Phát triển cây bản địa, dược liệu dưới tán rừng: Tạo sinh kế, thu nhập cho người dân

Lượt xem: 101
Anh Vi Văn Sơn (trái), thôn Bài, xã Tuấn Mậu chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây ba kích tím.

Anh Vi Văn Sơn (trái), thôn Bài, xã Tuấn Mậu chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây ba kích tím.

Giữ lá phổi xanh

Vừa thấy người lạ đỗ xe, nhìn ngó rừng lim thuộc thôn Đồng Chu (xã Yên Định), nhiều người dân trong thôn đã bám theo. Khi tôi định vào khu rừng nằm sát con đường nhỏ để chụp hình, chiêm ngưỡng rừng cây quý, bỗng mấy người đứng tuổi chạy nhanh ra hô lớn: “Anh vào rừng làm gì? Khéo mang lửa làm cháy rừng. Không được tùy tiện vào rừng lim đâu”. Sau khi được cán bộ lâm nghiệp xã nói mục đích của tôi, một cụ ông vội trấn an: “Cháu thông cảm, hơn 20 năm qua, đối với chúng tôi, những khu rừng lim như thế này được xem như báu vật của làng, không ai đụng đến. Vì thế, chúng tôi sợ kẻ xấu vào rừng phá hoại nên luôn cảnh giác, phòng ngừa”.

Theo cán bộ kiểm lâm xã, cánh rừng rộng hơn 100 ha, đa số là cây lim xanh – một loại gỗ đặc biệt quý hiếm nằm trong sách đỏ. Đây là một trong những cánh rừng tự nhiên có trữ lượng, giá trị sinh học, kinh tế cao, là thành quả của hơn 20 năm phối hợp bảo vệ của lực lượng chức năng và người dân thôn Đồng Chu. Dù cuộc sống còn khó khăn, nhiều hộ thuộc diện cận nghèo, thiếu đất canh tác nhưng chủ rừng và người dân trong thôn vẫn giữ bình yên cho rừng lim xanh. Anh Vi Văn Cần, Phó Ban lâm nghiệp xã Yên Định chia sẻ: “Việc giữ rừng giống như giữ nhà, người dân ở đây ai cũng tự bảo nhau không được phá rừng làm nương rẫy, không để người lạ vào rừng. Nếu ai xâm phạm, bà con sẽ nhanh chóng thông báo để thôn, chính quyền xã can thiệp, xử lý kịp thời. Vì vậy thời gian qua, diện tích rừng được cộng đồng thôn, nhóm hộ nhận khoán bảo vệ không bị tàn phá, luôn xanh tốt”.

Sinh kế mới

Toàn huyện hiện có 61,22 ha rừng trồng cây bản địa, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao dưới tán rừng tự nhiên, tập trung ở các xã: Tuấn Đạo, Yên Định, An Bá, Vĩnh Khương, Tuấn Mậu và thị trấn Thanh Sơn.

Nhằm phát triển cây dược liệu, cây bản địa có giá trị kinh tế cao, tháng 12-2015, Huyện ủy Sơn Động ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển cây dược liệu, cây bản địa trong rừng tự nhiên. Nghị quyết xác định, đến năm 2020, diện tích trồng cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên kết hợp trồng cây bản địa có giá trị kinh tế cao là 100 ha, tập trung vào các loại cây: Lim xanh, giổi, trám, dẻ, xoan đào, ba kích tím…

Theo đó, UBND huyện tập trung nguồn lực, nhất là vốn chương trình 30a mở rộng diện tích dược liệu, cây bản địa tại những khu rừng tự nhiên nghèo kiệt. Để khuyến khích người dân, huyện có chính sách hỗ trợ một phần giá giống; chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho hộ dân, tổ sản xuất tập trung quy mô từ 0,5 ha trở lên. Cùng đó, Hạt Kiểm lâm huyện chủ trì, thực hiện dự án trồng cây ba kích tím dưới tán, giúp làm giàu rừng, tạo điều kiện để các hộ gắn bó, trách nhiệm hơn. Ông Hoàng Liên Sơn, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: “Cây ba kích xuất hiện ở Sơn Động từ lâu, chủ yếu mọc tự nhiên nên vừa được coi là cây dược liệu, vừa là cây bản địa. Tham gia dự án, người dân được hướng dẫn kỹ thuật nên cây phát triển tốt, mang lại giá trị kinh tế cao”.

Tìm hiểu được biết, nhiều mô hình trồng cây bản địa, cây dược liệu đã mang lại những tín hiệu tích cực. Mô hình trồng ba kích tím của gia đình ông Nguyễn Văn Định, thôn Nòn (thị trấn Thanh Sơn) là ví dụ. Sau khi tham gia lớp tập huấn về trồng, chăm sóc ba kích tím dưới tán rừng do Hội Nông dân huyện tổ chức, năm 2013, ông chuyển đổi toàn bộ diện tích vải thiều để trồng 2 nghìn cây ba kích tím. Đến nay, cây trồng này phát triển tốt, cho thu hoạch mỗi gốc từ 2 đến 3 kg củ. Với giá bán 100-120 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, ông thu lãi vài trăm triệu đồng. Tương tự, theo tính toán, hai năm nữa, 360 gốc ba kích tím của hộ anh Vi Văn Sơn, trú tại thôn Bài (xã Tuấn Mậu) cũng cho sản lượng gần 1 tấn củ, thu lãi hơn 100 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều so với trồng keo.

Ông Nguyễn Việt Ước, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Phát triển cây bản địa, cây dược liệu khai thác được lợi thế, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các địa phương phối hợp tuyên truyền, mở rộng quy mô sản xuất, hướng đến hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa. Huyện có cơ chế, chính sách, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận tiến bộ kỹ thuật; khai thác tốt tiềm năng tự nhiên nhằm khôi phục, bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu tự nhiên quý cũng như làm tăng thu nhập cho bà con”.

Nguồn baobacgiang.com.vn