Những nội dung chủ yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh

Lượt xem: 133

GS, TS. Hoàng Chí Bảo giới thiệu những nội dung cốt lõi về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII.

Theo Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh gồm các nội dung chủ yếu: Tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; tư tưởng về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; tư tưởng về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; tư tưởng về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; tư tưởng về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tư tưởng về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; tư tưởng về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; tư tưởng về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân…

Soi sáng con đường giải phóng và phát triển của dân tộc

Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng con đường giải phóng và phát triển của dân tộc. Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của cách mạng Việt Nam; là sản phẩm của dân tộc và thời đại. Tư tưởng của Người không chỉ tiếp thu, kế thừa những giá trị, tinh hoa văn hóa của loài người, trong đó chủ yếu là chủ nghĩa Mác – Lênin, mà còn giải đáp nhiều vấn đề của thời đại, của sự nghiệp cách mạng Việt Nam và thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành ngọn cờ dẫn dắt cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong bối cảnh của thế giới ngày nay, tư tưởng Hồ Chí Minh giúp chúng ta nhận thức đúng những vấn đề lớn có liên quan đến việc bảo vệ nền độc lập dân tộc, phát triển và bảo đảm quyền con người; độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích con người. Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng vững chắc để Đảng ta vạch ra đường lối cách mạng đúng đắn, là sợi chỉ đỏ dẫn đường cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ đối với mỗi thời kỳ cách mạng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam. Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh là ở chỗ trung thành với những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác – Lênin và vận dụng những nguyên lý đó vào điều kiện cụ thể của nước ta, đề xuất những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra và giải quyết một cách linh hoạt, khoa học, hiệu quả, theo nguyên tắc “lý luận không phải là một cái gì cứng nhắc, nó đầy tính sáng tạo; lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động”.

Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh ở chỗ đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn. Ngày nay, tư tưởng đó bao gồm một hệ thống những quan điểm lý luận, tư tưởng về chiến lược, sách lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, về sự cải biến cách mạng đối với thế giới, về đạo đức, phong cách, phương pháp Hồ Chí Minh, về hiện thực hóa các tư tưởng ấy trong đời sống xã hội… vừa phản ánh quy luật khách quan của sự nghiệp đấu tranh giải phóng trong thời đại cách mạng vô sản, vừa phản ánh mối quan hệ khăng khít giữa mục tiêu giải phóng dân tộc với mục tiêu giải phóng giai cấp và giải phóng con người.

Tư tưởng Hồ Chí Minh với sự phát triển của thế giới

Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh còn thể hiện rõ nét đối với sự phát triển của thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh phản ánh khát vọng thời đại. Ngay trong thập niên 1920, với quá trình hình thành về cơ bản tư tưởng của mình, Hồ Chí Minh đã có những cống hiến xuất sắc về lý luận cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đó là giành độc lập dân tộc để tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người đã có những nhận thức sâu sắc và độc đáo về mối quan hệ chặt chẽ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp trong cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Đồng thời, Người chỉ rõ tầm quan trọng đặc biệt của độc lập dân tộc trong tiến trình đi lên chủ nghĩa xã hội, về tính tự thân vận động của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc, về mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc và về khả năng cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa nổ ra và thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc.

Từ nghiên cứu lý luận, áp dụng vào những điều kiện cụ thể, Hồ Chí Minh đã hình thành một hệ thống các luận điểm chính xác và đúng đắn về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa, góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin. Việc xác định đúng đắn những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có cả các vấn đề về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội, về hòa bình, hợp tác hữu nghị giữa các dân tộc… có giá trị to lớn về mặt lý luận và đang trở thành hiện thực trong giải quyết nhiều vấn đề quốc tế ngày nay.

Tiếp đó là việc tìm ra các giải pháp đấu tranh giải phóng loài người. Đóng góp to lớn nhất của Hồ Chí Minh đối với thời đại là từ việc xác định con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc mình, đã chỉ ra con đường cách mạng, một hướng đi và tiếp theo đó là phương pháp “đại đoàn kết”, “đại hòa hợp” để thức tỉnh hàng trăm triệu người bị áp bức trong các nước thuộc địa và phụ thuộc.

Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh đối với thế giới còn thể hiện ở chỗ, ngay từ rất sớm, Người đã nhận thức đúng sự biến chuyển của thời đại, đặt cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa vào phạm trù cách mạng vô sản và hoạt động không mệt mỏi cho phong trào cách mạng thế giới. Người kiên quyết bảo vệ và phát triển quan điểm của V.I.Lênin về khả năng to lớn và vai trò chiến lược của cách mạng giải phóng dân tộc ở nước thuộc địa đối với cách mạng vô sản; khẳng định bài học chung của các dân tộc. Người nhấn mạnh, trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, ở một nước thuộc địa nhỏ, với sự lãnh đạo của giai cấp vô sản và đảng của nó, dựa vào quần chúng nhân dân rộng rãi, trước hết là nông dân và đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân yêu nước trong mặt trận thống nhất, với sự đồng tình và ủng hộ của phong trào cách mạng thế giới, trước hết là của phe xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, nhân dân nước đó nhất định thắng lợi. Những tư tưởng trên đây của Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ mãi mãi là chân lý sáng ngời, góp phần vào sự kiến tạo và phát triển của nhân loại.

Tư tưởng và cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của Người đã là một tấm gương sáng cổ vũ các dân tộc trên thế giới tham gia đấu tranh vì độc lập dân tộc, hòa bình và tiến bộ xã hội. Năm 1987, khóa họp Đại hội đồng UNESCO về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công nhận Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất.

(còn tiếp)

———————-

“…Hồ Chí Minh không tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin một cách giáo điều sách vở mà Người thâu thái cái tinh thần của chủ nghĩa Mác – Lênin. Cái mà Người tâm đắc nhất là phép biện chứng duy vật và nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Thực tiễn là cơ sở của lý luận, là tiêu chuẩn của chân lý. Theo Người, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin để phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể của cách mạng nước ta, cho phù hợp với điều kiện đặc biệt nước ta và lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận rút ra từ trong thực tiễn sinh động… Có thể nói tinh hoa của giai cấp (chủ nghĩa Mác – Lênin), của dân tộc và của nhân loại mà Hồ Chí Minh đã thâu thái chắt lọc hòa quyện vào nhau, tạo nên bản sắc tư tưởng Hồ Chí Minh với những nét sáng tạo độc đáo”

tuyengiao.bacgiang.gov.vn