Năm “cái được” khi thực hiện Đề án 24 ĐA/ HNDTW

Lượt xem: 102
Phó Chủ tịch Hội ND Trà Vinh Phạm Quốc Việt khẳng định cán bộ cơ sở Hội có vai trò quyết định trong phát triển chi, tổ Hội nghề nghiệp.

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng khẳng định: Ba năm thực hiện Đề án 24 chính là cụ thể Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đã đạt được thành công bước đầu. Chủ tịch khái quát thực hiện Đề án, Hội đạt được 5 mục tiêu lớn:

Thứ nhất, được phương thức hoạt động theo nghề nghiệp của chi, tổ Hội, cán bộ Hội trưởng thành một bước về nhận thức và hoạt động, phong trào của Hội và an ninh trật tự tốt ở nông thôn. Thứ hai, được sự hợp tác, liên kết tự nguyện của các hội viên trong sản xuất và tiêu thụ, là tiền đề quan trọng hình thành HTX của chi Hội, Hội ND xã, do Hội trực tiếp xây dựng, giúp tập hợp, đoàn kết nông dân tốt hơn. Thứ ba, vị trí, vai trò chủ thể của nông dân và vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội ND được thể hiện rõ trong hoạt động của chi, tổ Hội nghề nghiệp. Thứ tư, thông qua việc thành lập chi, tổ Hội nghề nghiệp, hội viên, nông dân gắn bó, gần gũi hơn, vai trò quan trọng của Hội ND rõ hơn, uy tín của Hội ND được nâng cao trong con mắt của người nông dân và cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể khác. Thứ năm, được năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất cao hơn, đây cũng là đích đến Hội ND vươn tới, là “tem” để thế giới nhập nông sản của Việt Nam. Chủ tịch cũng đưa ra 3 hạn chế chưa được giải đáp. Một là, Hội ND chủ trì tổ chức kết nối hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa rõ, chưa hiệu quả. Hai là, quan hệ giữa chi, tổ Hội nghề nghiệp dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng chưa được làm rõ; một bộ phận cán bộ Hội chưa thông suốt, nhận thức chưa thực chất Đề án 24. Ba là, tổ chức triển khai trong hệ thống Hội về tư vấn, tập huấn, hỗ trợ cho chi, tổ Hội trưởng chi, tổ Hội nghề nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa được triển khai nghiêm túc. Tại phiên thảo luận buổi chiều, Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng yêu cầu các đại biểu chú trọng những mặt được, vấn đề còn khó khăn; giải quyết mối quan hệ giữa chi, tổ Hội nghề nghiệp với chi, tổ Hội theo địa bàn dân cư; Hội đảm nhiệm vai trò bảo trợ chính trị cho chi, tổ Hội nghề nghiệp khi thành lập HTX; Quỹ HTND từ huyện đến Trung ương hỗ trợ vốn cho chi, tổ Hội nghề nghiệp phát triển sản xuất… Phát biểu tại buổi thảo luận, Chủ tịch Hội ND Hải Dương Phạm Thị Thanh Tâm chia sẻ: Thời gian qua, các cấp Hội đã hỗ trợ các chi, tổ Hội nghề nghiệp chọn giống cây trồng, vật nuôi sản xuất; bảo lãnh mua phân bón trả chậm; giúp vay vốn, tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như tổ Hội nghề nghiệp trồng ổi đã phát triển thành HTX nông nghiệp sạch Nam Vũ (xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà), với 20 thành viên, hiện sản phẩm được tiêu thụ ở siêu thị VinMart. Tuy nhiên, việc phát triển chi, tổ Hội nghề nghiệp còn một số hạn chế như: Chưa có nhiều chi, tổ Hội nghề nghiệp tiêu biểu; đầu ra còn khó khăn, vì chưa sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn như VietGAP; nhận thức của một số cán bộ Hội chưa đồng tình, coi chi, tổ Hội nghề nghiệp không khác câu lạc bộ, tổ, nhóm mô hình; sự chỉ đạo của các cấp Hội chưa quyết liệt. Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh định hướng chú trọng phát triển tổ Hội nghề nghiệp; chọn chi Hội trưởng năng động, giỏi, quy tụ được các thành viên; tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về Đề án, xây dựng chi, tổ Hội nghề nghiệp theo phương thức mới, nâng cao hơn; vận động tập thể, cá nhân tham gia “mỗi xã một sản phẩm”… Chủ tịch Hội ND Gia Lai Nguyễn Minh Trưởng cho biết: Sau 3 năm Đề án đã mang lại hiệu quả vượt mong đợi ban đầu. Đồng chí đề nghị: Cần thống nhất nhận thức chi, tổ Hội nghề nghiệp khác với chi, tổ Hội theo địa bàn dân cư; xem xét ban hành hướng dẫn hoạt động của chi, tổ Hội nghề nghiệp không chồng chéo với thực hiện điều lệ Hội sửa đổi năm 2018. Sau Hội nghị này, Chủ tịch yêu cầu Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết báo cáo Ban Thường vụ, Thường trực Trung ương Hội trong thời gian tới.
Nguồn: hoinongdan.org.vn