Thu nhập cao từ đông trùng hạ thảo

Lượt xem: 93

Những ngày này, nhân công làm việc tại khu sản xuất đông trùng hạ thảo của gia đình anh Tú lúc nào cũng luôn chân tay ủ, phối trộn nguyên liệu chuẩn bị nuôi lứa nấm mới.

Được biết, năm 2017, anh Tú lên Internet đọc được bài viết về đông trùng hạ thảo và thấy đây là một loại nấm quý có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh thận hư, ung thư, bổ phổi, bồi bổ cơ thể lại có giá bán cao. Anh bàn với vợ đầu tư kinh phí để sản xuất. Đầu năm 2018, anh bỏ ra 80 triệu đồng mua nguyên liệu. Sau hơn hai tháng, kết quả anh thu về là toàn bộ nấm mốc.

Anh Lương Văn Tú (bên trái) giới thiệu đông trùng hạ thảo nuôi trong nhà lạnh.

Anh Lương Văn Tú (bên trái) giới thiệu đông trùng hạ thảo nuôi trong nhà lạnh.

Không nản chí, anh Tú tiếp tục khăn gói vào TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Lúc này, anh mới thấy nguyên nhân chưa thành công là do áp dụng quy trình sản xuất thủ công, nguồn nguyên liệu không bảo đảm. Để khắc phục khó khăn, anh vay mượn đầu tư gần 400 triệu đồng mua máy hấp thanh trùng, tủ cấy vi sinh, nhà lạnh và nhập nguyên liệu từ Viện Di truyền Nông nghiệp (Hà Nội) tiếp tục công việc.

Cầm trên tay lọ đông trùng hạ thảo thành phẩm, anh Tú phấn khởi nói: “Tôi rút kinh nghiệm từ lần thất bại đầu tiên, sau khi đầu tư đầy đủ trang thiết bị và học hỏi kỹ thuật, tôi thực hiện nghiêm các quy trình sản xuất từ tỷ lệ phối trộn đến thời gian hấp, công đoạn cấy phôi, nhiệt độ môi trường nuôi dưỡng. Sau 75 ngày, 3 nghìn lọ thành phẩm đông trùng hạ thảo đủ tiêu chuẩn được “ra lò”, bán với giá 150 nghìn đồng/lọ”.

Theo anh Tú, sản xuất đông trùng hạ thảo rất khó bởi ngoài đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, nắm chắc kỹ thuật nuôi, cấy mô, nguồn nguyên liệu phải bảo đảm chất lượng thì đông trùng hạ thảo mới sinh trưởng tốt, hạn chế nấm bệnh.

Được biết, gần 4 tháng trở lại đây, bình quân mỗi tháng anh Tú bán ra thị trường 3 nghìn lọ đông trùng hạ thảo thành phẩm, hàng nghìn lọ giống; thu về khoảng 500 triệu đồng. Sản phẩm này hiện là một thực phẩm quý nên rất được khách hàng ưa chuộng, tiêu thụ thuận lợi tại các tỉnh, TP: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh. Thời gian tới, anh dự kiến mở rộng quy mô sản xuất; chế biến đông trùng hạ thảo thành nấm khô, ngâm rượu để tăng giá trị.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, hiện anh Tú đang truyền đạt kinh nghiệm sản xuất cho hai hộ gần nhà để nhân rộng mô hình. Theo ông Lê Công Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, nhận thấy đây là cách làm mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, Hội Nông dân huyện vừa hỗ trợ anh Tú gần 200 triệu đồng để thuận lợi trong sản xuất.

Nguồn baobacgiang.com.vn