PHONG TRÀO NÔNG DÂN THI ĐUA SẢN XUẤT KINH DOANH GIỎI KHƠI DẬY TIỀM NĂNG, SỨC SÁNG TẠO CỦA NÔNG DÂN

Lượt xem: 91

Đổi mới phương thức lãnh, chỉ đạo

Xác định phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là một trong ba phong trào trọng tâm của Hội. Hội Nông dân tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai, tập trung chỉ đạo các cấp Hội chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức và hướng dẫn hội viên nông dân đăng ký các danh hiệu thi đua theo đúng quy định của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, xem đây là một trong những chỉ tiêu để xét xếp loại thi đua hàng năm. Trên cơ sở đó, các cấp Hội đã chủ động xây dựng các mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp, tích cực vận động hội viên, nông dân dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con giống mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Đồng thời tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân. Kết quả, hàng năm tăng bình quân 3%; năm 2013, toàn tỉnh có 116.619 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi 4 cấp, năm 2014 có 117.000 hộ đăng ký.

Đ/c Leo Thị Lịch – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch HND tỉnh thăm mô hình sản xuất kinh doanh giỏi tại huyện Lục Ngạn

Để tạo điều kiện cho các hộ đạt được danh hiệu đã đăng ký, hàng năm các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức trên 3 nghìn lớp chuyển giao KHKT cho trên 200 nghìn lượt người tham dự; trên 30 cuộc hội thảo đầu bờ trình diễn các mô hình ứng dụng cho nông dân. Hướng dẫn xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán; chỉ đạo phát triển trên 60 mô hình điểm về sản xuất kinh doanh giỏi. Các cấp Hội tăng cường phối hợp với hệ thống ngân hàng thông qua các hoạt động ủy thác giúp đỡ hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả trên 30 dự án phát triển kinh tế từ nguồn vốn quỹ Hỗ trợ nông dân; tư vấn giới thiệu việc làm, dạy nghề ngắn hạn cho nông dân…Nhằm định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng những mô hình điểm cho nông dân, Hội Nông dân tỉnh trực tiếp thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở, cấp tỉnh và đề tài cấp Bộ, điển hình như đề tài khoa học cấp tỉnh “Trồng cây Ba Kích tím dưới tán cây ăn quả, cây lâm nghiệp tại khu vực Tây Yên tử, huyện Sơn Động”…Cùng với đó, các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các ngành xây dựng và thành lập các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, các CLB nông dân…để giúp hội viên, nông dân tiếp cập, trao đổi thông tin KHKT, giống, vốn và thị trường đầu ra sản phẩm. Đặc biệt, nhằm khích lệ nông dân tích cực áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội, Hội Nông dân tỉnh còn phát động Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông từ tỉnh đến cơ sở và đã khơi dạy tiềm năng, tính sáng tạo của nông dân trên các lĩnh vực trồng trọt, cơ khí chế tạo công cụ sản xuất, thủy sản, chăn nuôi…Các giải pháp đã phát huy cao khả năng áp dụng trong thực tiễn sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của các sản phẩm như giải pháp thuần hóa vịt trời thành vịt nhà, băng tải tự động, xử lý cho vải thiều ra quả trên thân, thụ phấn cho na…

Phát huy sức sáng tạo của nông dân

Với nhiều cách làm thiết thực, phong trào đã thu hút, khích lệ hàng ngàn hộ nông dân phát huy ý chí tự lực, đổi mới cách nghĩ, cách làm, tích cực khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương và nội lực gia đình để vươn lên thoát nghèo và làm giàu, có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm trở lên, tiêu biểu như hộ ông Bùi Đức Long (Hồng Giang, Lục Ngạn) với mô hình cam đường canh cho thu nhập trừ chi phí đạt 1 tỷ đồng/năm; ông Lưu Trọng Khánh (Ngọc Vân, Tân Yên) với trang trại lúa và hoa màu cho thu lãi mỗi năm trên 300 triệu đồng…Nhiều gương nông dân thông qua thực hiện phong trào đã quyết tâm vượt khó vươn lên làm giàu, điển hình như ông Hoàng Văn Đức (Tuấn Đạo – Sơn Động) người dân tộc Hoa, khởi nghiệp là hộ nghèo sản xuất thuần nông trở thành hộ SXKD giỏi với mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt mỗi năm thu lãi từ 150 – 200 triệu đồng. Các hộ SXKD giỏi đã phát huy được tinh thần tương thân, tương ái, thường xuyên giúp đỡ các hộ nông dân nghèo, khó khăn về khoa học kỹ thuật và vốn để phát triển sản xuất…

Từ các mô hình này góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, ngành nghề, phát triển kinh tế trang trại, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Mô hình trồng một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; mô hình sản xuất thâm canh Na Dai ở Lục Nam; vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap, cam Đường Canh, bưởi Diễn, táo Đài Loan ở Lục Ngạn… Vùng sản xuất lúa thơm ở Yên Dũng; vùng sản xuất rau chế biến ở Lạng Giang, Tân Yên; vùng trồng hoa cây cảnh ở TP Bắc Giang; vùng phát triển thủy sản tập trung ở Yên Dũng, Tân Yên; ….đang được nông dân một số địa phương nhân rộng.

Phải khẳng định rằng, từ việc mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế trang trại đó là cơ sở giúp người nông dân làm quen với kinh tế thị trường, thúc đẩy các mối liên kết, liên doanh giữa các trang trại, giữa các trang trại với doanh nghiệp, giữa các trang trại với các nhà khoa học. Từ đó, tạo nhu cầu hợp tác để phát triển bền vững và đưa người nông dân ra khỏi khuôn khổ làm ăn khép kín trong từng hộ.

Hiệu quả trên các lĩnh vực

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, góp phần quan trọng đẩy mạnh và phát huy hiệu quả phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, giữ vững ổn định chính trị, trật tự ATXH, bảo vệ quốc phòng, an ninh của địa phương. Đặc biệt, có tác động tích cực đến xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để gắn bó với lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân. Trong đó, chất lượng hội viên được nâng lên, sinh hoạt ngày càng chặt chẽ và đi vào nề nếp. Số cơ sở hoạt động khá, vững mạnh ngày càng tăng. Thông qua tổ chức và chỉ đạo phong trào đã nâng cao trình độ và năng lực thực tiễn của cán bộ Hội, trình độ sản xuất của nông dân cũng được nâng lên, từng bước vận hành theo kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi góp phần thực hiện thành công Chương trình sản xuất nông nghiệp hàng hoá gắn với xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích nông dân tham gia thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất gắn với chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác; phát triển các làng nghề; phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể ở nông thôn; ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản…

Có thể khẳng định rằng, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã trở thành động lực thúc đẩy cán bộ, hội viên, nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, biết sử dụng lao động một cách hợp lý, sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả; sáng tạo trong vận dụng những tiến bộ mới vào sản xuất gắn với bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững và sẵn sàng chia sẽ cho nhau những kinh nghiệm, giúp đỡ những hộ khó khăn vươn lên làm giàu. Phong trào đã tác động mạnh mẽ tới việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra nhiều sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, vật chất và tinh thần cho nông dân, thực hiện giảm nghèo bền vững, đáp ứng mong muốn của Bác “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm”./.

Leo Thị Lịch

Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh