Tiêu chí đánh giá giải pháp kỹ thuật tham dự Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh Bắc Giang lần thứ VIII, năm 2019

Lượt xem: 84

– Tính mới: Giải pháp lần đầu tiên được thực hiện ở trong nước (không trùng với giải pháp đã được công bố trong bất kỳ nguồn thông tin nào có hoặc đã được áp dụng ở Việt Nam trước ngày nhận hồ sơ) đạt hiệu quả kinh tế – xã hội cao và chưa từng được nhận các giải thưởng khác đã được tổ chức trong nước.

– Tính sáng tạo: Giải pháp kỹ thuật đã được mô tả, công bố trong các nguồn thông tin hoặc giải pháp đã có ở tỉnh nhưng lần đầu tiên được áp dụng, chế tạo và có cải tiến so với giải pháp hiện có.

* Có hiệu quả kinh tế – xã hội: giải pháp mang lại lợi ích kinh tế – xã hội cao hơn so với giải pháp tương tự đã biết ở Bắc Giang, quá trình áp dụng không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội. Lợi ích có thể được tính thành tiền hoặc không được tính thành tiền:

– Lợi ích được tính thành tiền: tiền làm lợi do áp dụng giải pháp kỹ thuật, giá trị lợi ích được xác định thông qua tổng số tiền tiết kiệm được do áp dụng giải pháp như: giảm chi phí nhân lực, tiền vốn, nguyên liệu, vật liệu, năng lượng….

– Lợi ích không tính thành tiền: là lợi ích liên quan đến sức khỏe, môi trường và đời sống con người như: cải thiện điều kiện sống, điều kiện lao động (giảm tiếng ồn, độ độc hại, nâng cao an toàn lao động, bảo vệ môi trường…) được xác định thông qua các chỉ tiêu như: hiệu quả kỹ thuật, khối lượng và phạm vi áp dụng giải pháp kỹ thuật, giá trị khoa học kỹ thuật, số người đã được hưởng lợi…

– Có khả năng áp dụng rộng rãi trong điều kiện của tỉnh: giải pháp dự thi đã được áp dụng, hoặc đã được thử nghiệm, sản xuất thử, hoặc được chứng minh khả năng áp dụng có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

* Giải pháp đạt giải nhất bên cạnh những tiêu chí trên phải có hiệu quả kinh tế – xã hội cao, có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, có khả năng áp dụng rộng rãi. Cụ thể:

– Trường hợp lợi ích của giải pháp được tính thành tiền: giá trị làm lợi của giải pháp kỹ thuật phải đạt từ 300 triệu đồng/năm trở lên.

– Trường hợp lợi ích của giải pháp không tính được thành tiền: giải pháp kỹ thuật phải có sự đóng góp vào cơ sở lý luận của vấn đề nghiên cứu, tạo ra những luận cứ khoa học, những giải pháp để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

b. Thang điểm đánh giá các giải pháp dự thi theo từng tiêu chí

* Tính mới, tính sáng tạo: Số điểm tối đa là 30 điểm.

* Hiệu quả kinh tế, xã hội, kỹ thuật: Số điểm tối đa là 40 điểm, trong đó:

– Hiệu quả kinh tế: tối đa 20 điểm.

– Hiệu quả kỹ thuật: tối đa 12 điểm.

– Hiệu quả xã hội: tối đa 8 điểm.

* Khả năng áp dụng: Số điểm tối đa là 30 điểm.

c. Tiêu chí xét, trao giải

* Tổng số điểm tối đa cho một giải pháp là 100 điểm, điểm ứng với giải thưởng như sau:

– Giải nhất: Các giải pháp kỹ thuật đạt từ 90 điểm đến 100 điểm (01 giải)

– Giải nhì: Các giải pháp kỹ thuật đạt từ 80 điểm trở lên (02 giải)

– Giải ba: Các giải pháp kỹ thuật đạt từ 70 điểm trở lên (03 giải)

– Giải khuyến khích: Các giải pháp kỹ thuật đạt từ 50 điểm trở lên (04 giải)

* Trường hợp có nhiều giải pháp kỹ thuật đủ điểm đạt các giải thì chọn những giải pháp có điểm từ cao xuống thấp.

– Trường hợp có nhiều giải pháp kỹ thuật đủ điểm đạt cùng hạng giải, thì chọn những giải pháp kỹ thuật có điểm về hiệu quả kinh tế xã hội từ cao xuống thấp.

* Xem xét, đánh giá các tiêu chuẩn khác:

Một số trường hợp đặc biệt như người dự thi là dân tộc thiểu số hoặc sử dụng nguồn kinh phí của mình để nghiên cứu, thử nghiệm…. sẽ được Ban tổ chức xem xét khi trao giải thưởng.

Trích “Thông tin nội bộ HND quý II/2019”