Tiếp tục đẩy mạnh phong trào sản xuất kinh doanh giỏi gắn với xây dựng mô hình kinh tế tập thể

Lượt xem: 118

Từ khi phát động đã trải qua nhiều kỳ Đại hội và được đổi tên cho phù hợp với tình hình thực tế phát triển kinh tế của đất nước. Phong trào đã được các cấp hội tổ chức thực hiện với thời gian 26 năm (từ năm 1989) và gắn liền với 30 năm đổi mới của đất nước. Giai đoạn từ 1989 – 2000 gọi là phong trào nhưng hoạt động chưa rõ nét, hội viên kết nạp chưa được nhiều, chưa có nguồn lực đầu tư, trình độ dân trí thấp, mới xóa bỏ bao cấp thực hiện cơ chế khoán 100, sản xuất thuần túy, trình độ hiểu biết của người nông dân để áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất còn rất hạn chế, ruộng đất chia nhỏ lẻ manh mún, sản xuất hộ cá thể, với mong muốn lúc đó chỉ sản xuất cho đủ ăn, đủ no. Trong bối cảnh đó, 1986 Đảng ta ra Nghị quyết đổi mới nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội. Bước đầu triển khai kết quả mới chỉ đạt được 110.000 hộ tự nguyện đăng ký để thực hiện, qua bình xét đạt 85.830 hộ ở các cấp (cấp Trung ương 483 hộ, cấp tỉnh đạt 2.854 hộ, cấp huyện đạt 13.057 hộ, cấp cơ sở đạt 69.076 hộ), giúp được 847 hộ thoát nghèo; việc vay vốn Ngân hàng nông nghiệp cũng có những khó khăn về thủ tục, những hộ không có chứng nhận trang trại thì không được vay vốn phát triển sản xuất.

Nuôi vịt trời – mô hình sxkd giỏi hộ anh Tô Quang Dần, thôn Đoàn Tùng, xã Đông Phú, huyện Lục Nam

Giai đoạn 2001 – 2015, đất nước chuyển sang sản xuất theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và gia nhập WTO; mới đây chúng ta tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đòi hỏi tổ chức Hội Nông dân và hội viên là những hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi phải vặn mình với cơ chế thị trường và hội nhập. Song song với thời gian 30 năm đổi mới của đất nước thì phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi luôn phát huy được vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế nông nghiệp góp phần vào sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Xong trong triển khai thực hiện, tổ chức hội đã gặp phải không ít khó khăn: nhiều cấp ủy, chính quyền còn chưa hiểu đầy đủ về nhiệm vụ của phong trào; còn một số nơi chưa tạo điều kiện cho tổ chức thực hiện; một mặt trình độ hiểu biết và kỹ năng phương pháp tổ chức thực hiện của một số cán bộ các cấp hội còn hạn chế trong tham mưu đề xuất; thiếu chủ động; còn thụ động; giá cả hàng hóa không ổn định; chính quyền chưa có quy hoạch rõ ràng việc sản xuất theo vùng, miền; việc tích tụ ruộng đất còn khó khăn; số lao động chính hầu hết đều đi làm ăn khỏi địa phương; doanh nghiệp chưa mặn mà với ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước chuyển nhanh sang cổ phần hoá; việc liên kết sản xuất giữa nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chưa nhiều; nguồn lực đầu tư còn thấp; trợ giá, trợ cước cho từng mặt hàng nông sản chưa rõ ràng; bảo hiểm cho nông dân còn lúng túng chưa thực hiện được. Nông dân cũng gặp những thách thức, khó khăn khác như: do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, thị trường bất ổn và biến đổi khí hậu toàn cầu, những rủi ro trong sản xuất thường xuyên xảy ra.

Với sự quyết tâm của cán bộ, hội viên nông dân tỉnh Bắc Giang đã tổ chức thực hiện phong trào sản xuất kinh doanh giỏi gắn với xây dựng mô hình kinh tế tập thể đạt được một số kết quả nhất định. Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2015 gắn với việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh. Kết quả ngân sách tỉnh cấp được 150 triệu xây dựng 15 mô hình của tỉnh, ngân sách huyện xây dựng được 17 mô hình và ngân sách xã xây dựng được 28 mô hình nâng tổng số là 60 mô hình kinh tế tập thể đi vào hoạt động, đồng thời gắn với các đối tượng là hộ SXKD giỏi tham gia vào tổ liên kết sản xuất nông nghiệp cùng ngành nghề, cùng sở thích ở 51 Dự án được vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, các Dự án đi vào hoạt động và phát huy rất hiệu quả. Đến năm 2015, Bắc Giang có 224.582 hộ nông nghiệp thì có 153.524 hộ đăng ký thực hiện, qua bình xét có 148.648 hộ SXKD giỏi các cấp (trong đó: cấp Trung ương đạt 1.065 hộ; cấp tỉnh 6.009 hộ; cấp huyện 21.318 hộ; cơ sở 93.004 hộ; các hộ gia đình SXKD giỏi tăng 69.674 hộ so với năm 2008. Các hộ có mức thu nhập ổn định và có thu nhập cao từ 100 triệu – 300 triệu có 50.258 hộ; thu nhập từ 300 triệu – 500 triệu có 1.924 hộ; thu nhập từ 500 triệu – 1 tỷ đồng có 501 hộ ; đạt từ 1 tỷ đồng trở lên có 90 hộ (riêng huyện Lục Ngạn 30 hộ đạt 1 tỷ – 4 tỷ đồng/năm)). Phát huy và nhân rộng việc giúp đỡ nhau trong sản xuất đối với hộ chính sách và hộ nghèo, Hội Nông dân đã chỉ đạo các cấp hội giao chỉ tiêu giúp đỡ hộ nghèo. Năm 2015, đã giúp được 19.305 hộ nghèo trong toàn tỉnh với số vốn 24.683 triệu đồng; 18.254 ngày công; 48.900 cây giống, 23.360 con giống; tư vấn kỹ thuật trực tiếp cho 12.350 người có nhu cầu về quy trình kỹ thuật, canh tác, chăn nuôi, thủy sản, sản xuất kinh tế lâm nghiệp. Số hộ có mức thu nhập từ 100 triệu – 500 triệu tăng 20.227 hộ, từ 500 triệu trở lên tăng 267 hộ so với nhiệm kỳ trước. Điển hình mô hình vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap tại xã Hồng Giang, nếp cái hoa vàng tại xã Phì Điền, sản xuất và tiêu thụ Mỳ Chũ tại xã Nam Dương, nuôi ngựa bạch tại xã Tân Sơn – huyện Lục Ngạn; sản xuất rau an toàn tại xã Song Mai – Thành phố Bắc Giang; nuôi lợn nái sinh sản tại xã Đông Phú – huyện Lục Nam; sản xuất và chế biến chè sạch tại xã Xuân Lương, nuôi gà theo chế phẩm sinh học tại xã Tăng Tiến – huyện Yên Thế; nuôi trồng thủy sản tại xã Lão Hộ, lúa thơm tại xã Tư Mại – huyện Yên Dũng; nuôi lợn lái sinh sản tại xã Đại Hóa – huyện Tân Yên; trồng cây dược liệu dưới tán cây lâm nghiệp và cây ăn quả… Tổ chức Hội Nông dân đã ký kết với công ty Tân Nông cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm; với Công ty Tiến Nông cung cấp phân bón trả chậm cho mô hình liên kết với hộ nông dân sản xuất khai tây chế biến ở 05 mô hình với trên 200 ha tại huyện Sơn Động, Lạng Giang, Tân Yên …. Có 640 hội viên nông dân tham gia mô hình kinh tế tập thể trực tiếp sản xuất với nhiều loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao như lúa thơm (Yên Dũng); nấm (Lạng Giang); cam vinh, cam đường canh, bưởi, táo Đài Loan (Lục Ngạn); na dai, dứa (Lục Nam);… Những mô hình SXKD giỏi đã mang lại thu nhập cao góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bắc Giang.

Trong mỗi thời kỳ khủng hoảng về kinh tế thì những hộ SXKD giỏi là những người đã góp sức cho nền kinh tế nông nghiệp, họ là bệ đỡ để nền kinh tế đất nước vượt qua những khó khăn thách thức. Để nông sản chúng ta cạnh tranh được với hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi mỗi cán bộ, hội viên phải đổi mới tư duy, nhận thức, tiếp cận thông tin, giỏi nghề nông dân, ứng dụng tiến bộ công nghệ cao vào sản xuất, phải có tâm huyết và yêu nghề để trở thành người nông dân tiên phong trong phát triển kinh tế. Biết tranh thủ thời cơ, chấp nhận những khó khăn thách thức, nhất là việc sắp xếp lại tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp để phù hợp với vùng miền. Để làm được điều đó các hộ gia đình phải có sự liên kết hợp tác chặt chẽ với nhau để sản xuất tạo thành vùng hàng hóa tập trung. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã ban hành 5 chương trình phát triển kinh tế trọng tâm của tỉnh, trong đó có chương trình ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa tập trung ở vùng trọng điểm. Đồng thời Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Quy định số 18-QĐ/HNDTW, ngày 12/01/2011 quy định tiêu chuẩn hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp giai đoạn 2011 – 2016; Quy định số 94-QĐ/HNDTW, ngày 04/9/2014 quy định tiêu chuẩn hộ SXKD giỏi các cấp. Đây là cơ sở pháp lý thuận lợi cho tổ chức Hội Nông dân của tỉnh thực hiện tốt phong trào này. Phong trào đã được các cấp Hội tổ chức thực hiện và nhân rộng tăng dần theo mức đánh giá thu nhập hằng năm.

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 12/01/2012 của Ban chấp hành Hội Nông dân Việt Nam về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao quy mô sản xuất, hình thành các mô hình liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn, phát triển trang trại, gia trại, củng cố các HTX, tổ hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ nông sản giai đoạn 2011 – 2020. Tại Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 5, tổng kết công tác hội và phong trào nông dân năm 2014; triển khai nhiệm vụ năm 2015, Ban chấp hành Trung ương Hội tiếp tục ban hành Nghị quyết số 21-NQ/HNDTW, ngày 26/01/2015 về việc đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Với sự quyết tâm của cán bộ, hội viên nông dân tỉnh Bắc Giang tổ chức thực hiện phong trào sản xuất kinh doanh giỏi gắn với xây dựng mô hình kinh tế tập thể đã đạt được một số kết quả nhất định. Qua thực tiễn thực hiện phong trào còn rất nhiều khó khăn do đó Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tham mưu với Bộ Chính trị bàn hành được Kết luận số 61-KL/TW và đề xuất với Chính phủ ban hành Quyết định số 673/QĐ – TTg mở ra hướng đi đúng đắn cho nông dân. Chưa bao giờ nông dân lại phấn khởi như bây giờ, người nông dân được làm chủ thể trong xây dưng nông thôn mới; trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, được tự sắp xếp lại tổ chức sản xuất cho phù hợp với khả năng của mình, tự chủ và tự quyết định trong sản xuất kinh doanh, được tham gia trực tiếp vào nhiều đề án, dự án phát triển kinh tế nông nghiệp. Từ đó, vai trò của tổ chức Hội ngày càng được khẳng định rõ… Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 04 về mô hình kinh tế tập thể và Nghị quyết số 21 về đẩy mạnh phong trào SXKD giỏi các cấp của Ban chấp hành Trung ương Hội, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang xây dựng kế hoạch chỉ đạo trong giai đoạn 2016 – 2020 cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo các cấp hội bám sát các chủ trương của Đảng về vấn đề nông nghiệp nông thôn để tuyên truyền Kết luận số 61 của Bộ Chính trị; các Quyết định của Chính phủ: Quyết định 673 “Về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình; đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 – 2020”; Quyết định 2045 về “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020” và Quyết định 1956 về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến 2020”. Coi trọng công tác tuyên truyền miệng theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, tăng cường đối thoại để tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nông dân, làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của xã hội. Tổ chức và nâng cao chất lượng phong trào SXKD giỏi và mô hình kinh tế tập thể; trọng tâm là phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp làm giàu và giảm nghèo bền vững; phong trào xây dựng nông thôn mới; phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để hình thành tiêu chuẩn người nông dân kiểu mới, đó là: yêu nước, yêu chế độ, đoàn kết sáng tạo, hợp tác lao động có trình độ, có thể lực, có trí tuệ, lành nghề có kỹ thuật cao, có kỷ luật, có năng suất hiệu quả cao, có nếp sống văn hóa, văn minh, sống trung thực lành mạnh và hài hoà, là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Thư hai, biết tận dụng thời cơ tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy và sự tạo điều kiện của chính quyền các cấp. Đẩy mạnh hoạt động có hiệu quả phong trào để tập hợp, đoàn kết nông dân thành lực lượng thống nhất. Tăng cường các hoạt động hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và dạy nghề cho nông dân. Hội phải đủ mạnh để đại diện cho nông dân, các hiệp hội ngành nghề nông dân trong tham gia đàm phán, xử lý tranh chấp với các đối tác hoặc trong các vụ kiện về kinh tế. Tham gia có hiệu lực, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá xuất khẩu. Tổ chức hợp tác lao động, xây dựng nông thôn mới, xây dựng, bảo vệ môi trường sinh thái tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung đảm bảo uy tín chất lượng cạnh tranh trong hội nhập.

Thứ ba, Tiếp tục huy động các nguồn lực để giúp nông dân phát triển kinh tế theo hướng: từ thoát nghèo chuyển sang no đủ có tích lũy và làm giàu. Khắc phục tình trạng đất đai manh mún trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng đến vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu để giải phóng triệt để sức lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân, để xóa đói, giảm nghèo và làm giàu, tiến tới phân công lao động “ai giỏi nghề gì, việc gì thì làm nghề đó, việc đó” cho nông dân ngay tại bản, làng, thôn, xóm nơi sinh sống. Chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho nông dân ngay chính mảnh đất quê hương của họ.

Thứ tư, phối hợp đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kiến thức cho người nông dân về: kinh tế, về khoa học, kỹ thuật, văn hoá, xã hội, pháp luật, thị trường và hội nhập. Trong đó, trọng tâm là chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Trước mắt cần làm thí điểm xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại các vùng chuyên canh lớn, có thế mạnh như: nuôi trồng thuỷ sản, rau, hoa, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm tại huyện Yên Thế, huyện Lục Ngạn, Thành phố Bắc Giang… Tập trung cao vận động hộ sản SXKD giỏi về dồn điền, đổi thửa, xây dựng nhiều vùng chuyên canh trên địa bàn.

Thứ năm, cần phải phối hợp thường xuyên với chính quyền các cấp triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp chính sách quan trọng, hàng đầu là tổ chức sắp xếp lại sản xuất với sự tham gia nhiều hơn của doanh nghiệp đồng hành với nông dân. Tổ chức Hội Nông dân cần thường xuyên đổi mới nội dung, cập nhật thông tin, đa dạng hóa các hình thức hoạt động theo hướng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân, giúp đỡ nông dân giải quyết những khó khăn trong sản xuất và đời sống để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội. Xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể hóa chương trình hành động thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội 5 năm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015- 2020 đề ra./.

Leo Thị Lịch

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang