Nông dân 4.0 trên đồng đất Hiệp Hòa

Lượt xem: 85

Giàu lên từ nông nghiệp

Cuối năm, tôi trở lại Hiệp Hòa, được kỹ sư Hoàng Tiến Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện trực tiếp đưa đi thăm một số mô hình của ngành nông nghiệp. Cơ sở đầu tiên tôi đến là Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Đồng Tâm 3 ở xã Thường Thắng. Giám đốc HTX là ông Nguyễn Văn Nghiệp- một cựu chiến binh. Sau khi ra quân, ông tham gia công tác địa phương, từng là Phó Chủ tịch UBND rồi Phó Chủ tịch HĐND xã đến năm 2014 mới nghỉ hẳn. Là nói nôm na dân dã thế, chứ ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương khiến ông nghỉ thế nào được! Ông cho rằng, nhà nông nay muốn làm giàu phải thay đổi tập quán canh tác, phải đầu tư chất xám, ứng dụng công nghệ hiện đại… Thế là ông vận động bà con trong thôn góp đất, góp vốn hình thành Tổ hợp tác sản xuất rau quả sạch. Buổi đầu có hơn chục hộ, chủ yếu là họ hàng thân thích tham gia…

Trồng rau thủy canh tại mô hình nông nghiệp công nghệ cao của gia đình anh Lê Công Định, thôn Hương Minh, xã Quang Minh (Hiệp Hòa). Việt Hưng

Trồng rau thủy canh tại mô hình nông nghiệp công nghệ cao của gia đình anh Lê Công Định, thôn Hương Minh, xã Quang Minh (Hiệp Hòa). Việt Hưng

Những vụ đầu, 2.500 m2 nhà màng trồng dưa vàng, dưa chuột, rau cao cấp và hơn 10 ha ruộng lúa hữu cơ của Tổ hợp tác chưa cho năng suất cao nhưng bảo đảm tiêu chuẩn sạch. Thu nhập của các “cổ đông” cũng cao hơn, sản phẩm có đầu ra ổn định. Nhờ vậy Tổ hợp tác ngày càng phát triển, đến giữa năm 2017 thì chính thức “nâng cấp” thành HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3 với 52 hộ tham gia, do ông Nghiệp làm Giám đốc.

Gạo sạch, rau quả sạch của HTX có bao bì quy chuẩn, có tem truy xuất nguồn gốc, không chỉ có mặt tại nhiều siêu thị ở Bắc Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà còn xuất khẩu. HTX đang thực hiện hợp đồng với một công ty của Nhật Bản, sản xuất 9 loại xà lách theo công nghệ BLOF. Hôm chúng tôi đến, HTX vừa khởi công xây dựng khu sơ chế theo tiêu chuẩn kỹ thuật do đối tác cung cấp bản vẽ thiết kế. Giám đốc Nghiệp “than thở” đầy hào hứng: Làm cái anh nông nghiệp sạch cũng nhiêu khê tốn kém lắm. Tất cả phải đồng bộ, khép kín chứ chẳng thể lơ mơ. Như rau xà lách, khi thu hoạch, sơ chế tại đây xong phải đóng gói chân không và cho vào nhà bảo quản. Nghĩa là đi kèm với cây rau phải có ba loại nhà: Nhà màng, nhà sơ chế và nhà bảo ôn. Không đồng bộ như thế, đối tác không mua, xin mời anh mang ra chợ mà bán mớ như rau thông thường.

Mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc tại HTX nông nghiệp sạch Quang Minh (Hiệp Hòa). Danh Lam

Mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc tại HTX nông nghiệp sạch Quang Minh (Hiệp Hòa). Danh Lam

Cơ sở tiếp theo chúng tôi đến là HTX chăn nuôi Trường Thành tại thôn Danh Thượng, xã Danh Thắng. Giám đốc HTX là ông Tô Hiến Thành, cũng là một cựu chiến binh đã suýt soát tuổi lục tuần. Ông Thành có tư tưởng làm ăn lớn khá sớm. Tuy nhiên, ông cũng trải qua nhiều thăng trầm, có lúc trắng tay, nợ nần. Cuối cùng, ông phải bán nhà và vay vốn người thân chuyển sang nuôi lợn. Năm 2015, ông thành lập HTX chăn nuôi Trường Thành gồm 7 trại lợn, một xưởng sản xuất thức ăn. HTX nuôi lợn theo quy trình được kiểm soát khắt khe, bảo đảm tiêu chuẩn Organic… Đến nay, cơ sở sản xuất của HTX có tổng diện tích hơn 5 ha, sử dụng hơn 50 lao động, chủ yếu nuôi lợn thịt theo CNC, mỗi năm xuất chuồng khoảng 1.000 tấn thịt, doanh thu xấp xỉ 12 tỷ đồng.

Ngoài hai mô hình nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc kể trên, những năm gần đây Hiệp Hòa còn xuất hiện thêm nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC khá hiệu quả. Chẳng hạn HTX Hoàng Lương chuyên canh rau cần, xuất khẩu sang tận Hàn Quốc để làm món Kim chi nổi tiếng. Bưởi Diễn của HTX Lương Phong chinh phục thị trường Hà Nội. Gạo nếp cái hoa vàng của HTX Thái Sơn đã được Cục sở hữu trí tuệ chứng nhận bảo hộ độc quyền… Đến nay, toàn huyện có 10 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Phát triển bền vững

Ở Hiệp Hòa đã xuất hiện nhiều điển hình nông dân sản xuất giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Thú vị nhất là chuyện về một “nông dân 8x” trồng khoai lang sạch mua được ô tô, đó là kỹ sư Hoàng Thị Phương, quê ở huyện Yên Dũng. Năm 2005, tốt nghiệp Đại học Nông – Lâm Thái Nguyên, Phương theo chồng cũng là một đồng môn về công tác trong ngành nông nghiệp Hiệp Hòa. Cô kỹ sư trẻ thấy ở đây nhiều hộ bỏ ruộng không trồng cây vụ đông, trong khi các nhà máy chế biến thực phẩm trong vùng lại đang thiếu nguyên liệu để sản xuất bim bim, mì sợi… Cô vận động một số hộ và bạn bè thuê ruộng của hộ dân, ký kết hợp đồng cung ứng và bao tiêu sản phẩm với Công ty Tân Nông để sản xuất khoai tây chế biến Atlantic. Năm 2011, với 10 ha, “liên doanh” của cô cung cấp cho nhà máy 150 tấn nguyên liệu, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 50 lao động. Năm 2012, cô mạnh dạn mở rộng quy mô lên 30 ha, cung cấp cho nhà máy gần 500 tấn nguyên liệu, lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 150 lao động… Sau 5 vụ khoai, Hoàng Thị Phương đã tậu được chiếc ô tô hơn nửa tỷ đồng.

Cô “nông dân 8x” Hoàng Thị Phương cũng chính là tác giả của mô hình trồng hoa Lilium ở Hiệp Hòa. Sau khi trồng thử thành công với hiệu quả trung bình khoảng 150 triệu đồng mỗi sào, Phương đề nghị lãnh đạo huyện cho nhân rộng mô hình tại một số hộ dân. Sau 4 năm, đến nay cây hoa Lilium đã được hơn 10 hộ ở thị trấn Thắng và các xã: Hoàng Vân, Đức Thắng, Xuân Cẩm, Đoan Bái… lựa chọn sản xuất. Vài năm gần đây, hoa Lilium Hiệp Hòa đã có mặt ở thị trường Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Ấy là chuyện của dăm năm trở về trước, khi cô kỹ sư Hoàng Thị Phương còn là Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện và sau đó là Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng An. Còn bây giờ Phương là Chủ tịch Hội Nông dân huyện trẻ nhất tỉnh.

Được biết, thời gian tới, huyện tiếp tục thành lập thêm 2 HTX kiểu mới. Để các HTX hoạt động hiệu quả, huyện tiếp tục dồn điền đổi thửa, bố trí kinh phí xây dựng nhà lưới, hạ tầng giao thông, thủy lợi… Tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào cung ứng giống, phân bón, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tháng 8-2018, UBND huyện chủ trì thành lập Hội quán nhà màng CNC tại HTX Đồng Tâm 3 để liên kết các nông dân trong huyện. Đây là yếu tố quan trọng bảo đảm cho phát triển bền vững.

Hiệp Hòa có vị thế “đắc địa” để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Những năm gần đây, huyện đã đạt được nhiều thành tựu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp – xây dựng. Tuy vậy, huyện vẫn hết sức coi trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng chất lượng cao, coi đó như là “bản sắc” của nông thôn hiện đại. Và những nhân tố tích cực như Giám đốc Tô Hiến Thành, Nguyễn Văn Nghiệp, kỹ sư Hoàng Thị Phương… cùng hàng trăm ông chủ, bà chủ của các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch khác là những gương mặt tiêu biểu của “nông dân thời 4.0” ở huyện Hiệp Hòa hôm nay.

Nguồn baobacgiang.com.vn