Thoát nghèo nhờ cây chanh

Lượt xem: 101

Không mấy khó khăn để chúng tôi tìm đến gia đình anh. Nở nụ cười rạng rỡ, thân thiện anh kể cho chúng tôi nghe về những quyết định táo bạo cùng những dự định phát triển trong thời gian tới.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có đông anh em, kinh tế gia đình khó khăn. Năm 2000, anh xây dựng gia đình, được bố mẹ cho ra ở riêng với căn nhà 2 gian chật chội chỉ kê được chiếc giường và bộ bàn ghế nhựa uống nước cùng với 5 sào ruộng, khoảng gần 1 ha đồi vải bắt đầu cho thu hoạch. Nhưng cặm cụi cấy lúa, trồng rau, chăm sóc vải… nguồn thu từ 5 sào ruộng và diện tích vải trên cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống của 2 vợ chồng mà không có dư giả. Anh bàn với vợ phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi. Thông qua chương trình vay vốn xóa đói giảm nghèo anh chị vay 15 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại và mua giống lợn về nuôi nhưng do xảy ra dịch bệnh gia đình anh mất trắng. Cuộc sống đã khó khăn lại thêm khoản nợ tới gần 20 triệu đồng (một khoản tiền không nhỏ đối với người nông dân). Tại thời điểm đó, quả vải trên thi trường lại mất giá nên thu hoạch từ vườn vải cũng không đáng là bao. Anh luôn suy nghĩ trồng cây gì, nuôi con gì để có thể trả được nợ và phát triển kinh tế theo hướng lâu dài và bền vững.

Tình cờ anh biết đến cây chanh và nung nấu ý định phát triển loại cây này. Để phát triển cây chanh, anh tự tìm hiểu qua sách báo, học hỏi kinh nghiệm từ những hộ đã trồng trước, đồng thời được sự khích lệ, tạo điều kiện của các tổ chức đoàn thể trong thôn, xã. Năm 2004, anh quyết định mua 100 cành triết giống chanh đào sạch bệnh của Viện Nghiên cứu Rau – Quả được nhân giống tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên với giá 8000 đồng/cây để thay thế cho 2/3 diện tích vải bị chặt bỏ; đồng thời anh cũng trồng xen thêm dứa và sắn vào giữa các cây chanh và các giải băng. Sau 2 năm, cây chanh cho gia đình anh thu hoạch gần 30 triệu đồng. Vừa trồng vừa rút kinh nghiệm, anh nhận thấy cây chanh phát triển rất hợp với đất đồi thấp, cho quả sai, to và mọng nước từ đó anh dần nhân rộng diện tích bằng cách chiết cành, từ 100 cây chanh ban đầu anh nhân giống trồng thay thế cho hết diện tích vải còn lại. Đồng thời 5 sào ruộng cấy lúa không ăn chắc anh đổi lấy bãi, ruộng gần nhà để phát triển thêm diện tích chanh. Năm 2008, anh đã tự nhân giống và trồng toàn bộ diện tích đất đồi và ruộng. Năm đó gia đình anh đã thu được 2 tấn/150 cây, bán với giá 10.000 – 12.000 đồng/kg. Khi trao đổi về thị trường đầu ra anh cho biết: ” hiện tại lượng cung không đủ cầu, toàn bộ số chanh gia đình thu được đều có khách đặt hàng tại nhà từ trước, không phải mang đi bán lẻ. Như năm nay với số lượng 700 cây chanh, gần 400 cây cho thu quả, thu hoạch khoảng 8 tấn nhưng đã có khách đặt mua hết với giá bán từ 16.000 – 18.000 đồng/kg”. Ngoài ra, hàng năm gia đình anh cũng bán được hàng trăm cành giống cho bà con trong và ngoài huyện như Lục Nam, Tân Yên… với giá bán 15.000 đồng/cành và thu khoảng gần 20 triệu đồng từ dứa, sắn trồng xen diện tích với chanh.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng chanh anh nói: cây chanh thích hợp trên nhiều loại đất nhưng đất thịt pha là phát triển nhanh nhất. Khi bón phân cho chanh nên dùng phân chuồng hoại mục đổ vào rãnh và tưới nước cho cây dễ hút chất dinh dưỡng (không nên dùng phân gà). Khi mùa cấy lúa thu gom các tảng mạ thừa về đắp vào gốc, đồng thời phải thường xuyên theo dõi để phát hiện bệnh, biểu hiện rõ nhất là ở lá cây.

Không dừng lại với thành công đã đạt được, trong thời gian tới anh dự định sẽ thay đổi hướng chu kỳ phát triển của cây chanh để cho ra thị trường loại chanh trái mùa nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng. Đồng thời anh cũng trồng xen nhãn (cây ăn quả lâu năm) vào các hàng chanh vừa để giữ ẩm và tạo tán mát vừa thu nhập cao mà không ảnh hưởng đến hiệu quả loại cây này.

Với sự mạnh dạn trong cách nghĩ, táo bạo trong cách làm chúng tôi tin tưởng rằng anh sẽ thành công hơn nữa với dự định của mình./.

Nguyễn Thị Thảo

Sở KH&CN Bắc Giang