KẾT QUẢ HỘI NGHỊ LẦN THỨ 12 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XI

Lượt xem: 93

Sau 07 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đổi mới, thiết thực, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các tờ trình, báo cáo của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính Phủ; đã có 451 lượt ý kiến phát biểu thảo luận (ở tổ và Hội trường). Nhiều đồng chí gửi ý kiến bằng văn bản hoặc sửa trực tiếp vào dự thảo Nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị. Bộ Chính trị đã tiếp thu ý kiến Trung ương; đồng thời giải trình về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; Ban Chấp hành Trung ương đã biểu quyết thống nhất cao thông qua nội dung của Hội nghị.

1. Về tình hình kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2015; Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2016

* Những kết quả đạt được: Kinh tế có bước phục hồi, tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 6,5%, vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát khoảng 2%. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo. Việc triển khai, thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt một số kết quả tích cực bước đầu. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm; phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đạt một số kết quả. Cải cách hành chính đạt những kết quả tích cực; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm chỉ đạo, có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh có bước tiến mới; chỉ số xếp hạng toàn cầu về năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 12 bậc. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền quốc gia được giữ vững; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả, nâng cao vị thế của Đảng ta, đất nước ta trên trường quốc tế.

* Những hạn chế, yếu kém: Chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Thể chế kinh tế thị trường chậm được hoàn thiện, còn nhiều hạn chế, các loại thị trường vận hành chưa thật thông suốt. Tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực còn chậm. Nhiều mặt hạn chế, yếu kém về văn hóa – xã hội khắc phục còn chậm. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trên một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế, bất cập. Cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu; một số bộ, ngành, địa phương chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt đúng mức. Việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đảo đứng trước những khó khăn, thách thức mới. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn còn diễn biến phức tạp…

* Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2016:

(1) Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

(2) Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

(3) Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016: Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định pháp luật về ngân sách nhà nước.

(4) Xây dựng và thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020 theo Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm(2016-2020).

(5) Phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

(6) Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

(7) Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

(8) Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.

(9) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước về thông tin truyền thông; bảo đảm an toàn thông tin.

2. Về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

Ban Chấp hành Trung ương tán thành dự kiến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 thống nhất toàn quốc là ngày Chủ nhật, 22 tháng 5 năm 2016 (tức ngày 16 tháng 4 âm lịch).

Thành phần Hội đồng bầu cử quốc gia có 21 thành viên, gồm Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch và 16 Uỷ viên.

Về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp: Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; bảo đảm giới thiệu người ứng cử có trình độ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, có kinh nghiệm thực tiễn. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đang công tác tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội nói chung cần đủ tuổi công tác đến hết nhiệm kỳ,

* Về số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội: Tổng số đại biểu Quốc hội khóa XIV là 500 người được phân bổ cụ thể như sau: Số lượng đại biểu Quốc hội ở các cơ quan Trung ương 198 đại biểu (39,6%). Số lượng đại biểu Quốc hội ở địa phương 302 đại biểu (60,4%).

* Về số lượng, cơ cấu đại biểu hội đồng nhân dân: Tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân và số đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách: Thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

3. Về công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII

Trên cơ sở phương hướng và quy trình công tác nhân sự, kết quả giới thiệu nhân sự qua hai vòng, Trung ương đã thảo luận dân chủ, xem xét khách quan, công tâm, toàn diện về dự kiến Danh sách nhân sự mới lần đầu được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và các phương án lựa chọn; đồng thời phân tích, đánh giá, góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, bổ sung vào các báo cáo và phương án nhân sự. Ban Chấp hành Trung ương cơ bản tán thành với Báo cáo của Bộ Chính trị và đề xuất nhiều ý kiến về tiêu chí xem xét trường hợp “đặc biệt” đối với Ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XI tái cử khóa XII, tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội); về phương án lựa chọn các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Trung ương đã bỏ phiếu biểu quyết lần thứ nhất danh sách nhân sự mới lần đầu được dự kiến giới thiệu tham gia BCH Trung ương khóa XII; Trung ương ghi phiếu đề xuất danh sách các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương khóa XI đủ tiêu chuẩn, điều kiện tái của BCH TW khóa XII và ghi phiếu đề xuất, giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII.

Bộ Chính trị đã báo cáo Ban Chấp hành Trung ương các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ Hội nghị lần thứ 11 đến Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương

Ban Chấp hành Trung ương kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tăng cường đoàn kết, thống nhất tư tưởng và hành động, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2015 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; tổ chức thành công đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2015 – 2020, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

BBT