KẾT QUẢ PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA” GẮN VỚI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG

Lượt xem: 85

Để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết trên của Tỉnh ủy và triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2012-2015, kết quả từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong gần 15 năm qua là tiền đề rất lớn để thực hiện các tiêu chí quan trọng về văn hóa, đó là: Xây dựng cơ sở vật chất các thiết chế văn hóa và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân (2 trong số 19 tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới). Sở VHTTDL- cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh, đồng thời với trách nhiệm là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã ban hành kế hoạch chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, phân công cán bộ chuyên trách theo dõi công tác xây dựng nông thôn mới của ngành và thường xuyên xuống cơ sở nắm tình hình, bám sát các nội dung xây dựng nông thôn mới trên lĩnh vực văn hóa để chỉ đạo thực hiện.

Nhà văn hóa thôn Vàng, xã Bích Sơn, huyện Việt Yên- nơi sinh hoạt của các CLB văn hóa, thể thao

Năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 17/2011/TT-BVHTTDL ngày 02/12/2011 Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới“. Việc thực hiện Thông tư này là căn cứ để các địa phương chỉ đạo, thực hiện các tiêu chí văn hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các tiêu chí về phát triển văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, Sở VHTTDL đã tham mưu giúp Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh ban hành Hướng dẫn số 942/HD-BCĐ ngày 05/10/2012 về thực hiện các nội dung công nhận các danh hiệu văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, trong đó có tiêu chuẩn công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới“. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của TW, của tỉnh, Sở VHTTDL đã ban hành Hướng dẫn số 652/HD-SVHTTDL ngày 16/7/2014 về thực hiện Thông tư số 05/2014/TT-BVHTTDL ngày 30/5/2014 của Bộ VHTTDL về việc sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Thông tư 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 quy định mẫu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã và Thông tư 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08/3/2011 quy định mẫu về tổ chức và hoạt động Nhà văn hóa – Khu thể thao thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang…

Bên cạnh đó, ngày 16 tháng 7 năm 2013, Sở VHTTDL đã phối hợp với Viện Văn hóa (Đại học Văn hóa Hà Nội) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò của văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở Bắc Giang” với sự tham gia của hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý các cấp. Hội thảo đã khẳng định vai trò của văn hóa và những vấn đề về phát triển văn hóa đặt ra từ thực tế xây dựng nông thôn mới hiện nay ở Bắc Giang…

Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Bắc Giang đã phát triển đi vào chiều sâu, luôn được củng cố và nâng cao chất lượng, quá trình bình xét gia đình văn hóa, làng văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới diễn ra công khai, dân chủ theo đúng quy định. Toàn tỉnh hiện có 362.806/420.030 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 1.722/2.495 thôn, bản, tổ dân phố văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới tăng từng năm, cụ thể năm 2012 có 14 xã, năm 2013 có 20 xã và năm 2014 có 30 xã. Các thiết chế văn hóa cũng được nâng lên đáng kể, toàn tỉnh đã xây dựng được 2.124 nhà văn hóa, trong đó có 148/230 NVH xã và 1.976/2.495 NVH thôn, bản, tổ dân phố. Đây vừa là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vừa là nơi hội họp để dân bàn về các việc làng, việc thôn. Việc lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội gắn với phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, tổ dân phố văn hóa… ngày càng đa dạng, phong phú. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang về cơ bản thực hiện tốt, dần dần hình thành tổ chức đám cưới theo nếp sống mới và theo quy ước, hương ước. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tu bổ di tích được quan tâm chú trọng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Phong trào tập luyện thể dục thể thao có bước phát triển rộng khắp, tỷ lệ người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên ngày càng tăng, đến nay đã có 30% dân số luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên; số hộ gia đình thể thao là 49.500; số hội, câu lạc bộ thể thao là 1.800; số giải thể thao cấp xã, phường, thị trấn tổ chức là 1.882/1.880; số giải tổ chức cấp huyện, thành phố, ngành tổ chức là 128/120. Toàn tỉnh hiện có 570 sân bóng đá các loại, 338 sân bóng chuyền, 248 nhà tập luyện có mái che…

Để có những kết quả trên, phong trào TDĐKXDĐSVH nhận được sự quan tâm chỉ đạo thực hiện của các cấp, các ngành và sự nhiệt tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Phong trào đã từng bước đi vào nề nếp, chất lượng được nâng lên, góp phần thiết thực thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Ban chỉ đạo các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn và hoạt động đồng bộ đã có tác dụng tích cực thúc đẩy phong trào ngày càng đi vào chiều sâu. Nhận thức về nâng cao chất lượng, chống bệnh thành tích trong xét duyệt, khen thưởng các danh hiệu văn hóa đã có nhiều chuyển biến. Nhiều địa phương, đơn vị đã có cách làm mới, sáng tạo góp phần thiết thực nâng cao chất lượng và hiệu quả của phong trào. Kết quả từ phong trào đã tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội.

Trong thời gian tới, ngành VHTTDL tiếp tục tham mưu đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần thiết thực xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ. Tăng cường công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình nhằm vận động và huy động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện phong trào. Làm tốt công tác quy hoạch, dành quỹ đất và đầu tư mọi nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đảm bảo theo quy chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đẩy mạnh xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và tăng cường công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập, làm theo. Từng bước đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, thiết thực góp phần thực hiện hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang theo các chương trình, đề án, kế hoạch của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra ./.

Dương Hồng Cơ

Phó giám đốc Sở VHTT&DL