HIỆU QUẢ THIẾT THỰC TỪ NHỮNG “CÁNH ĐỒNG MẪU LỚN”

Lượt xem: 98

Trong những năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động tham mưu tích cực cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều Đề án, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Một trong những chính sách đó là việc ban hành Nghị quyết số 06/2013/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về Hỗ trợ khuyến khích dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2014-2016. Với việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn sẽ tạo cho người nông dân thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, có liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, áp dụng đồng bộ nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm đạt hiệu quả cao về kinh tế trên đơn vị diện tích.

Mô hình sản xuất khoai tây chế biến tại xã Tư Mại, huyện Yên Dũng

Năm 2012, ngành nông nghiệp tỉnh bắt đầu triển khai xây dựng mô hình điểm 02 cánh đồng mẫu tại huyện Yên Dũng, đó là mô hình sản xuất khoai tây chế biến tại xã Tư Mại và mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng tại xã Cảnh Thụy. Qua tổng kết đánh giá bước đầu cho thấy sản xuất trên cánh đồng mẫu hiệu quả cao hơn rõ rệt so với sản xuất đại trà và trong quá trình triển khai thực hiện đã nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của cán bộ, đảng viên và nông dân. Chính vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 01 tháng 7 năm 2013, về việc tiếp tục vận động nông dân thực hiện dồn điền, đổi thửa, tổ chức các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp và đã thu hút sự “vào cuộc” rất tích cực từ phía cấp ủy, chính quyền các cấp; các ban, ngành, đoàn thể chính trị trên địa bàn toàn tỉnh. Sau 5 tháng triển khai Chỉ thị, các địa phương đã xây dựng được 13 cánh đồng mẫu ở vụ Đông. Năm 2014, 100% các huyện, thành phố triển khai xây dựng cánh đồng mẫu, qua nghiệm thu đánh giá có 54 cánh đồng đạt tiêu chí theo quy định. Năm 2015, có 102 cánh đồng đạt tiêu chí và năm 2016, toàn tỉnh đã triển khai đăng ký thực hiện 79 cánh đồng mẫu.

Mô hình cánh đồng mẫu lớn là một trong những giải pháp quan trọng, lâu dài để đưa sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Việc xây dựng cánh đồng mẫu được đông đảo bà con nông dân tham gia vì mang lại những hiệu quả rõ ràng, thiết thực, giúp người nông dân thuận tiện trong khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng máy cơ giới trong sản xuất, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí đầu vào… Bên cạnh đó sẽ có nhiều nông dân trên cánh đồng mẫu được bình đẳng về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho quy trình sản xuất, được biết rõ lợi nhuận từ mảnh ruộng nhà mình sau mỗi vụ gieo trồng. Đây cũng là một trong những giải pháp thuận lợi trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất để xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt việc lựa chọn giống phù hợp, áp dụng nghiêm các yêu cầu kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương thức canh tác cũ. Theo đánh giá, canh tác truyền thống, việc làm ruộng chủ yếu vẫn là mạnh nhà ai nhà đấy làm, người cấy sớm, người cấy muộn, nhà thì phun thuốc bảo vệ thực vật, nhà thì không nên việc quản lý sâu bệnh gặp rất nhiều khó khăn, làm giảm năng suất cây trồng. Không chỉ vậy, khi muốn thuê máy cày, máy bừa để làm đất cũng khó vì diện tích nhỏ nên các phương tiện, máy móc đi vào cũng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, các hộ đều cùng gieo cấy một giống, cùng thời vụ, chăm sóc cùng quy trình, cùng thuê máy móc, cùng liên kết sản xuất và tiêu thụ nên vừa giảm được chi phí đầu vào, đồng thời năng suất cao, chất lượng được cải thiện, do đó hiệu quả kinh tế cao hơn so với đại trà từ 20% trở lên; thậm chí nhiều cánh đồng áp dụng tốt các tiêu chí nên hiệu quả tăng hơn 30-50% so với sản xuất đại trà, nhất là cánh đồng sản xuất giống.

Mô hình cánh đồng mẫu lớn triển khai đã phần nào trả lời cho câu hỏi làm thế nào để tăng hiệu quả của việc liên kết “4 nhà”, giúp người nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất với giá cả ổn định và chất lượng đảm bảo. Ngoài ra, với việc xây dựng và nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, một số nơi bước đầu đã hình tành các tổ hợp tác, hợp tác xã dịch vụ thực hiện các khâu dịch vụ cho sản xuất như: cung ứng vật tư, làm đất, thu hoạch, phòng trừ sâu bệnh…

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả đạt được thì vẫn còn những tồn tại nhất định như: số lượng hộ tham gia mô hình quá lớn (tới hàng trăm hộ, cá biệt có những cánh đồng lên đến 300 – 400 hộ); việc sử dụng cơ giới hóa hiệu quả chưa cao nhất là khâu thu hoạch đối với cánh đồng lúa; hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi phục vụ cho tưới, tiêu còn chưa đáp ứng; việc liên kết bao tiêu sản phẩm còn hạn chế…

Bởi vậy, để nâng cao hiệu quả xây dựng cánh đồng mẫu, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo các cấp cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong lãnh, chỉ đạo tổ chức thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu, đặc biệt đối với các thôn, bản.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết; chủ trương, chính sách và hiệu quả của dồn điền, đổi thửa, tổ chức xây dựng cánh đồng mẫu để cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ và làm theo.

Ba là, một số địa phương miền núi, đồng đất không bằng phẳng, ruộng ô thửa bé cần chỉ đạo lựa chọn hỗ trợ mua máy cơ giới loại nhỏ phù hợp với điều kiện và tập quán canh tác của từng địa phương để sản xuất đạt hiệu quả cao.

Bốn là, Ban Chỉ đạo, Tổ công tác các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương xây dựng cánh đồng mẫu theo các tiêu chí quy định; chủ động tham mưu chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc khi triển khai thực hiện ở cơ sở để xây dựng các cánh đồng mẫu đạt hiệu quả cao.

Năm là, UBND các cấp cần giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, đưa công tác dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu thành nhiệm vụ trọng tâm của từng cấp, ngành, gắn với việc bình xét thi đua hàng năm.

Sáu là, Ban chỉ đạo, Tổ công tác xây dựng cánh đồng mẫu các cấp cần chỉ đạo, hướng dẫn áp dụng triệt để các tiêu chí xây dựng cánh đồng mẫu như: lựa chọn xây dựng cánh đồng mẫu ở những nơi đã thực hiện dồn điền, đổi thửa để có điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất; lựa chọn cơ cấu cây trồng hợp lý, nhất là ứng dụng các giống và tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; áp dụng đồng bộ các hợp đồng liên kết sản xuất như: cung ứng vật tư, cơ giới hóa, tiêu thụ, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất và thu hoạch… để giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất.

Vũ Xuân Khiêm

Sở Nông nghiệp và PTNT