Phát huy vai trò của các cấp Hội Nông dân trong phong trào xây dựng gia đình nông dân văn hóa

Lượt xem: 105

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình“. Và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng nói: “Ba trụ cột của ý thức cộng đồng người Việt, đó là gia đình (nhà), làng và nước. Ngày nay, xây dựng một xã hội công bằng, văn mình đòi hỏi chúng ta phải trở lại với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ gia đình“. Tại Nghị quyết Đại hội X của Đảng lại một lần nữa nhấn mạnh: “Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình CNH, HĐH. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Với tầm quan trọng của gia đình, những năm gần đây, công tác gia đình được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, đã có nhiều chính sách về gia đình được ban hành như: Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình…Rõ ràng, việc đề cao giá trị văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa là mục tiêu vừa có tính chiến lược, vừa có tính cấp bách trong sự nghiệp xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc và quy luật phát triển tất yếu của xã hội. Đặc biệt, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mục tiêu của công tác gia đình chính là: ổn định, củng cố và xây dựng gia đình theo tiêu chí: ít con (mỗi cặp vợ chồng chỉ 1 hoặc 2 con), no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, mỗi gia đình là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước nói chung và CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nói riêng; thực hiện các nghị quyết của Đảng và hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa“, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực chỉ đạo, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua của hội. Trong đó, có phong trào xây dựng gia đình nông dân văn hóa gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Để thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua của hội và phát huy vai trò của các cấp hội trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói chung và phong trào xây dựng gia đình nông dân văn hóa nói riêng, ngay từ đầu năm Hội Nông dân tỉnh đã phát động, chỉ đạo các cấp cơ sở hội đẩy mạnh thực hiện phong trào với thực hiện các chỉ tiêu công tác hội, trong đó xây dựng gia đình nông dân văn hóa là một trong 15 chỉ tiêu chính chỉ đạo các cấp hội triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, 10/10 huyện, thành hội xây dựng kế hoạch thực hiện, cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ như: tiêu chuẩn xây dựng gia đình nông dân văn hóa, phát động hội viên đăng ký xây dựng gia đình nông dân văn hóa; xây dựng làng, bản văn hóa. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội; tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa – thể thao, bảo vệ môi trường…gắn với xây dựng nông thôn mới.

Cùng với việc tăng cường công tác chỉ đạo, các cấp hội tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về vị trí, vai trò của gia đình trong việc hình thành, giáo dục nhân cách, ngăn chặn các tệ nạn xã hội, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như trên các phương tiện thông tin đại chúng, bản tin và thông qua những hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các lớp truyền thông nâng cao kiến thức gia đình, chăm sóc sức khỏe…; qua các hội thi Nhà nông đua tài, Liên hoan tiếng hát đồng quê,…đặc biệt các cấp hội đẩy mạnh việc tuyên truyền thông qua hoạt động của Câu lạc bộ “Gia đình nông dân hạnh phúc”. Câu lạc bộ “Gia đình nông dân hạnh phúc” hoạt động theo 6 tiêu chí do TW HNDVN quy định, cụ thể như: không đói nghèo, đủ ăn và vươn lên làm giàu; không đông con, không sinh con thứ 3; không có trẻ em bị suy dinh dưỡng, không có phụ nữ mắc bệnh vì sinh đẻ, không ăn ở mất vệ sinh gây ô nhiễm môi trường; không có người mù chữ, con em bỏ học; không theo tập tục lạc hậu mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội; không vi phạm chính sách pháp luật và làm mất an ninh thôn xóm. Thông qua hoạt động của CLB theo 6 tiêu chí trên đã góp phần tích cực trong việc giảm đáng kể số vụ bạo lực gia đình; ngăn chặn, phòng ngừa có hiệu quả các tệ nạn xã hội phát sinh từ gia đình; nâng cao kiến thức xã hội, cách thức xây dựng mái ấm hạnh phúc; giúp đỡ, tương trợ giữa các thành viên CLB cùng phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình…Qua đó, ý thức của cán bộ, hội viên, nông dân được nâng cao rõ rệt, các gia đình chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những quy ước, hương ước về xây dựng gia đình văn hóa, góp phần quan trọng giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ông bà, cha mẹ được quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo. Quan hệ vợ chồng bình đẳng, hạnh phúc. Nhiều gia đình đã trở thành điển hình tiến tiến trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nuôi dạy con ngoan học giỏi, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, sống có tình, có nghĩa với xóm giềng, trọng đạo lý nghĩa tình, trọng quan hệ họ hàng dòng tộc và có trách nhiệm trước xã hội. Phấn đấu nhiều thế hệ con cháu học hành tiến bộ, có nhiều đóng góp cho quê hương, giữ gìn truyền thống gia đình Việt Nam.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Để phong trào xây dựng gia đình nông dân văn hóa có sự phát triển về chiều sâu và thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng, các cấp hội đã gắn mục tiêu của phong trào với việc đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Bởi đời sống kinh tế phát triển là tiêu chí hàng đầu để trở thành gia đình nông dân văn hóa; xây dựng làng, bản văn hóa và cũng là động lực thúc đẩy phong trào xây đựng gia đình nông dân văn hóa hướng tới mục tiêu gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc“. Nhằm thúc đẩy phong trào SXKD giỏi phát triển, các cấp hội đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Hộ nông dân SXKD giỏi” 04 cấp theo Quy định số 18-QĐ/HNDTW ngày 12/01/2011 của Trung ương hội, kết quả năm 2011 đã có 114.900 hộ đăng ký danh hiệu hộ SXKD giỏi 04 cấp, tăng 3,5% so với năm 2010. Bên cạnh đó, các cấp hội tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; các dịch vụ hỗ trợ nông dân, dạy nghề; tư vấn, giới thiệu việc làm cho nông dân; triển khai có hiệu quả các mô hình, dự án phát triển kinh tế…

Bằng các hoạt động hiệu quả thiết thực trong việc vận động hội viên, nông dân xây dựng gia đình nông dân văn hóa nên số hộ gia đình nông dân đăng ký đạt tiêu chuẩn gia đình nông dân văn hóa hàng năm tăng, riêng năm 2011 có 223.067 hộ hội viên nông dân đăng ký, tăng 1.678 hộ so với năm 2010. Bình xét hàng năm có khoảng 97-98% số hộ đăng ký đạt danh hiệu gia đình nông dân văn hóa.

Để phát huy hơn nữa vai trò của các cấp hội trong phong trào xây dựng gia đình nông dân văn hóa, thời gian tới các cấp Hội Nông dân trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời tập trung đẩy mạnh một số nội dung sau:

Một là; chủ động tham mưu, tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền đối với việc thực hiện nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân nói chung, phong trào xây dựng gia đình nông dân văn hóa nói riêng, tạo động lực thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển sâu rộng.

Hai là; đa dạng hóa các hoạt động chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào phù hợp với từng nội dung, đối tượng và địa bàn gắn với thực hiện các nhiệm vụ của hội và phong trào nông dân, phát huy vai trò tổ chức hội trong xây dựng gia đình văn hóa và gia đình nông dân văn hóa; đồng thời đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu trong thực hiện phong trào.

Ba là; đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao kiến thức, tầm quan trọng của gia đình trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước hiện nay. Tập trung tuyên truyền, gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trên cơ sở tiếp thu văn minh, tiến bộ của nhân loại.

Bốn là; nâng cao hiệu quả hoạt động của các CLB nông dân, trọng tâm là CLB “Gia đình nông dân hạnh phúc”, từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của CLB theo hướng thiết thực, hiệu quả, sâu sát thực tiễn.

Năm là; tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động của phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng và phong trào xây dựng nông thôn mới nhằm tạo động lực thúc đẩy phong trào xây dựng gia đình nông dân văn hóa ngày càng phát triển.

BBT