Nhà vườn Lục Ngạn: Chăm sóc vải thiều theo quy trình an toàn sinh học

Lượt xem: 127

Những vườn vải an toàn sinh học

Vườn vải thiều chính vụ của gia đình chị Trần Thị Hương, thôn Lâm, xã Nam Dương (Lục Ngạn) được chăm sóc theo quy trình GlobalGAP.

Vườn vải thiều chính vụ của gia đình chị Trần Thị Hương, thôn Lâm, xã Nam Dương (Lục Ngạn) được chăm sóc theo quy trình GlobalGAP

Những ngày này, vườn vải thiều rộng hơn 3 ha của gia đình chị Trần Thị Hương, thôn Lâm, xã Nam Dương bắt đầu vào cùi, quả lớn nhanh từng ngày. Toàn bộ cây trồng được chăm sóc theo tiêu chuẩn GlobalGAP. “Từ khi nắm chắc kỹ thuật canh tác, vườn vải của gia đình tôi năm nào cũng sai quả, dễ bán. Nếu thời tiết thuận lợi từ nay đến cuối vụ, sản lượng thu được ước gần 70 tấn quả”, chị Hương chia sẻ.

vải thiều, Bắc Giang, Lục Ngạn

Lục Ngạn có hơn 15 nghìn ha vải, hầu hết diện tích được chăm sóc theo quy trình an toàn sinh học trở lên. Hằng năm, bà con được tập huấn và áp dụng nhuần nhuyễn các quy trình sản xuất vải bảo đảm an toàn. Nhiều chủ vườn ghi lại toàn bộ nhật ký canh tác, giúp truy xuất nguồn gốc dễ dàng”.

Ông Tăng Văn Huy, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện.

Theo chị Hương, cốt lõi của việc áp dụng phương pháp này là phải tuân thủ những quy định khắt khe về bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng danh mục, nồng độ, liều lượng theo hướng dẫn. Ngoài ra, cần thường xuyên dọn vệ sinh vườn, rắc vôi bột định kỳ để tránh phát sinh sâu bệnh, tỉa cành tạo tán. Với cách làm này, vải của gia đình chị luôn đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Văn Thi, cán bộ khuyến nông xã Nam Dương, xã có 470 ha vải thiều canh tác theo quy trình an toàn sinh học, VietGAP; 15 ha vải chăm sóc theo tiêu chuẩn GlobalGAP và được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Nhật Bản. Với các phương pháp trên, cây vải được người dân chăm bón chủ yếu bằng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, chất lượng quả vải đẹp, an toàn.

Tương tự, vườn vải thiều hơn 1,5 ha của gia đình ông Trần Ngọc Xuân, thôn Quý Thịnh, xã Quý Sơn nhiều năm trở lại đây cũng được chăm sóc theo quy trình GlobalGAP.

Ông nói: “Cùng với tư vấn của cán bộ khuyến nông, hằng tuần tôi đều ghi nhật ký chăm sóc cho cây. Qua đó nắm chắc các giai đoạn sinh trưởng, phát triển, triệu chứng bệnh để tìm ra phương pháp phòng trừ phù hợp. Năm ngoái, năng suất vải đạt hơn 20 tấn quả; giá bình quân 30-35 nghìn đồng/kg tại vườn, tôi thu lãi hơn 400 triệu đồng. Năm nay, vườn vải cho sản lượng khoảng 30 tấn”. Không chỉ gia đình ông Xuân, hầu hết bà con trồng vải trong thôn đều nắm chắc quy trình trồng vải an toàn.

Hiện huyện Lục Ngạn có hơn 15 nghìn ha vải, hầu hết diện tích được chăm sóc theo quy trình an toàn sinh học trở lên. Nhiều chủ vườn ghi lại toàn bộ nhật ký canh tác, giúp truy xuất nguồn gốc dễ dàng.

Chỉ sử dụng vật tư trong danh mục cho phép

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn, vụ vải năm nay, ước sản lượng toàn huyện đạt khoảng 85 nghìn tấn, trong đó vải sớm khoảng 20 nghìn tấn; vải chính vụ 65-67 nghìn tấn. Trên địa bàn huyện có hơn 200 ha vải được cấp mã vùng trồng để xuất khẩu sang nước có yêu cầu chất lượng cao, trong đó thị trường Nhật Bản là 50 ha vải tại 4 xã: Nam Dương, Hộ Đáp, Tân Sơn và Quý Sơn. Đến thời điểm này, diện tích vải được cấp mã vùng sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu bệnh gây hại.

Ông Tăng Văn Huy, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin, vải chính vụ đang ở giai đoạn vào cùi. Dự báo thời gian tới, thời tiết có thể diễn biến thất thường, xuất hiện các đợt nắng nóng gay gắt, nguy cơ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Để bảo đảm năng suất, chất lượng vải, cơ quan chuyên môn chỉ đạo các nhà vườn tập trung chăm sóc, đặc biệt chú trọng cung cấp đủ nước tưới, không để vải xấu mã hoặc nứt, thối vỏ do thiếu nước lâu ngày hoặc thừa nước đột ngột.

Đặc biệt, đối với vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu, bà con cần tuân thủ quy trình kỹ thuật, sử dụng các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh bằng chế phẩm sinh học, thuốc thảo mộc. Tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật bị cấm, không có trong danh mục. Ít nhất sau 15 ngày phun thuốc bảo vệ thực vật mới thu hoạch sản phẩm.

Toàn bộ diện tích canh tác vải xuất khẩu, dưới sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, tiến hành giám sát chặt chẽ, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp chăm sóc từ các khâu: Bón phân, phòng trừ sâu bệnh… giúp cây vải sinh trưởng phát triển tốt, bảo đảm năng suất, chất lượng.

Cơ quan chuyên môn khuyến cáo, đối với trà vải sớm, bà con chú ý thu hoạch kịp thời vụ cho mẫu mã đẹp. Thường xuyên kiểm tra vườn vải muộn, tập trung bón phân NPK. UBND huyện chỉ đạo lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, buôn bán, sử dụng vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất vải thiều trên địa bàn huyện.

Nguồn: baobacgiang.com.vn