Bắc Giang: Gạo đỏ BG1 trên đồng Ngọc Lý

Lượt xem: 102

Đến thời điểm này, bà con nông dân ở xã Ngọc Lý thu hoạch xong lúa vụ Chiêm Xuân. Niềm vui hiện rõ trên từng khuôn mặt khi lúa BG1 năm nay được mùa hơn những giống lúa khác và thu hoạch tới đâu được các công ty thu mua tới đó.

Điểm tập kết bán thóc cho công ty

Bác Nguyễn Thị Hường ở thôn Tân Lập, xã Ngọc Lý cho biết, đây là vụ đầu tiên gia đình cấy giống BG1. Qua theo dõi thấy, giống lúa BG1 có thời gian sinh trưởng ngắn, vụ xuân muộn 125-135 ngày, lá đòng to, chiều cao thân trung bình từ 96-105 cm, bông dài, màu sắc lá xanh nhạt, màu lúa chín nâu đỏ. Với ưu điểm nổi bật cây cao, to, bộ rễ chắc, khỏe nên khi gặp mưa gió ít bị rụng hạt. Chống chịu sâu bệnh tốt, giống nhiễm rầy ít, nhiễm nhẹ đạo ôn. Vụ này, gia đình bà Hường cấy 3 sào giống BG1, đạt năng suất 2 tạ/sào, với giá bán 6.500 đồng/kg thóc tươi, đem lại hiệu quả kinh tế hơn các giống lúa khác cùng vụ. Bởi vì, các giống khác khi phơi khô bán cũng chỉ được giá 6.500 đồng/kg mà còn tốn nhiều công phơi thóc.

Chị Nguyễn Thị Chi, cán bộ khuyến nông xã Ngọc Lý chia sẻ, ở vụ này, UBND xã Ngọc Lý phối hợp với Công ty TNHH Việt Hải trụ sở tại thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên thí điểm mô hình giống lúa chất lượng cao BG1 gieo cấy trên địa bàn xã, với quy mô 20 ha. Từ những đặc điểm nổi bật của giống đã tạo động lực cho bà con nông dân sản xuất ở những vụ tiếp theo. BG1 dễ chăm sóc, không kén chân đất, năng suất ổn định và được Công ty đặt điểm thu mua ở các thôn nên người dân rất yên tâm sản xuất.

Theo đánh giá chung của người dân, không chỉ trên địa bàn xã Ngọc Lý mà các xã, huyện khác, lúa vụ Chiêm Xuân năm nay lúa đều mất mùa nhưng giống BG1 vẫn đạt năng suất khá và cao hơn giống Khang Dân 18 từ 50-80 kg/sào. Năng suất lúa năm nay thấp là do khi cây lúa vào thời kỳ trổ bông gặp thời tiết bất thuận nên một số vùng năng suất các giống chỉ đạt 120- 150 kg/sào, cá biệt có những thửa chỉ đạt năng suất 80 kg/sào. Do vậy, người dân rất yên tâm mở rộng quy mô BG1 ở những vụ tiếp theo.

Ông Đỗ Đức Duy – Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lý cho rằng, mô hình liên kết sản xuất lúa là hướng đi đã được ngành nông nghiệp xác định và đang kêu gọi mở rộng. Qua các mô hình, ngoài có thu nhập cao hơn, đầu ra ổn định, người nông dân còn được chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiếp cận các giống chất lượng cao…nên xã rất quan tâm và tạo điều kiện cho người dân cũng như các công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân trên địa bàn.

Nguồn: khuyennongvn.gov.vn