Hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao

Lượt xem: 94

Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền nội dung Đề án “Đào tạo nghê cho lao động nông thôn đến năm 2020” đến đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân. Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở lao động Thương binh & xã hội đưa các giải pháp thực hiện nhằm “Nâng cao chất lượng công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn”; xây dựng Dự án đầu tư tổ chức thi công xây dựng công trình Trung tâm dạy nghề và dịch vụ hỗ trợ nông dân. Kết quả, sau 05 năm đã trực tiếp đào tạo được 39 lớp cho 1.198 người tham gia, với các nghề: May công nghiệp, gò hàn, mộc dân dụng, trồng trọt, chăn nuôi thú y. Trong đó, lao động nữ 603 người chiếm 50,3%. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh phối hợp với các cơ sở dạy nghề đóng trên địa bàn tổ chức tuyển sinh và dạy nghề cho lao động nông thôn được 46.856 lao động cụ thể: 770 lớp sơ cấp nghề cho 23.338 lao động; 540 lớp học nghề dưới 03 tháng cho 16.217 người tham gia và 7.297 người học nghề dài hạn tại các trường nghề trong và ngoài tỉnh. Phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật tổ chức 02 lớp Đại học hệ vừa làm vừa học chuyên ngành chăn nuôi thú y và phát triển nông thôn cho 142 học viên là cán bộ hội các cấp tham gia học tập. Tổ chức 02 lớp tập huấn cho 100 người là cán bộ Hội của tỉnh, huyện, cơ sở về kỹ năng tuyên truyền, vận động nông dân học nghề và tư vấn giới thiệu việc làm; cấp phát miễn phí 2.700 cuốn tài liệu phương pháp tuyên truyền tư vấn học nghề và giải quyết việc làm cho nông dân, 6.000 cuốn tài liệu cẩm nang nông dân học nghề.

Với phương pháp đào tạo “Cầm tay chỉ việc“, chất lượng đào tạo nghề hàng năm được nâng lên, tỷ lệ học viên đạt khá giỏi ở các lớp đạt 70-80%. Cơ sở vật chất, giáo viên cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người học, được học viên tiếp thu vận dụng tốt. Kết thúc khóa học các học viên đều được Trung tâm, Hội Nông dân cơ sở tư vấn giới thiệu vào làm việc tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh hoặc đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; Một số học viên đã liên kết lại với nhau thành lập các câu lạc bộ, tổ hợp tác nhằm tương trợ và giúp nhau phát triển sản xuất. Từ đó đã nâng cao được hiệu quả sau đào tạo, cụ thể: đối với các nghề phi nông nghiệp sau khi kết thúc khóa học tỷ lệ học viên có việc làm ổn đinh đạt 80% trở lên; nghề nông nghiệp 100% các học viên tốt nghiệp đều sử dụng kiến thức đã học áp dụng vào lao động sản xuất ở gia đình để phát triển kinh tế đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Kết quả, các cấp Hội đã tư vấn giới thiệu được 37.684 lao động vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, 4.718 lao động đi lao động hợp tác có thời hạn ở nước ngoài tại các thị trường Malaysia, Đài Loan, Đu Bai, Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và toàn xã hội về dạy nghề, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, góp phần thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 32 % năm 2010 đến nay đạt khoảng 48% năm 2014. Đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trong tỉnh. Dạy nghề đã từng bước chuyển đổi theo hướng tiếp cận sát với nhu cầu của thị trường lao động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và đã có sự gắn kết giữa dạy nghề với các chương trình giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, xuất khẩu lao động và các mục tiêu xã hội khác. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức Hội, thu hút nông dân tham gia vào Hội.

Lê Xuân Trung