Tạo cơ chế thu hút nguồn đầu tư cho tam nông

Lượt xem: 89

Sau khi có Nghị quyết T.Ư 7 khóa X thì bình quân trong 3 năm 2009-2011, đầu tư công cho tam nông đã tăng lên 52,3% trong tổng số đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) và trái phiếu Chính phủ. Như vậy, mức đầu tư đã tăng 1,95 lần so với thời kỳ trước đó.

ĐBQH Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân VN

Dù vậy theo tôi, mặc dù chúng ta đã cố gắng tăng đầu tư công cho tam nông lên trên 52% nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 55-60% nhu cầu thực tế. Do đó rất cần có những cơ chế chính sách tạo môi trường thuận lợi để thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư xã hội khác cũng như đầu tư nước ngoài vào khu vực nông thôn, chứ nếu chỉ trông chờ đầu tư công của Nhà nước thì rất khó đáp ứng đủ. Tuy vậy, thời gian qua, việc ban hành các cơ chế chính sách để thu hút mạnh các nguồn lực xã hội vào nông thôn còn chậm, thiếu và ít. Có một số chính sách đã có nhưng tác dụng cũng thấp. Ngoài khuyết điểm như đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao thì cơ cấu đầu tư chưa hợp lý vì đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đầu tư cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp với nhân lực, chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa tương xứng với đầu tư cho khoa học công nghệ (KHCN). Chính vì vậy, trong sản xuất nông nghiệp, tổn thất sau thu hoạch trên cả nước còn rất lớn, ở vùng miền núi phía Bắc, tổn thất sau thu hoạch đối với cây ngô lên đến 35%, đậu tương là trên 55%. Đồng bằng sông Cửu Long tổn thất sau thu hoạch với cây lúa xấp xỉ 15%. Đây là sự lãng phí rất lớn không những làm hụt năng suất mà còn làm giảm thu nhập của nông dân. Thứ 2 là việc thực hiện các chính sách nông nghiệp, ngư nghiệp hiện chưa có hiệu quả. Hiện nay chúng ta có gần 9.000 DN ngư nghiệp, nhưng hầu hết là DN nhỏ, 90% số này có vốn dưới 10 tỷ đồng. Về mặt quan điểm, chúng ta xác định nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu, nhưng trên thực tế hầu hết những DN ngư nghiệp chưa được thụ hưởng những ưu đãi về đầu tư công. Chúng ta có khoảng 40 DN mía đường liên quan đến khoảng 1 triệu lao động trồng mía nhưng họ cũng chưa được ưu ái như những DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Một số trang trại của nông dân làm cà phê, làm lâm nghiệp khi chuyển sang mô hình công ty TNHH lại phải nộp tiền thuê đất và không được ưu đãi. Như vậy, giữa quan điểm chủ trương và thực hiện còn khoảng cách rất dài.

Theo Dân Việt