Hội Nông dân tỉnh tích cực tham gia thực hiện Quyết định 1956 của Chính phủ

Lượt xem: 90

Nhận thức rõ nhiệm vụ của Hội trong thực hiện Đề án, ngay từ đầu năm Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng, giao chỉ tiêu phối hợp đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm trong và ngoài nước tới các cấp Hội, xem đây là chỉ tiêu đánh giá xếp loại thi đua cuối năm. Đồng thời chỉ đạo các cấp Hội trong tỉnh tổ chức quán triệt Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 368/KH-BCĐ của Ban chỉ đạo tỉnh tới toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân. Riêng Tỉnh hội đã xây dựng Kế hoạch số 73-KH/HND ngày 14 tháng 7 năm 2010 về việc tổ chức tập huấn kỹ năng tuyên truyền vận động nông dân học nghề, việc làm cho cán bộ hội trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện có hiệu quả Đề án, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp cơ sở hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết của cán bộ, hội viên, nông dân về nội dung và ý nghĩa của Đề án bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú như thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ, kênh truyền thông của thôn, xóm; lồng ghép vào các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật…Riêng Tỉnh hội, đã tổ chức 02 lớp tập huấn cho 100 cán bộ hội các cấp về kỹ năng tuyên truyền, vận động nông dân học nghề và tư vấn giới thiệu việc làm; 03 lớp tập huấn cho 150 người trong ban quản trị hợp tác xã (HTX) và người có nhu cầu thành lập HTX về Luật hợp tác xã và các văn bản liên quan. Qua đó, nhận thức của các cấp Hội về công tác dạy nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực, công tác dạy nghề và học nghề đã được quan tâm, đầu tư nhiều hơn. Các cấp Hội trong tỉnh đã chủ động đẩy mạnh công tác phối hợp với các trung tâm, công ty, doanh nghiệp tổ chức hàng nghìn buổi tư vấn giới thiệu việc làm trong và ngoài nước cho lao động trên địa bàn. Kết quả đã tư vấn giới thiệu được 7.438 lao động vào làm việc tại các công ty, doanh nghệp trong và ngoài tỉnh, 1.347 lao động đi lao động hợp tác có thời hạn ở nước ngoài với các thị trường Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc…Phối hợp với các cơ đào tạo tổ chức được 350 lớp cho 13.361 lao động tham gia học, trong đó; 166 lớp sơ cấp nghề cho 5.000 lao động; 184 lớp học nghề dưới 03 tháng cho 5.152 người tham gia và 3.208 người học nghề dài hạn tại các trường nghề trong và ngoài tỉnh. Trung tâm dạy nghề Hội Nông dân tỉnh trực tiếp đào tạo được 08 lớp cho 236 người với các nghề may công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi thú y. Đồng thời triển khai thực hiện đề tài khoa học “Xây dựng mô hình đổi mới trong công tác dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn thông qua CLB khoa học nhà nông” tại xã Song Mai, thành phố Bắc Giang; chuyên đề “Nâng cao hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn của các cấp hội năm 2010” tại huyện Lạng Giang.

Bằng những hoạt động cụ thể, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã góp phần quan trọng đưa công tác xã hội hoá dạy nghề có bước chuyển biến tích cực. Cơ cấu nghề đào tạo đã từng bước được điều chỉnh theo nhu cầu lao động của các ngành kinh tế và thị trường lao động. Dạy nghề đã từng bước chuyển đổi theo hướng tiếp cận sát với nhu cầu của thị trường lao động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp; đã có sự gắn kết giữa dạy nghề với các chương trình giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, xuất khẩu lao động và các mục tiêu xã hội khác… Vị thế, vai trò của các cấp hội được nâng cao; hội viên, nông dân ngày càng tin tưởng vào tổ chức hội. Tuy nhiên trong việc triển khai thực hiện vẫn còn bộc lộ những hạn chế, cụ thể công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa sâu rộng và hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát mới dừng lại ở các lớp học nghề do Hội trực tiếp đào tạo. Công tác phối hợp đào tạo nghề; một số nơi chưa chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo nghề. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề còn thiếu…

Để thực hiện tốt hơn Đề án trong thời gian tới, các cấp Hội trong tỉnh cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động đối với đội ngũ tuyên truyền viên là cán bộ Hội. Tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân, người lao động. Đổi mới nội dung phương thức hoạt động, mở rộng các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn và hỗ trợ việc làm cho nông dân. Tham gia, tổ chức các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn và hỗ trợ việc làm cho hội viên, nông dân trên địa bàn. Phát huy các loại hình dịch vụ nông dân đang cần như vật tư phân bón, máy nông nghiệp, cây con giống các loại, dịch vụ về vốn…Dạy các nghề có thế mạnh của địa phương để thu hút nhiều lao động vào học nghề và làm nghề. Đồng thời quan tâm đến những nghề chuyển đổi tạo việc làm mới cho lao động. Các cấp Hội liên kết hợp tác chặt chẽ với các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp trong công tác dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân. Xây dựng kế hoạch phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo nghề để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám tình hình thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

TRUNG TÂM DẠY NGHỀ