Hợp Đức thoát nghèo nhờ trồng ngô nếp thái

Lượt xem: 123

Chúng tôi đến thôn Hoà Minh khi vụ ngô nếp Thái đầu tiên trong năm đang thu hoạch. Tới thăm gia đình anh Trịnh Văn Ngọc – một trong những nông dân đã mạnh dạn đưa giống ngô mới này vào sản xuất, qua trao đổi anh cho biết: “Gia đình tôi thường xuyên trồng hơn 2 sào ngô nếp Thái. Trước đây, những thửa ruộng này gia đình trồng lúa và hoa mầu nhưng do chân đất cao nên hiệu quả mang lại thấp. Năm 2008, qua tìm hiểu thông tin trên Đài, Báo và giới thiệu của cán bộ khuyến nông xã, Hội Nông dân, đồng thời thấy nhiều nơi trồng ngô nếpTthái mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi đã mạnh dạn đưa vào trồng. Với 4 vụ/năm gia đình tôi có thu nhập hơn 20 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa“. Từ hiệu quả trồng cây ngô nếp Thái, kinh tế gia đình anh Trịnh Văn Ngọc đã khá giả hơn trước, mua sắm được các tiện nghi sinh hoạt phục vụ cuộc sống và có điều kiện đầu tư cho con cái học tập. Cũng như gia đình anh Ngọc, chị Thân Thị Hoan, có hơn một mẫu ruộng cấy lúa hiệu quả không cao, chị đã chuyển toàn bộ diện tích sang trồng cây mầu các loại trong đó có 3 sào ngô nếp Thái. Chị Hoan chia sẻ: Để cây ngô nếp Thái sinh trưởng tốt, cho thu nhập cao sau khi đặt bầu ngô thì phun thuốc sâu sinh học trên mặt luống để phòng trừ sâu xám cắn hại cây. Khi cây được 3-5 lá tiến hành bón thúc cho cây, với tỷ lệ 3 kg đạm, 5kg kali và 20 kg phân lân/sào cho cây phát triển mạnh, nhanh ra bắp, trổ cờ và bật râu. Lúc cây thụ phấn xong, râu ngô đã héo, bón một lần kali cùng với đạm bằng cách tưới cho cho cây với lượng 1kg kali cộng với 1,5 kg đạm urê/sào, tạo cho bắp vỏ mỏng, hạt mẩy, căng đều…Bên cạnh đó, thường xuyên thăm đồng để phát hiện các loại sâu đục bắp và đục thân ngô làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Mô hình trồng ngô nếp thái hộ anh Ngọc

Qua tìm hiểu được biết, hiện xã Hợp Đức có tới hơn 90% số hộ trong thôn trồng ngô nếp Thái, trong đó có rất nhiều gia đình thu nhập khá nhờ trồng giống ngô này. Diện tích cây ngô nếp Thái được trồng tập trung trên cánh đồng thôn: Lò Nồi, Hoà Minh và Lục Liễu…Ông Thân Đình Cương, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Vụ xuân năm nay, xã trồng gần 20 ha ngô nếp Thái tăng hơn 5 ha so với cùng kỳ năm ngoái. Cây ngô nếpTthái đã giúp cho nhiều hộ dân trong xã thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 9,63 %”. Ông cũng cho biết thêm: Trước đây, diện tích đất nông nghiệp của xã Hợp Đức chủ yếu là độc canh cây lúa nên tỷ lệ hộ nghèo cao. Từ khi có chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xã đã qui hoạch vùng sản xuất tập trung, đồng thời xây dựng cánh đồng thu nhập cao. Trên có sở đó, bà con mạnh dạn đưa cây ngô nếp Thái vào trồng, năng suất gấp 4-5 lần so với cấy lúa, thu nhập bình quân đạt hơn 100 triệu đồng/ha/năm.

Giống ngô nếp Thái là ngô nếp lai F1 Wax44 được lai tạo từ Thái Lan. Cây cao khoảng 2-2,2m, dễ chăm sóc, sinh trưởng và phát triển tốt, có khả năng thích nghi trên những thân ruộng cao, xốp; năng suất đạt tới 5tạ/sào. Với giá từ 4- 5 nghìn đồng/kg, thu nhập từ cây trồng này mang lại không nhỏ. Cây ngô nếp Thái có thời gian sinh trưởng ngắn khoảng từ 2-2,5 tháng cho thu hoạch nên bà con có thể trồng được 4vụ/năm. Sản phẩm ngô nếp thái ở Hợp Đức vừa ngon, thơm, dẻo…đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng nên được các tư thương ở các tỉnh Hưng Yên, Quảng Ninh, Hà Nội…tìm đến mua ngay tại ruộng. Vì thế, bà con nơi đây không phải tìm đầu ra, yên tâm sản xuất.

Có thể nói, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng của nhân dân xã Hợp Đức bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

XUÂN TÚ