MÔ HÌNH TRỒNG NHÂN GIỐNG CÂY BA KÍCH TÍM DƯỢC LIỆU HƯỚNG ĐI MỚI CHO NÔNG DÂN SƠN ĐỘNG

Lượt xem: 113

Với những tính chất ưu việt như vậy nên nhu cầu khai thác và sử dụng loài cây này đang ngày một gia tăng, điều này sẽ dẫn đến tình trạng suy kiệt nhanh chóng số lượng và khu vực phân bố nếu như không có chiến lược trồng mới, bảo vệ để tiến hành khai thác có hiệu quả trong tương lai.

Nhân giống cây Ba Kích

Trong những năm qua, nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng mô hình trồng thử nghiệm giống cây Ba Kích như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Nam… Các tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc triển khai thực hiện chương trình phát triển cây Ba Kích theo hướng sản xuất hàng hóa đồng thời xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu chất lượng cao. Năm 2011 Bắc Giang đã xác định trong phát triển trồng rừng cần chú trọng đến trồng và khai thác các loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao, trong đó có cây Ba Kích. Năm 2012, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai mô hình trồng, nhân giống Ba kích tím dược liệu với quy mô trên 2ha với 10.500 cây, năm 2013 xây dựng vườn ươm quy mô hộ gia đình với số lượng trên 10.000 cây. Đến nay, sau 3 năm tiến hành trồng, Ba Kích sinh trưởng phát triển tốt, đã cho củ có kích thước đường kính trung bình là 5mm.

Đồng chí Nguyễn Duy Lượng – Phó chủ tịch TT TW Hội thăm quan mô hình

Theo các hộ nông dân ở thôn Đồng Chu (xã Yên Định) từ khi tham gia mô hình trồng, nhân giống Ba Kích đã làm thay đổi về nhận thức cho nông dân ở đây về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây trồng vật nuôi nói chung và cây lâm sản ngoài gỗ nói riêng. Với sự giúp đỡ hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ có kiến thức, năng lực và kinh nghiệm về lĩnh vực lâm sản ngoài gỗ thuộc Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, các hộ nông dân đã xây dựng được mô hình trồng và vườn ươm giống Ba Kích. Ông Lã Văn Quang ở thôn Đồng Chu (xã Yên Định) là một trong 15 hộ tham gia mô hình cho biết: gia đình anh trồng gần 3.000 cây đến nay sinh trưởng, phát triển tốt đã cho củ; năm 2014 gia đình anh đã khai thác thử nghiệm khoảng 10 gốc được hơn 15 kg củ tươi, giá bán trung bình 200 nghìn đồng/kg ngay tại vườn cho thu về trên 3 triệu đồng; cũng trong năm gia đình ươm được khoảng trên 6.000 cây giống để tiếp tục trồng trên diện tích vườn rừng của gia đình. Qua tìm hiểu được biết, từ khi anh Quang tham gia thực hiện mô hình đã có khoảng 50 đoàn đến trao đổi, học tập kinh nghiệm về trồng và nhân giống cây Ba Kích, Anh cho biết thêm, trong thời gian tới gia đình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích vườn để tăng số lượng ươm cây giống cung cấp cho người dân các địa phương. Đặc biệt mô hình đã được đồng chí Bùi Văn Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, đồng chí Nguyễn Duy Lượng – Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp đến thăm và đánh giá cao hiệu quả của mô hình. Các đồng chí cũng nhấn mạnh đây là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế vườn rừng của người dân các xã vùng cao huyện Sơn Động đồng thời cũng đề nghị Hội Nông dân tỉnh tiếp tục quan tâm, tìm các giải pháp nhằm nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện cũng như các vùng lân cận để giúp bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ổn định đời sống và vươn lên làm giàu. Năm 2013 UBND huyện Sơn Động đã xác định đưa giống Ba Kích vào cơ cấu giống cây trồng hàng năm ở địa phương và đã tiến hành trồng thử nghiệm thành công tại xã Bồng Am, Thanh Sơn, Tuấn Đạo, Yên Định và thị trấn Thanh Sơn. Năm 2014, UBND tỉnh đã đưa Dự án trồng cây dược liệu, cây bản địa trên địa bàn huyện Sơn Động vào kế hoạch xây dựng các chương trình, dự án phát triển sản xuất nhằm thực hiện có hiệu quả Kết luận số 97-KL/TW ngày 15/5/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Có thể nói, việc thực hiện mô hình trồng và nhân giống cây Ba Kích tại huyện Sơn Động đã mang lại hiệu quả về kinh tế – xã hội, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của bà con nông dân. Mô hình không chỉ góp phần bảo tồn một loài lâm sản ngoài ngỗ quý mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương; từng bước thay đổi tập quán canh tác, đưa người nông dân vùng cao chuyển từ sản xuất tự phát sang tập trung theo vùng sản xuất hàng hóa, phát triển lực lực sản xuất, từng bước làm thay đổi quan hệ sản xuất, để nông dân thực sự là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới và hội nhập quốc tế. Đồng thời khẳng định rõ vị thế và vai trò của tổ chức Hội Nông dân các cấp trong việc trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình đề án phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2020, góp phần thực hiện thắng lợi Kết luận số 61-KL/TW ngày 03/12/2009 về “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát nông nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020“, Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 – 2020.

VŨ HẢI ĐĂNG

CHÁNH VĂN PHÒNG HND TỈNH