Nuôi trăn – Mô hình làm giàu mới

Lượt xem: 107

Ông Nguyễn Văn Mạnh sinh năm 1959. Hơn 20 năm qua, ông đã đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh làm nghề bắt rắn. Trong những chuyến đi ấy, ông quen với một số thương nhân thu mua trăn ở miền Nam mang bán sang Trung Quốc. Năm 2000, qua tìm hiểu, ông biết thị trường tiêu thụ trăn rất thuận lợi, giá bán cao bởi vậy ông có ý định đưa con vật này về nuôi tại gia đình. Ban đầu, khi thấy ông mua gỗ rồi đóng thành những chiếc cũi hình chữ nhật để nuôi trăn, nhiều người cho rằng ông làm “liều” bởi trong vùng chưa có ai nuôi loài vật này. Thế nhưng, quyết là làm, trên diện tích vườn rộng hơn 30 m2 của gia đình, ông xây bằng gạch bao quanh, chia thành các ô nhỏ rồi đặt cũi nuôi trăn ở bên trên cách mặt đất 30-40 cm bảo đảm mát về mùa hè, ấm vào mùa đông. Ông đầu tư 3 triệu đồng và liên hệ với các thương nhân buôn bán trăn ở miền Nam để mua hơn 10 con trăn giống về nuôi. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên trăn chết gần hết. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ông tìm ra nguyên nhân trăn chết là do vào mùa đông không được sưởi đủ ấm nên bị viêm phổi cấp. Khắc phục tình trạng này, năm sau đó, vào mùa đông ông thiết kế lò sưởi ấm ngay giữa chuồng và đưa trăn vào nuôi trong thùng xốp, hạn chế gió lùa. Ông Mạnh cho biết: “Trăn có sức đề kháng cao, thức ăn chủ yếu là động vật sống và đã chết như gà, vịt, chuột, lợn con… Cứ 4 ngày, tôi cho ăn 1 lần, bình quân mỗi con trăn nặng 15kg thì cho ăn 1 kg thức ăn. Trăn hay bị bệnh đường ruột và viêm phổi nên giai đoạn chuyển mùa để phòng bệnh cho trăn tôi trộn một lượng kháng sinh nhỏ vào thức ăn. Đồng thời thường xuyên quét dọn khu chăn nuôi, không để thức ăn dư thừa trong cũi. Vì thế, những năm gần đây đàn trăn của gia đình hiếm khi bị bệnh, lớn nhanh”. Từ năm 2003 trở lại đây, vừa nuôi vừa gối đàn, lúc nào gia đình ông cũng nuôi khoảng 30 con trăn. Sau 3 năm nuôi, gia đình ông được bán trăn thương phẩm. Được biết, trăn có nhiều tác dụng trong y học được khách hàng mua với giá cao. Bình quân mỗi năm, gia đình ông bán khoảng 4 tạ trăn với giá 200 nghìn đồng/kg, trừ chi phí còn lãi 60 triệu đồng. Từ nuôi chăn, kinh tế gia đình ông từng bước ổn định, có của cải tích luỹ, nuôi dạy các con học hành tiến bộ.

Mô hình nuôi trăn của gia đình ông Mạnh mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân trong vùng. Hiện nay, nhiều hộ dân tìm đến đây học hỏi kinh nghiệm nuôi trăn.

Hà Linh