Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm, làm việc với TƯ Hội NDVN

Lượt xem: 104
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm, làm việc với TƯ Hội NDVN
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh ý nghĩa của việc ra đời Kết luận 61 của Ban Bí thư và sự quan tâm, tạo điều kiện của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đối với Hội NDVN trong việc triển khai thực hiện KL 61. Hội cùng nông dân “chuyển mình” Theo Báo cáo kết quả thực hiện Kết luận 61 và Quyết định 673 do Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường trình bày, ngay sau khi có KL 61 và QĐ 673, Hội đã có nhiều hoạt động nổi bật. Trong đó phải kể đến sự “chuyển mình” của Hội trong việc nâng cao chất lượng và mở rộng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề cho nông dân. Trong các dịch vụ, phải kể đến việc Hội đã tích cực phối hợp để tạo vốn cho nông dân. Theo Báo cáo, Hội Nông dân đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Chính sách- Xã hội nhận ủy thác cho nông dân vay vốn. Tại thời điểm 31/8/2015 có 579.872 hộ nông dân được vay vốn theo Chương trình ký kết giữa Hội Nông dân Việt Nam với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dư nợ 21.993 tỷ đồng. Các cấp Hội Nông dân Việt Nam đang quản lý 64.159 tổ tiết kiệm và vay vốn với 2.285.448 hộ nông dân nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn theo Chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách- Xã hội, dư nợ 44.641 tỷ đồng (nợ quá hạn 0,38%) đã giúp cho nông dân có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Ngoài việc nhận uỷ thác vay vốn, Quỹ HTND Hội NDVN là một kênh tạo vốn cho nông dân rất hiệu quả. Đến ngày 30/9/2015, tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp Hội đạt 1.985,029 tỷ đồng; trong đó Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương 569,180 tỷ đồng, Quỹ Hỗ trợ nông dân địa phương 1.415,849 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã giúp trên 380.000 lượt hộ nông dân tham gia các nhóm hộ trong các mô hình sản xuất, kinh doanh, với số vốn quay vòng đạt trên 5.200 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã xây dựng được 2.807 mô hình kinh tế hợp tác, liên kết (tổ, nhóm) sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Đây là một trong các nội dung hoạt động rất thiết thực, hiệu quả, thu hút nhiều nông dân vào tổ chức Hội; nhiều hộ nông dân được hỗ trợ vốn đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá, giàu, nhiều hộ trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Hội đã chủ động phối hợp và trực tiếp tổ chức 3.900 lớp tập huấn kiến thức về kinh tế tập thể cho 127.970 lượt cán bộ Hội. Đồng thời, tích cực vận động hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng và phát triển các loại hình kinh tế tập thể phù hợp với từng địa bàn, từng ngành nghề và trình độ phát triển ở từng khu vực; đến nay, các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn thành lập được 14.604 mô hình kinh tế tập thể. Thông qua Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, nông dân đã tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí theo quy định… thu nhập của nông dân năm 2014 tăng 1,8 lần so với năm 2010; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn được cải thiện.
Chủ tịch nước lắng nghe ý kiến của các đại biểu
Hội Nông dân các cấp đã phối hợp và trực tiếp tổ chức dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên cho 1.684.265 lượt nông dân (đạt 168,4% mục tiêu Đề án); trong đó trực tiếp dạy nghề và cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận cho 563.540 lượt người; phối hợp tổ chức dạy nghề cho 1.120.725 lượt người. Tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ đạt trên 80%.

Thực hiện Quyết định 673, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ký nghị quyết liên tịch, chương trình phối hợp với các Bộ, ngành liên quan với tổng kinh phí trên 237 tỷ đồng. 63 tỉnh thành Hội đã ký 688 lượt chương trình, đề án, nghị quyết liên tịch góp phần tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới và củng cố quốc phòng an ninh ở địa phương.

“Hội phải giúp nông dân thiết thực”

Chủ tịch nước lưu ý, Hội phải giúp nông dân hiệu quả, thiết thực mới lôi kéo, vận động được hội viên. “Hội NDVN không chỉ giáo dục, tập hợp hội viên mà còn thực hiện các dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân, mang lại lợi ích ngày càng nhiều hơn cho hội viên, chính vì vậy Ban Bí thư đã cho ra đời Kết luận 61 để Hội thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ. Trong buổi làm việc, Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu làm rõ hơn tác động của KL 61 đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân; kết quả chương trình phối hợp; kiến nghị của Hội… Sau khi nghe một số ý kiến phát biểu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nông dân đóng góp rất lớn vào nền kinh tế. Chính vì vậy, Chủ tịch nước lưu ý các bộ, ngành nào chưa phối hợp tốt với Hội cần điều chỉnh lại. Chủ tịch nước ghi nhận vai trò của Hội trong thực hiện KL 61 tác động đến sự phát triển trong nông nghiệp như công tác dạy nghề của Hội, song Hội cũng cần tăng cường các phương pháp, hình thức hỗ trợ nông dân cập nhật kiến thức học nghề. Bên cạnh đó, Hội ND đã chung tay với chính quyền hỗ trợ nông dân trong các lĩnh vực khác, đặc biệt cung cấp vốn cho nông dân. Chủ tịch Trương Tấn Sang đánh giá, cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, xây dựng kinh tế tập thể, mẫu hình người nông dân mới đã phát huy vai trò vận động của Hội. Nhà nước sẽ đề nghị Bộ VH-TT-DL phối hợp với Hội xây dựng mẫu hình Người nông dân kiểu mới…. Kết luận 61 như “làn gió mới” tới các địa phương Phó Chủ tịch Thường trực BCH TƯ Hội Lại Xuân Môn đánh giá, KL61, QĐ 673 giúp Hội có tư cách pháp nhân, nguồn lực, cơ sở, điều kiện cho Hội ND hoạt động, khắc phục được kiểu tuyên truyền, vận động suông. KL 61, QĐ 673 huy động được nguồn lực trong nông dân; cấp uỷ, chính quyền, các bộ, ngành có cách nhìn thay đổi về Hội NDVN. Trong KL 61, QĐ 673 nguồn lực cấp cho Hội hoạt động phát huy hiệu quả như dạy nghề, hỗ trợ vốn cho nông dân. Chủ tịch Hội ND Quảng Nam cho rằng, KL 61 ra đời làm cho nhiều cấp uỷ có nhận thức đúng đắn về vai trò của Hội và giai cấp nông dân. Nhờ sự hỗ trợ về vốn từ ngân hàng CSXH, NN-PTNT, Quỹ HTND đã đáp ứng một phần về vốn cho nông dân. Nhưng Nhà nước cũng cần đầu tư cho nông nghiệp như khoa học công nghệ, có chính sách tích tụ ruộng đất để nông nghiệp có hướng phát triển bền vững. “Nhà nước phải làm sao đủ sức mạnh để liên kết 4 nhà hiệu quả, đưa doanh nghiệp và nhà khoa học đến với nhà nông”, lãnh đạo Hội ND Quảng Nam đề đạt. Phấn khởi với kết quả đạt được sau khi có KL 61, Chủ tịch Hội ND Vĩnh Phúc, Nguyễn Văn Quý cho rằng Kết luận 61, QĐ 673 đã giúp nông dân giải quyết những cái thiếu như vốn, KHKT, đầu ra sản phẩm… Để người nông dân bắt kịp với sự phát triển của xã hội, Hội ND Vĩnh Phúc xây dựng người nông dân mới với các tiêu chí: “Trí, lực, đức, nghề”. Ông đề nghị, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để nông dân tích tụ ruộng đất, khuyến khích DN bắt tay với nông dân tiêu thụ sản phẩm; bảo quản, dự trữ sản phẩm khi rớt giá; xây dựng Trung tâm dạy nghề cho nông dân tại các địa phương; bổ sung ngân sách cho Quỹ HTND TƯ. Chủ tịch Hội ND Hoà Bình, Nguyễn Trường Phong khẳng định, Nghị quyết 26, KL 61, QĐ 673 đã đi vào cuộc sống. Tại Hòa Bình, bình quân thu nhập của nông dân tăng từ 11 triệu/người/năm lên 16 triệu đồng/người/năm. Tuy so với mặt bằng chung chưa phải là cao, song đã có tín hiệu tích cực. Nhưng, hiện vẫn còn một số khó khăn đối với nông dân như KHKT, dịch vụ công, tiêu thụ nông sản; vai trò chưa rõ nét của Nhà nước trong liên kết 4 nhà… Chia sẻ tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội ND Hà Nội, Trịnh Thế Khiết cho biết, trong chương trình tham gia xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã huy động 24 ngàn tỷ đồng, 95% đường liên thôn xóm bê tông hoá, 100% cư dân nông thôn được sử dụng nước sạch, thu nhập bình quân tăng 33 triệu/người/năm, so với năm 2011 tăng gấp 2 lần….

Chủ tịch Hội ND Hà Nội đề nghị Nhà nước có cơ chế, chính sách sản xuất, bảo quản, tiêu thụ nông sản cho ND

Chủ tịch Khiết cũng cho biết một số hạn chế, bất cập sau 5 năm thực hiện KL 61, Quyết định 673. Ông cũng đề nghị Nhà nước có cơ chế, chính sách sản xuất, bảo quản, tiêu thụ nông sản cho ND; khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; tránh tình trạng làm ăn manh mún. Theo ông Phạm Minh Hùng, Chủ tịch HND Long An, các tỉnh, thành đã cụ thể hoá KL 61 của Ban Bí thư, từ đó vị thế, uy tín của Hội được nâng lên. Hội ND Long An đã chủ động một số nội dung trong KL để các sở, ngành thấy được khả năng của cán bộ Hội như xây dựng 1.800 tổ hợp tác … Sau khi giải đáp một số băn khoăn, vướng mắc của các đại biểu và kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch Trương Tấn Sang chúc Hội NDVN triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua, thực hiện tốt KL 61 và QĐ 673 góp phần đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn lên một bước phát triển mới. Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường thay mặt BCH TƯ Hội cám ơn sự quan tâm, ghi nhận của Chủ tịch nước đối với Hội NDVN trong thực hiện NQ TƯ 7, KL 61, QĐ 673, Hội NDVN sẽ khắc phục những hạn chế, yếu kém, thực hiện tốt hơn KL 61 của Ban Bí thư. Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường mong muốn Chủ tịch nước chỉ đạo một số bộ, ban, ngành quan tâm, phối hợp tốt hơn nữa với Hội NDVN để thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển, không ngừng nâng cao đời sống nông dân.
HNDVN