc, nông dân miền Nam liên tiếp nổi dậy phá thế kìm kẹp của địch, mở rộng vùng giải phóng, góp phần quan trọng làm chuyển biến cục diện chiến tranh, tiến tới Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giành thắng lợi hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Nam Bắc sum họp một nhà.

Trong sự nghiệp đổi mới, Hội đã gắn công tác tập hợp, đoàn kết, tuyên truyền, vận động với đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và dạy nghề cho nông dân, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước… Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cán bộ, hội viên, nông dân đã đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực.

Ngày 1/3/1988 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra quyết định số 42-QĐ/TW đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể thành Hội Nông dân Việt Nam. Đến nay, Hội có hệ thống 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở; các xã, phường, thị trấn có nông dân đều có tổ chức hội, các thôn, ấp, bản, làng đều có chi, tổ hội với hơn 10 triệu hội viên. Với những thành tích và đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, năm 1988 giai cấp nông dân Việt Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, năm 2010 giai cấp nông dân Việt nam vinh dự, tự hào tiếp tục được đón Huân chương Sao vàng lần 2, đây là sự ghi nhận là sự đánh giá cao thành tích, cống hiến của giai cấp nông dân Việt Nam là mốc son mới trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tự hào với truyền thống cách mạng 50 năm Hội Nông giải phóng miền Nam và truyền thống 80 năm của Hội Nông dân Việt Nam, các cấp Hội, cán bộ, hội viên, nông dân cả nước tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam nêu cao vai trò, trách nhiệm trước yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân ta đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Ban biên tập