Xây dựng nông thôn mới phải nâng cao thu nhập cho người dân

Lượt xem: 81

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 3/2011, đã có 8/11 xã hoàn thiện quy hoạch chi tiết về nông nghiệp. Các địa phương cũng đã xây dựng được phương án phát triển sản xuất, tăng nhanh thu nhập cho cư dân nông thôn.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia đã đưa ra nhận định, tuy đầu tư cho phát triển nông nghiệp nông thôn liên tục tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Đơn cử như lĩnh vực thủy lợi được đầu tư lớn, nhưng hiệu quả sử dụng không cao, khâu quản lý còn yếu nên mới phát huy được khoảng 70% công suất thiết kế của các công trình thủy lợi hiện có. Đây cũng là yếu tố kìm hãm sản xuất nông nghiệp phát triển.

Sự phân tầng xã hội ở nông thôn đang diễn ra nhanh, sự chênh lệch về điều kiện và mức sống gia tăng trong phạm vi cả nước và mỗi làng, xã. Chênh lệch về thu nhập giữa nhóm 10% giàu nhất với 10% nghèo nhất theo thống kê mới nhất hiện nay là 13,5 lần…

Nhờ Chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân của 11 xã được chọn làm thí điểm đã có biến chuyển tích cực. Tuy nhiên, ở nhiều xã vẫn còn tình trạng sản xuất nông nghiệp theo mô hình manh mún, nhỏ lẻ, thu nhập của người dân có tăng nhưng vẫn còn thấp.

Theo phản ánh của các xã, tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân là chỉ tiêu khó đạt nhất. Vì vậy, trong hơn 2 năm qua, các xã được chọn làm thí điểm đã tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân.

Thực tế, các xã cũng đã tự tìm được thế mạnh riêng của mình theo phương châm “mỗi làng một sản phẩm” để khai thác hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội (TP.HCM) cho biết, xã đã chọn được “sản phẩm” lợi thế cho địa phương mình là: Sản xuất rau sạch, hoa, cây cảnh, chăn nuôi bò sữa.

Theo ông Nguyễn Đức Học, Chủ tịch UBND xã Thụy Hương (Hà Nội), xã đã đạt 14/19 tiêu chí NTM, còn 5 tiêu chí chưa đạt gồm cơ cấu lao động, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, văn hóa và môi trường.

Ở xã miền núi Thanh Chăn, tỉnh Điện Biên dù còn nhiều khó khăn nhưng do dựa trên lợi thế của địa phương đã xây dựng được 12 ha vùng sản xuất gạo đặc sản gắn với xây dựng thương hiệu “gạo Điện Biên” đồng thời tạo được vùng sản xuất chuyên cây vụ đông mới trên 50 ha.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPT-NT Hồ Xuân Hùng, mấu chốt để tăng thu nhập cho dân là từng địa phương phải tìm ra được lợi thế của mình để từ đó phát huy. Ví dụ như: xã Hải Đường – Nam Định phát triển VAC gắn với ngành nghề nông thôn; xã Thụy Hương – Hà Nội trồng rau, hoa phục vụ cho đô thị là đúng hướng…

Vốn cho sản xuất nông nghiệp là khâu thường bị ách tắc, người dân thiếu vốn sản xuất, do vậy Ban Chỉ đạo yêu cầu Ban Quản lý các xã phải dành ít nhất 20% số vốn Trung ương hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa cả xã, tăng cường vốn tín dụng cho người dân vay sản xuất thuận lợi.

Ngoài ra, các xã cần tích cực thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến nông sản và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, sớm hình thành các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp quy mô lớn tại các xã điểm.

Một số mục tiêu cụ thể của “Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đoạn 2010 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” dự kiến đạt được:

– Mục tiêu đến năm 2010: Quy hoạch nông thôn mới xong cho 100% xã; Tập trung đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội thiết yếu ở nông thôn theo chuẩn nông thôn mới; Đào tạo cho 100% cán bộ cơ sở kiến thức tổ chức, quản lý, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp 1,1-1,2 lần so với hiện nay. Giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 10% (theo chuẩn năm 2007)…

– Mục tiêu đến năm 2015: Nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp 1,8-2 lần so với hiện tại; Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức nghề các loại đạt trên 30%, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn dưới 50%; Xây dựng được cơ bản hệ thống giám sát ô nhiễm môi trường nông thôn, cơ bản xử lý và ngăn chặn ô nhiễm ở các điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Xây dựng trên 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới…

– Mục tiêu đến năm 2020: Cơ bản xây dựng xong kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo chuẩn nông thôn mới; Không có điểm gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường; Xây dựng trên 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

HNDVN