Liên kết, hợp tác phát triển kinh tế tập thể: HƯỚNG ĐI MỚI CHO NÔNG DÂN

Lượt xem: 86

Nhiều hộ dân ở Bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế) liên kết sản xuất chè mang lại hiệu quả cao

Liên kết hợp tác trong nông nghiệp có nhiều ưu điểm như: Phù hợp với trình độ phát triển kinh tế hộ ở vùng miền núi, nông thôn; ai cũng có thể tham gia và cùng dựa vào nhau tìm kế sinh nhai; mang lại lợi ích trực tiếp cho thành viên, đặc biệt đối với các thành viên thiếu nguồn lực hoặc thiếu vốn; thủ tục gọn nhẹ. Việc liên kết, hợp tác sẽ tăng thêm kinh nghiệm, tăng nguồn vốn, tăng mạnh sản phẩm có chất lượng, đồng thời cùng chịu trách nhiệm; thuận tiện trao đổi thông tin về khoa học kỹ thuật, thị trường, giá cả.

Thực tế trên địa bàn tỉnh, sản xuất nông nghiệp bước đầu tạo được một số vùng sản xuất hàng hóa nhưng nhiều nơi còn phân tán, nhỏ lẻ. Chưa có nhiều mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi. Ngày 27/3/2017, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã ban hành Đề án nâng cao vai trò của Hội Nông dân trong liên kết, hợp tác phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2017-2020. Thực hiện Đề án, toàn tỉnh thành lập 10 tổ liên kết, tổ hợp tác về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Điển hình như Tổ hợp tác liên kết trồng ba kích tím ở xã Thanh Luận (Sơn Động) với 25 thành viên. Hiện nay, hơn 25 nghìn cây ba kích sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn bội thu. Hay tổ hợp tác trồng na dai an toàn tại xã Nghĩa Phương (Lục Nam) với 50 thành viên. Tham gia vào tổ hợp tác, các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, chăm sóc na trái vụ, an toàn. Trong đó nổi bật là cách cho na ra quả từ thân cây; điều chỉnh na ra quả ở từng thời điểm, giảm áp lực tiêu thụ. Bên cạnh đó, sản phẩm có đầu ra ổn định, được thương nhân nhiều nơi thu mua. Riêng vụ na dai 2017, bình quân mỗi thành viên có thu nhập từ 50-100 triệu đồng, thậm chí có hộ thu hơn 200 triệu đồng.

Đánh giá chung cho thấy, việc hình thành các mô hình liên kết là tự nguyện. Các hộ không trông chờ vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.Thành viên trong các mô hình được trao đổi kiến thức khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, thu nhập được nâng lên. Từ đó tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa “bốn nhà”. Do tính chất tự nguyện, tự chủ, tự quản, mô hình liên kết, hợp tác không phụ thuộc quá nhiều vào các quy định, không cần các quyết định về tư cách pháp nhân nên hoạt động của các mô hình cũng khá linh hoạt và mềm dẻo. Khi có yêu cầu cần liên kết sản xuất thì họ hợp tác với nhau, khi yêu cầu của thành viên không có tiếng nói chung, họ có thể tự giải tán mà không cần các quyết định của cấp trên. Hơn nữa, liên kết, hợp tác mang tính tự nguyện, cùng đóng góp nên tính tự chủ rất cao. Họ không cần phải ra đời hệ thống ban bệ phức tạp mà vẫn bảo đảm công việc với tính công bằng, trung thực, không bị thất thoát tài sản theo kiểu “cha chung không ai khóc”.

Mặc dù vậy, liên kết, hợp tác trong sản xuất vẫn còn một số mặt hạn chế. Đó là, cơ chế quản lý lỏng lẻo, khó khăn về giao dịch kinh tế, vay vốn ngân hàng hoặc đầu tư phát triển kinh tế quy mô lớn. Cơ sở pháp lý chưa có nên ít nhận được sự hỗ trợ từ các nguồn tài trợ; thành viên chỉ hoạt động theo kinh nghiệm, hầu hết chưa được học qua các lớp đào tạo về quản lý hoặc kỹ thuật.

Để các tổ hợp tác, liên kết hoạt động hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về cách tổ chức mô hình, tiếp cận thị trường cho cán bộ Hội Nông dân cấp xã và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền sở tại. Mới đây, Hội tổ chức đoàn học tập kinh nghiệm, thăm quan mô hình liên kết, hợp tác hiệu quả tại tỉnh Bắc Ninh.

Hội ưu tiên cho các tổ hợp tác, liên kết được vay vốn thông qua nguồn Qũy hỗ trợ nông dân. Đi đôi với giải pháp trên, nhiều ý kiến cho rằng cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể cho các mô hình liên kết, hợp tác để làm nòng cốt phát triển các HTX nông nghiệp bền vững.

Lã Văn Đoàn – Phó Chủ tịch TT HND tỉnh