Công tác kiểm tra, giám sát góp phần củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức Hội Nông dân các cấp

Lượt xem: 76

Kết quả, trong năm 2010 các huyện, thành Hội đã kiểm tra được 316 cuộc ở 263 lượt cơ sở và 1.025 lượt chi hội. Hội Nông dân cơ sở kiểm tra được 3.360 cuộc ở 2.845 lượt chi hội và 1.330 tổ hội. Riêng Tỉnh hội trực tiếp kiểm tra cuối năm 2010 đến 10 huyện, thành phố, 20 cơ sở và 40 chi hội theo lịch kiểm tra chéo có sự tham gia của các đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân 10 huyện, thành phố. Qua đó, tạo sự khách quan trong việc đánh giá, xếp loại thi đua cuối năm, đồng thời tăng cường sự trao đổi kinh nghiệm trong công tác Hội giữa các đơn vị.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh tích cực tham gia các đoàn công tác liên ngành do Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh thành lập để thẩm định, đối thoại với dân, giải quyết những vướng mắc, bức xúc của nhân dân. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện những quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật ở các huyện, thành phố. Tỉnh hội thành lập các đoàn kiểm tra theo chuyên đề Quỹ hỗ trợ nông dân và hoạt động phối hợp với 2 Ngân hàng (Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội) tại các huyện: Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Ngạn. Tổ chức đoàn giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tại 2 xã (Biên Sơn, Phong Vân), huyện Lục Ngạn, thực hiện vai trò đại diện lợi ích hợp pháp của Hội đối với hội viên nông dân; đồng thời thể hiện sự đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh hội về công tác kiểm tra giám sát.

Do có sự tăng cường trong công tác kiểm tra, giám sát của Hội Nông dân các cấp đã góp phần tích cực vào việc thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Điều lệ, các nghị quyết của Hội, hoàn thành kế hoạch, chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác Hội cấp trên giao. Chất lượng tổ chức Hội không ngừng được nâng lên. Thực tế theo dõi hàng năm cho thấy, các đơn vị được kiểm tra năm sau có chuyển biến tích cực hơn năm trước, hoạt động chất lượng và hiệu quả hơn, đội ngũ cán bộ hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ, vai trò của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị; có phương pháp tập hợp nông dân và chỉ đạo phong trào, tạo niềm tìn, sự gắn bó của nông dân với tổ chức Hội, đồng thời ý thức xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh. Qua xếp loại hàng năm cho thấy, số cơ sở đạt vững mạnh ngày càng tăng, số cơ sở xếp loại trung bình ngày càng giảm. Năm 2010, cơ sở vững mạnh đạt 82 %; cơ sở khá: 17%, cơ sở xếp loại trung bình 01% và không có cơ sở xếp loại yếu, kém. Với những kết quả trên, công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, xứng đáng với vai trò là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát của Hội Nông dân các cấp vẫn còn bộc lộ những hạn chế, đó là: đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát chủ yếu là kiêm nhiệm (nhất là cấp cơ sở); trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác của một số cán bộ còn hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát ở một số cơ sở còn chưa thường xuyên, chất lượng chưa sâu; việc khắc phục những tồn tại, hạn chế sau kiểm tra ở một số nơi còn chậm. Việc giám sát các chương trình, dự án có vốn đầu tư của Nhà nước, các chính sách an sinh xã hội đến hội viên nông dân còn chưa thực sự sát sao…

Để làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới, các cấp Hội cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác kiểm tra, giúp cho cán bộ làm công tác kiểm tra ở Hội Nông dân các cấp hiểu rõ ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra; coi công tác kiểm tra là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của Hội.

Hai là, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp phải xây dựng được kế hoạch kiểm tra hàng năm với nội dung cụ thể, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Trên cơ sở đó, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi chuyên đề về công tác kiểm tra của Hội. Hướng dẫn các quy định về công tác kiểm tra; phương pháp và quy trình của các đợt kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất và kiểm tra chuyên đề; công tác lưu trữ tài liệu sau khi kiểm tra.

Ba là, tổ chức kiện toàn, lựa chọn những người có đủ năng lực, trình độ nghiệp vụ công tác để làm công tác kiểm tra, bổ sung kịp thời đảm bảo số lượng, chất lượng theo quy định.

Bốn là, ngoài kiểm tra những chỉ tiêu, nhiệm vụ của Hội, cần tăng cường kiểm tra trách nhiệm của Ban Kiểm tra các cấp và cán bộ kiểm tra trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát của Hội.

BAN KIỂM TRA