Nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể

Lượt xem: 95

Một góc mô hình trồng rau an toàn của HTX Tiến Bình (Đa Mai, TP Bắc Giang)

Để xây dựng và phát triển các mô hình, hàng năm Hội Nông dân tỉnh giao chỉ tiêu thi đua xây dựng các mô hình kinh tế tập thể mới cho các huyện, thành phố thực hiện; đồng thời phối hợp với các sở, ban ngành tổ chức các hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác xã như: phối hợp với Sở kế hoạch và Đầu tư tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về khởi sự hợp tác xã, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc thành lập và tổ chức các hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác cho đối tượng là thành viên Ban quản lý, Ban kiểm soát, kế toán hợp tác xã và những người có nhu cầu thành lập hợp tác xã; phối hợp tổ chức các buổi tham quan, hội thảo với các hợp tác xã để thúc đẩy nhân rộng các mô hình hợp tác xã sản xuất kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn.Vận động hội viên nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ nông thôn gắn với vận động thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã và tổ chức các lớp đào tạo nâng cao năng lực để nông dân tự tin, làm chủ thể trong quá trình xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững…

Trên cơ sở đó, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, mô hình điểm đã có những chuyển biến tích cực, số mô hình tăng cả về số lượng và chất lượng; nội dung hoạt động thiết thực, thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia. Trong những năm qua, các cấp hội đã xây dựng trên 2.000 mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp hàng hoá, rau chế biến, nuôi con đặc sản; mô hình canh tác nông nghiệp hữu cơ; mô hình 3 giảm, 3 tăng; mô hình phát triển nấm ăn và nấm dược liệu, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tổ chức trên 2.000 lớp chuyển giao tiến bộ KHKT, cung ứng vật tư phân bón cho nông dân theo phương thức trả chậm 2.000 tấn/năm v.v… Thành lập 48 nhóm hộ liên kết sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản với 917 thành viên. Các mô hình kinh tế tập thể này tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để cùng vươn lên giảm nghèo và làm giàu bền vững; thể hiện vai trò hướng dẫn các thành viên chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và tổ chức các dịch vụ phục vụ sản xuất. Tiêu biểu như mô hình tổ hợp tác tiêu thụ rau chế biến tại xã Đông Phú (Lục Nam), tổ liên kết chăn nuôi lợn thịt tại xã Lan Giới (Tân Yên), HTX thủy sản Thái Đào (Lạng Giang), HTX nông nghiệp Tân Dĩnh (Lạng Giang), mô hình HTX trồng rau an toàn ở Đa Mai – TP Bắc Giang….Mô hình kinh tế tập thể đã góp phần thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhàu làm giàu và giảm nghèo bền vững, năm 2013 toàn tỉnh có 118.380 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 10,5%.

Kết quả trên đã góp phần nâng cao số lượng, chất lượng của các mô hình kinh tế hợp tác trên địa bàn toàn tỉnh với 520 HTX và trên 10.000 tổ hợp tác, thành lập nhiều tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Và từ đó xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu hộ nông dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm và cánh đồng có thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/ năm. Qua đó đã khẳng định hướng chủ đạo của các cấp Hội Nông dân trong tham gia phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, đã thu hút hơn 80% nông dân tham gia vào tổ chức Hội, đời sống vật chất tinh thần của nông dân được cải thiện, đóng góp quan trọng vào giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, việc nhân rộng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể của tỉnh còn chậm, ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khả năng liên doanh, liên kết, hoạt động tổ nhóm, quản lý, hoạch toán sản xuất kinh doanh của nông dân và các mô hình kinh tế tập thể còn hạn chế. Sản phẩm đầu ra của nông nghiệp còn bấp bênh, điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, tình trạng mất mùa, rớt giá vẫn thường xuyên xảy ra, nguồn lực của nông dân chưa đủ mạnh, còn thiếu vốn, thiếu kiến thức về KHKT, thiếu thông tin về thị trường, việc xây dựng các thương hiệu sản phẩm chưa theo kịp sản xuất…

Để làm tốt việc hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, góp phần tích cực xây dựng, củng cố tổ chức Hội và phong trào nông dân của tỉnh vững mạnh toàn diện, vai trò, vị trí của Hội được khẳng định. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp; thực hiện tốt Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW của BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa V). Phấn đấu đến năm 2018 có 80 % số cơ sở Hội thành lập được mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Phan Thị Thu Hiền