Nội dung cuốn Thông tin nội bộ Hội Nông dân Qúy I năm 2018 (Phần I)

Lượt xem: 84

Ngày 20 tháng 9 năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón. Nghị định này thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khoảng 3 năm thực hiện Nghị định 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón, việc quản lý mặt hàng này đã có hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, Nghị định số 202/2013/NĐ-CP còn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại kẽ hở, chưa bắt kịp yêu cầu thực tiễn dẫn đến sản phẩm phân bón phát triển ồ ạt, không theo định hướng.

Để khắc phục những hạn chế trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP.

Nghị định số 108/2017/NĐ-CP quy định quản lý nhà nước về phân bón, bao gồm: công nhận; khảo nghiệm; sản xuất; buôn bán; xuất khẩu; nhập khẩu; quản lý chất lượng; ghi nhãn; quảng cáo, hội thảo và sử dụng phân bón ở Việt Nam.

Theo quy định tại Nghị định số 108/2017/NĐ-CP, phân bón không được công nhận lưu hành khi:

– Có chứa các yếu tố gây hại vượt mức giới hạn tối đa theo quy định tại các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn quốc gia hoặc theo quy định tại Phụ lục V của Nghị định này trong thời gian chưa có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn quốc gia và các quy định khác có liên quan;

– Có bằng chứng khoa học về phân bón có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường;

– Trùng tên với phân bón khác đã được công nhận lưu hành.

Phân bón bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam khi:

– Có bằng chứng khoa học về phân bón có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường;

– Phát hiện sử dụng tài liệu giả hoặc cung cấp thông tin trong tài liệu không đúng với phân bón đề nghị công nhận lưu hành;

– Phân bón đã được công nhận lưu hành nhưng hết thời gian lưu hành mà không công nhận lại.

Nghị định số 108/2017/NĐ-CP quy định tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón phải bảo đảm các điều kiện sau:

– Tổ chức, cá nhân được thành lập theo quy định của pháp luật;

– Có địa điểm sản xuất, diện tích nhà xưởng phù hợp với công suất của dây chuyền, máy móc thiết bị sản xuất phân bón;

– Dây chuyền, máy móc thiết bị sản xuất từ khâu xử lý nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng đáp ứng quy trình công nghệ. Các công đoạn, hệ thống bắt buộc phải sử dụng máy thiết bị được cơ giới hóa hoặc tự động hóa theo quy định. Máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và thiết bị đo lường thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh theo quy định của pháp luật;

– Có khu vực chứa nguyên liệu và khu vực thành phẩm riêng biệt; có kệ hoặc bao lót để xếp đặt hàng;

– Có phòng thử nghiệm được công nhận hoặc có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng phân bón do mình sản xuất;

– Có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với ISO 9001 hoặc tương đương, đối với cơ sở mới thành lập, muộn nhất sau 1 năm kể từ ngày thành lập;

– Người trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất có trình độ đại học trở lên một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học.

Theo quy định tại Nghị định số 108/2017/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón phải bảo đảm các điều kiện sau:

– Tổ chức, cá nhân được đăng ký hoặc thành lập theo quy định của pháp luật;

– Có cửa hàng buôn bán phân bón. Cửa hàng buôn bán phân bón phải có: biển hiệu, sổ ghi chép việc mua, bán phân bón; bảng giá bán công khai từng loại phân bón niêm yết tại nơi dễ thấy, dễ đọc;

– Có khu vực chứa phân bón; có kệ hoặc bao lót để xếp đặt hàng;

– Người trực tiếp bán phân bón phải có Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón, trừ trường hợp đã có trình độ trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học.

Trường hợp cơ sở buôn bán phân bón không có cửa hàng phải có đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm giao dịch cố định, hợp pháp; có sổ ghi chép việc mua, bán phân bón và đáp ứng quy định về người trực tiếp bán phân bón.

2. Nội dung Chỉ thị số 16 – CT/TW, ngày 22/12/2017 của Ban Bí thư về tổ chức tết năm 2018

Để chuẩn bị cho nhân dân đón mừng năm mới 2018 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất vui tươi, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm, ngày 22/12/2017, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 16 – CT/TW về tổ chức tết năm 2018. Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

– Thực hiện thật tốt các chính sách bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nhất là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão, lũ. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo…

Tổ chức thăm hỏi các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, các đơn vị lực lượng vũ trang và đơn vị làm nhiệm vụ trong những ngày Tết.

– Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư khóa XI về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội, mừng Xuân, tổng kết năm, đón nhận phần thưởng thi đua và kỷ niệm ngày truyền thống… cần thiết thực, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc Tết lãnh đạo các địa phương; các địa phương không chúc Tết cấp trên và Trung ương.

Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới với mọi hình thức; nghiêm cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội…

– Để đáp ứng nhu cầu của nhân dân vui Xuân, đón Tết, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán phù hợp với điều kiện, khả năng của địa phương, với tinh thần tiết kiệm và tuyệt đối an toàn và không được sử dụng ngân sách nhà nước.

– Chủ động nắm chắc tình hình, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường các biện pháp phòng, chống, xử lý vi phạm pháp luật, tội phạm và tệ nạn xã hội; phòng, chống cháy, nổ; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ… Chú trọng quản lý tốt thị trường và giá cả, bảo đảm cân đối cung – cầu hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an ninh, trật tự, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, tích trữ, gây tăng giá đột biến.

Bố trí đủ phương tiện giao thông công cộng và bảo đảm an toàn giao thông để nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn. Làm tốt công tác y tế dự phòng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, địa phương có kế hoạch cụ thể, bố trí cán bộ, nhân viên trực để xử lý, giải quyết kịp thời mọi công việc trong dịp nghỉ Tết, bảo đảm các hoạt động thuận lợi, thông suốt, không để ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân và doanh nghiệp…

3. Trích Nghị định số 123/2017/NĐ-CP, ngày 14/11/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước

Ngày 14/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước.

Theo đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thu tiền sử dụng đất và Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Cụ thể, việc chuyển mục đích sử dụng từ đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (không phải là đất ở) có nguồn gốc nhận chuyển nhượng đất ở của hộ gia đình, cá nhân sang đất ở để thực hiện dự án đầu tư từ ngày 01/7/2014 trở về sau thì nộp tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo quy hoạch xây dựng chi tiết của dự án, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trừ (-) tiền sử dụng đất tính theo quy hoạch xây dựng chi tiết xây dựng nhà ở của hộ gia đình, cá nhân tại thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (không phải là đất ở) có nguồn gốc là đất ở sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân thì không phải nộp tiền sử dụng đất.

Việc chuyển mục đích sử dụng từ đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (không phải là đất ở) có thời hạn sử dụng ổn định lâu dài có nguồn gốc được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 sang đất ở để thực hiện dự án đầu tư từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 trở về sau thì nộp tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở trừ (-) tiền sử dụng đất tính theo giá đất tính thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê của đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (thương mại, dịch vụ) thời hạn 70 năm tại thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Đối với trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trong trường hợp số tiền sử dụng đất đã được miễn, giảm không tính vào giá chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng tiếp tục thực hiện dự án thì người nhận chuyển nhượng tiếp tục được miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đầu tư cho thời gian còn lại của dự án.

Trường hợp người nhận chuyển nhượng không tiếp tục thực hiện dự án thì phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định đối với dự án sau chuyển nhượng. Trường hợp người chuyển nhượng đã thực hiện một phần nghĩa vụ tài chính về đất đai thì người nhận chuyển nhượng được kế thừa phần nghĩa vụ mà người chuyển nhượng đã nộp.

Đối với trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người chuyển nhượng phải nộp đủ số tiền đã được miễn, giảm vào ngân sách nhà nước theo giá đất tại thời điểm chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, Nghị định còn sửa đổi quy định về trình tự, thủ tục xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất; thu tiền sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đối với đất ở có nguồn gốc được giao không đúng thẩm quyền; trình tự, thủ tục miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội, dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa, sửa đổi quy định về giá thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;…

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Đồng thời bãi bỏ Điều 7 Mẫu Hợp đồng ban hành kèm theo Nghị định số 33/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ.

4. Trích Quyết định số 730/QĐ-UBND, ngày 27/10/2017 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc ban hành bộ Tiêu chí nông sản hàng hóa cấp tỉnh, giai đoạn 2017-2020

Ngày 27/10/2017, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 730/QĐ-UBND về Bộ tiêu chí nông sản hàng hóa cấp tỉnh, giai đoạn 2017-2020, cụ thể:

Có 05 tiêu chí chung, bao gồm:

– Sản phẩm có quy mô sản xuất lớn, có giá trị gia tăng cao, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp; có ý nghĩa làm động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển.

– Khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao.

– Có tiềm năng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; có khả năng cung ứng cho thị trường với sản lượng lớn, ổn định, lâu dài; có khả năng gắn kết giữa sản xuất với các cơ sở chế biến trong và ngoài tỉnh.

– Có tính độc đáo riêng của địa phương, có khả năng trở thành sản phẩm hàng hóa mang đặc trưng riêng của tỉnh Bắc Giang, được cấp chỉ dẫn địa lý, bảo hộ nhãn hiệu.

– Có khả năng kết nối với sản phẩm cùng loại của các tỉnh trong vùng và trong nước để tham gia xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ tiêu chí cũng nêu rõ 05 tiêu chí cụ thể để đánh giá và tính điểm, bao gồm:

– Tiêu chí về tổ chức sản xuất: quy mô sản xuất; khả năng áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để tạo ra sản phẩm với số lượng lớn, chất lượng cao; mô hình sản xuất tập trung; tham gia chuỗi liên kết giá trị sản phẩm (30 điểm).

– Tiêu chí về chất lượng, thương hiệu sản phẩm: sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; sản phẩm được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; bao bì, nhãn mác sản phẩm; sản phẩm có truy xuất nguồn gốc; sản phẩm có tính truyền thống (25 điểm).

– Tiêu chí về thị trường tiên thụ: sản phẩm được tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước; về khả năng xuất khẩu; khả năng cạnh tranh trên thị trường (15 điểm).

– Tiêu chí về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường: khả năng thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển; hiệu quả xã hội, được thể hiện qua việc làm cho người lao động và các khoản đóng góp xã hội, từ thiện; hiệu quả về môi trường (20 điểm).

– Các hình thức được vinh danh và ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất: các giải thưởng đã được vinh danh; về chấp hành chính sách, pháp luật (10 điểm).

Theo Bộ tiêu chí: Nông sản hàng hóa đáp ứng tiêu chí chung và đạt số điểm từ 70 điểm trở lên (theo 05 tiêu chí đánh giá cụ thể) sẽ được công nhận là nông sản hàng hóa cấp tỉnh.

5. Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh năm 2018

Ngày 01 tháng 12 năm 2017, Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 251-NQ/TU về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2018, cụ thể như sau:

* Về mục tiêu tổng quát:

Tiếp tục tăng cường chỉnh đốn, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; hiệu quả thực thi pháp luật và phòng chống tham nhũng, lãng phí. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển toàn diện các ngành kinh tế, các lĩnh vực văn hóa – xã hội, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội đề ra. Thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Củng cố vững chắc quốc phòng; giữ vững ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn.

* Về một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu năm 2018:

– Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 13%. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp – Xây dựng: 46,8%; dịch vụ: 33,4%; nông, lâm nghiệp, thủy sản: 19,8%.

– GRDP bình quân đầu người đạt 2.100 USD.

– Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 6.368 tỷ đồng.

– Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 40 nghìn tỷ đồng.

– Kim ngạch xuất khẩu đạt 7,8 tỷ USD, nhập khẩu 7,5 tỷ USD.

– Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 95-100 triệu đồng.

– Tỷ lệ dân số đô thị đạt 19,3%.

– Số lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 1,5 triệu lượt người.

– Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 43,1%, tăng 20 xã so với năm 2017.

– Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia khoảng 85%.

– Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020 đạt 96,5%. Số giường bệnh/vạn dân đạt 24,6 giường; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 97%.

– Tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 87%; làng, bản, tổ dân phố văn hóa đạt 70%; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới 39,7%.

– Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2% so với năm 2017, còn 7,55%.

– Số lao động được giải quyết việc làm 29.400 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,5%.

– Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom đạt 60,5%, trong đó tỷ lệ chất thải rắn được thu gom được xử lý hợp vệ sinh đạt 90,9%.

– Tỷ lệ che phủ rừng (không tính diện tích cây ăn quả) đạt 37,3%.

* Về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

– Lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội: tập trung cải thiện và nâng cao hơn nữa sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn; tiến hành rà soát lại quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư; tiếp tục đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông đường bộ, cảng thủy nội địa, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hệ thống cung ứng điện cho sản xuất….Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp; tập trung quy hoạch các vùng sản xuất, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; tăng cường ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến…Nắm chắc các chủ trương, quan điểm của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế…Chăm lo phát triển toàn diện các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao; giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội…Xây dựng môi trường xã hội lãnh mạnh, đời sống văn hóa tinh thần phong phú ở cả thành thị và nông thôn…

– Lãnh đạo công tác quốc phòng, an ninh: tập trung củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Chú trọng hơn nữa việc giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật…Quyết tâm lập lại trật tự an toàn giao thông. Nâng cao hơn nữa hiệu lực thực thi pháp luật; chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm đứng ngoài pháp luật.

– Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh: tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp. Đổi mới hoạt động, nâng cao vai trò của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, các đoàn thể trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và là cầu nối quan trọng để phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân trong điều kiện mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có cơ chế động viên, khích lệ các phong trào thi đua, các tổ chức cá nhân tiên tiến, các nhân tố mới.

(Hết phần I)