TỪ MỘT HỘI VIÊN NÔNG DÂN TRỞ THÀNH GIÁM ĐỐC HTX

Lượt xem: 91

Nói về cơ duyên đến với cây măng Lục Trúc, chị Luyện cho biết: năm 1995, có một dự án trồng thử nghiệm loại cây này tại xã Ngọc Châu và mang lại hiệu quả kinh tế cao, chị đã quyết định đầu tư trồng 200 gốc; ban đầu chị cũng không nghĩ mình sẽ gắn bó với loại cây trồng này nên cũng không quan tâm, chăm sóc mà tập trung phát triển chăn nuôi. Do chăn nuôi không thành công, chị quyết định tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình, cùng lúc đó chị nhận thấy thị trường tiềm năng của măng Lục Trúc nên bắt đầu nhân rộng số lượng trồng.

Thời gian đầu, chị gặp không ít khó khăn, bởi chưa có kinh nghiệm, thiếu vốn để đầu tư sản xuất; nhờ được sự tạo điều kiện của Hội Nông dân xã Ngọc Châu và huyện Tân Yên, chị được vay trên 200 triệu đồng từ NHCSXH và NHNo&PTNT đồng thời huy động vốn từ các nguồn khác chị đã mạnh dạn thuê thêm đất canh tác và nhân rộng số lượng trồng lên 2 mẫu với hơn 700 gốc Lục Trúc. Nhờ chịu khó học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu chị đã đúc rút được kinh nghiệm trong việc lựa chọn cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch măng Lục Trúc để có sản lượng và chất lượng cao nhất. Theo chị, Lục Trúc là loài tre chuyên lấy măng, dễ trồng và rất thích hợp với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng của huyện Tân Yên; loại tre này có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ và đã được trồng rộng rãi trên đảo Đài Loan nên thường được gọi là tre Đài Loan. Măng có chất lượng và hương vị đặc trưng, ăn rất ngon, giòn, ngọt, được thị trường rất ưa chuộng. Sau 1 năm trồng và chăm sóc tốt thì tre Lục Trúc bắt đầu cho măng để thu hoạch; thời gian thu măng từ tháng 4 đến tháng 10 dương lịch hằng năm; mỗi gốc tre Lục Trúc 1 năm tuổi cho thu 30 đến 50 kg măng với giá thị trường hiện nay khoảng 80.000-100.000đ/kg, mỗi tháng gia đình chị thu lãi hơn 100 triệu đồng, ngoài ra còn thu từ việc bán giống và các sản phẩm khác từ măng.

Khi đã tìm được hướng đi đúng, có thu nhập cao và ổn định từ cây măng Lục Trúc; nhằm mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ cũng như giúp đỡ bà con trong xã cùng làm giàu cho mảnh đất quê hương; năm 2018, được sự giúp đỡ, hướng dẫn của chính quyền địa phương và Hội Nông dân huyện, HND xã, chị thành lập Hợp tác xã (HTX) măng Lục trúc Lâm sinh Ngọc Châu có trụ sở tại thôn Khánh Ninh, xã Ngọc Châu với 8 thành viên ban đầu. Từ khi thành lập, HTX luôn quan tâm, nhân rộng mô hình; để bà con nông dân yên tâm đầu tư, sản xuất, HTX đã bảo đảo cung ứng giống (chị đang làm thủ tục đề nghị công nhận nguồn giống tre Lục Trúc do HTX tự sản xuất), quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như bao tiêu sản phẩm cho các hộ trồng. Hiện tại, HTX đã có 25 thành viên, diện tích trồng tre Lục Trúc đạt trên 40 ha, trong đó có 6-7 ha đang cho thu hoạch, giá trị thu nhập năm 2020 gần 4 tỷ đồng. Sản phẩm măng Lục Trúc có thị trường tiêu thụ khá rộng, cả trong nước và nước ngoài và hiện đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng.

Với những kết quả đạt được, năm 2019 HTX Măng Lục Trúc Lâm sinh Ngọc Châu đã được người tiêu dùng bình chọn là Top 50 Thương hiệu – Nhãn hiệu độc quyền, uy tín; năm 2020 top 10 thương hiệu phát triển kinh tế Quốc gia; top 10 Thương hiệu – Nhãn hiệu nổi tiếng đất Việt.

Được biết ngoài làm kinh tế giỏi, chị Dương Thị Luyện còn là một hội viên nông dân tiêu biểu, luôn đi đầu trong các phong trào của Hội. Là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm nên chị cũng thường xuyên chia sẻ, hướng dẫn kiến thức, kinh nghiệm, tạo việc làm cho các hộ nông dân trong xã với hy vọng sẽ tạo thêm được nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân tại địa phương./.

Nguyễn Mạnh Tùng – Hội Nông dân tỉnh