Triển vọng nuôi cá lồng trên sông Cầu

Lượt xem: 112

Mô hình nuôi cá của gia đình anh Nguyễn Tá Dương, xã Châu Minh (Hiệp Hòa).

Mô hình nuôi cá của gia đình anh Nguyễn Tá Dương, xã Châu Minh (Hiệp Hòa)

Đứng trên cầu Đông Xuyên, ngắm dòng sông Cầu, tôi thấy thấp thoáng những lồng nuôi cá san sát nhau. Đây là địa phận xã Châu Minh (Hiệp Hòa). Bước lên thuyền, đón tôi là anh Nguyễn Tá Dương – chủ một mô hình nuôi cá. Khu vực này sử dụng năng lượng điện mặt trời để thắp sáng, được thiết kế với 8 lồng, quy mô hơn 300 m2, có thể nuôi khoảng 3 vạn con. Trong đó, anh dành ra hai lồng nuôi cá giống, còn lại là cá thương phẩm gồm trắm, rô phi, diêu hồng.

Trước khi gắn bó với nghề cá vào đầu năm 2019, anh đã tìm hiểu kỹ đặc tính cũng như cách chăm sóc cá. Kiến thức chăn nuôi đã có song khi áp dụng thực tế lại không dễ dàng. Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, cá trong lồng chết nhiều. Được sự động viên của người thân, anh quyết không bỏ cuộc. Anh học hỏi thêm kinh nghiệm từ các hợp tác xã nuôi cá lồng thành công ở tỉnh Bắc Ninh, chú trọng hơn khâu lựa chọn cá giống.

Theo anh Dương, để thành công khi nuôi cá quan trọng nhất là phải bảo đảm kỹ thuật. Ví như để xử lý mầm bệnh, anh khử trùng lồng nuôi cá bằng thảo dược, tránh mầm bệnh lây lan. Lúc trưa nắng hay ban đêm cho chạy sục khí để tăng hàm lượng oxy. Mùa lũ, anh cùng gia đình kéo những lồng cá đến nơi an toàn; khi trời yên bể lặng lại kéo về chỗ cũ. Thời gian nuôi mỗi lứa cá khoảng 8 tháng thì thịt cá mới ngon, dễ tiêu thụ.

Nhờ làm chủ kỹ thuật, mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Dương đi vào ổn định. Năm 2019, anh thu lợi nhuận khoảng 130 triệu đồng. Dự kiến cả năm nay, anh sẽ bán khoảng 30 tấn cá, doanh thu hơn 1,1 tỷ đồng, mức lợi nhuận ước tính khoảng 30-40%. Hiện anh đang tiếp tục mở rộng mô hình.

Ông Biên Sen- thương lái thu mua cá nhà anh Dương cho biết: “Cả mùa vụ trước, tôi thu mua toàn bộ số cá nhà anh Dương. Do được ăn chủ yếu là ngô, bèo, cỏ, lại sinh sống ở sông nên chất lượng thịt cá luôn săn chắc và thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng”.

Ngoài anh Dương còn 3 hộ tại các xã Châu Minh, Xuân Cẩm cũng đầu tư nuôi cá lồng cho thu nhập cao. Anh Đào Xuân Quý, xã Xuân Cẩm cho hay, nhận thấy diện tích mặt nước ven sông là cơ hội để phát triển nghề nuôi cá lồng, có thể tận dụng nguồn thức ăn hữu cơ, thuận tiện trong chăm sóc và thu hoạch; cá được nuôi trên sông mau lớn, ít bị nhiễm bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, thịt thơm ngon, giá bán cao nên gia đình anh đã đầu tư làm 4 lồng nuôi cá. Ngay đợt thu hoạch đầu tiên vào tháng 5 năm ngoái, khoảng 4 tấn cá thương phẩm được xuất bán, anh thu lãi vài chục triệu đồng.

Tuy nhiên, hiện nay những người nuôi cá lồng vẫn còn không ít băn khoăn, trăn trở khi mở rộng mô hình này. Đáng chú ý là chất lượng nguồn nước sông chưa được kiểm soát tốt từ đầu nguồn. Bên cạnh đó, việc lựa chọn nguồn giống thủy sản có chất lượng bảo đảm, xuất xứ rõ ràng không phải dễ dàng. Vì vậy, việc đầu tư, mở rộng số lượng lồng nuôi còn hạn chế, diện tích nuôi thủy sản của huyện còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hiệp Hòa, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 20 lồng cá. Thực tế cho thấy, việc phát triển nuôi cá lồng tại huyện Hiệp Hoà mang lại hiệu quả kinh tế cao là tín hiệu rất đáng mừng, góp phần không nhỏ trong việc tận dụng điều kiện tự nhiên, thay đổi nhận thức của người dân về việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương.

Từ hiệu quả đã đạt được, thời gian tới huyện sẽ có định hướng, tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng, hỗ trợ thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư. Để mở rộng, phát triển bền vững và khai thác lợi thế tài nguyên nước, các cấp chính quyền phối hợp với người dân chung tay bảo vệ chất lượng nguồn nước, đánh thức tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên sông Cầu.

Nguồn: baobacgiang.com.vn