Gương cán bộ Hội làm kinh tế giỏi

Lượt xem: 89

Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, năm 1982, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Hồng trở về địa phương tham gia lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình với nghề truyền thống là cấy lúa, trồng rau, màu kết hợp với chăn nuôi nhỏ lẻ, mặc dù vất vả nhưng thu nhập mang lại thấp, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 1984, sau khi đến thăm người thân tại xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội, anh được chia sẻ về nghề trồng hoa cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với cấy lúa trên cùng một diện tích. Anh bàn với gia đình và quyết định chuyển đổi số diện tích cấy lúa sang trồng hoa. Bước đầu anh trồng thử nghiệm hoa cúc, hoa đồng tiền trên diện tích 02 sào. Nhưng do chưa có kinh nghiệm nên hoa chưa đạt yêu cầu về mẫu mã, giá bán thấp, hiệu quả không cao.

Không nản chí, anh tiếp tục “Tầm sư học đạo” nghề trồng hoa ở xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, đồng thời tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại hoa trên sách, báo và trên các phương tiện thông tin khác. Khi nắm vững được kiến thức, kỹ thuật, anh tiến hành áp dụng vào sản xuất một số loại hoa như lay ơn, cúc, hoa đồng tiền… trên diện tích của gia đình. Anh cho biết, trên diện tích 01 sào (360 m2) có thể trồng được 6000 gốc hoa lay ơn, thời vụ 3 tháng, thu hoạch bán với giá bình quân 5.500đ sẽ cho doanh thu 33 triệu đồng, trừ chi phí thu nhập khoảng trên 20 triệu đồng/vụ, gấp gần 20 lần so với cấy lúa. Ngoài hoa lay ơn anh trồng các loại hoa cúc, có loại ngắn ngày chỉ sau 1,5 tháng đã được thu hoạch, có loại dài ngày khoảng 4 tháng. Anh xác định, hoa cúc là cây chủ lực trồng và bán quanh năm, thường tiêu thụ nhiều vào các ngày lễ, ngày rằm, ngày mùng một hàng tháng.

Anh Nguyễn Minh Hồng đang thăm ruộng hoa của gia đình

Khi kinh tế gia đình đã ổn định, anh đầu tư xây dựng nâng cấp hệ thống nước tưới, mua sắm thêm các thiết bị hỗ trợ như máy làm đất, máy vun xới để giảm sức lao động, đồng thời đầu tư xây dựng 140 m2 nhà kho lạnh để bảo quản hoa. Để mở rộng sản xuất, anh thuê thêm điện tích của các hộ gia đình xung quanh không có nhu cầu trồng các cây màu vụ đông để trồng hoa, đến nay tổng diện tích trồng hoa của gia đình anh đã đạt trên 2,5 mẫu, trong đó chủ yếu trồng các loại hoa bán vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm gia đình anh cho thu nhập từ bán hoa các loại trừ chi phí đạt trên 250 triệu đồng.

Với vai trò là chi hội trưởng nông dân, anh luôn trách nhiệm, nhiệt tình, gương mẫu trong hoạt động công tác Hội; tích cực giúp đỡ bà con phát triển kinh tế. Nhận thấy lợi ích và sự cần thiết của kinh tế tập thể, năm 2017, anh đã vận động, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất và giúp đỡ nhiều hộ chuyển đổi từ sản xuất lúa sang trồng hoa và vận động thành lập Tổ hợp tác trồng hoa của Chi hội nông dân tổ dân phố Dinh, thị trấn Kép. Từ khi thành lập tổ, việc tiêu thụ sản phẩm hoa của tổ có nhiều thuận lợi, từ 20 thành viên ban đầu, đến nay Tổ hợp tác trồng hoa do anh làm tổ trưởng đã phát triển lên 43 tổ viên, diện tích trồng hoa của tổ đã mở rộng được trên 6 ha.

Chị Trần Thị Ngân – Tổ viên Tổ hợp tác trồng hoa thôn Dinh đang chăm sóc ruộng hoa

Không chỉ vậy, anh còn gương mẫu trong các phong trào của địa phương. Anh đã vận động gia đình hiến trên 60 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, đồng thời thường xuyên giúp đỡ hội viên trong chi hội có nhu cầu trồng hoa để tăng thu nhập, vươn lên làm giàu. Với những thành tích đạt được, chi hội nông dân Tổ dân phố Dinh và bản thân anh nhiều năm được chính quyền cơ sở và Hội Nông dân cấp trên khen thưởng.

Hà Văn Hồng – PCT Hội Nông dân huyện Lạng Giang