Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi: Góp sức phát triển nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có

Lượt xem: 177

Từ trồng bưởi, mỗi năm gia đình thu từ 2 đến 3 tỷ đồng. Nhờ nguồn thu này, ông Hữu đã ủng hộ địa phương hơn 40 triệu đồng, hiến hơn 300 m2 đất, 50 cây ăn quả, 100 m tường rào với tổng trị giá khoảng 300 triệu đồng để nâng cấp đường thôn. Nhiều năm liền, hộ ông Hữu được công nhận SXKD giỏi cấp T.Ư.

Không riêng gia đình ông Hữu, từ phong trào SXKD giỏi, hiện toàn tỉnh có hơn 107 nghìn hộ SXKD giỏi các cấp, hơn 1 nghìn hộ đạt mức thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Tiêu biểu như: Mô hình sản xuất, chế biến gỗ của hộ ông Nguyễn Văn Sự, xã Hợp Đức (Tân Yên), thu nhập bình quân 2,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động; mô hình trồng cây ăn quả của ông Lê Thành Đồng, thôn Thượng Vũ, xã Quý Sơn (Lục Ngạn), thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm…

Phong trào SXKD giỏi đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh đạt 45 triệu đồng/năm (năm 2020), cao hơn bình quân của cả nước gần 3,3 triệu đồng. Có thu nhập cao, người dân đầu tư sửa sang, xây nhà mới, góp nguồn lực nâng cấp đường làng, ngõ xóm, xây dựng các công trình văn hoá – thể thao, diện mạo làng quê ngày càng khang trang.

Thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc (Lục Ngạn) được nhiều người gọi là “làng biệt thự”, hay “làng tỷ phú”; thôn Đông Tiến và Dũng Tiến, xã Hương Gián (Yên Dũng) được ca ngợi “làng như phố”… HND các cấp xây dựng và nhân rộng 300 mô hình điểm SXKD giỏi, nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển sản phẩm OCOP và xây dựng NTM.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, sau gần 15 năm thực hiện Chương trình NTM, nông dân Bắc Giang và các tổ chức đã đóng góp gần 1,2 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 35% nguồn vốn đầu tư cho Chương trình này giai đoạn 2008-2021), chưa kể hiến đất, các công trình trên đất và ngày công để mở rộng, cứng hóa 4,2 nghìn km đường nông thôn và các công trình phúc lợi khác.

“Diện mạo nông thôn và đời sống của bà con được như hôm nay có đóng góp không nhỏ của chính nông dân. Nguồn lực này phần lớn được tạo ra từ phong trào SXKD giỏi”, ông Tùng khẳng định.

Hỗ trợ nông dân làm giàu

Có được kết quả trên là do HND tỉnh thường xuyên nhận được quan tâm lãnh đạo của T.Ư HND Việt Nam, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Đặc biệt là nỗ lực của các cấp Hội và hội viên, nông dân.

Khách đến thăm vườn bưởi da xanh của ông Nguyễn Văn Hữu (ngoài cùng bên trái).

Khách đến thăm vườn bưởi da xanh của ông Nguyễn Văn Hữu (ngoài cùng bên trái).

HND tỉnh xác định phong trào nông dân SXKD giỏi là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực nông thôn nên đã chú trọng tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa tới hội viên để thực hiện. Đồng thời hỗ trợ nông dân phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, “dồn điền, đổi thửa” xây dựng các vùng chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao và tiến bộ khoa học vào sản xuất, chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản.

Tạo động lực thúc đẩy phong trào, từ năm 2016 đến 2021, với hơn 56 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, các cấp Hội đã cho gần 2 nghìn hộ vay thực hiện hơn 230 dự án; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội giúp hơn 68 nghìn hộ vay với tổng dư nợ hơn 4,8 nghìn tỷ đồng phát triển sản xuất.

Các cấp Hội còn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 102 nghìn lượt hội viên, nông dân; cung ứng 24 nghìn tấn phân bón trả chậm; xây dựng hàng trăm mô hình trình diễn, hướng dẫn thành lập 71 HTX và 191 tổ hợp tác, hơn 1 nghìn tổ liên kết và chi hội nông dân nghề nghiệp. Đồng thời, tăng cường thông tin về thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Toàn tỉnh có hơn 107 nghìn hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp, hơn 1 nghìn hộ đạt mức thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm, hơn 51 nghìn hộ đạt mức thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Nhằm đưa phong trào SXKD giỏi ngày càng đi vào chiều sâu, hướng tới xây dựng các mô hình đa dạng sản phẩm OCOP, HND tỉnh còn định kỳ tổ chức 2 năm/lần tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông. Qua 3 lần tổ chức đã tôn vinh 66 sản phẩm tiêu biểu và trao 19 giải pháp sáng tạo. Các hoạt động này khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân, hình thành nhiều mô hình, giải pháp ứng dụng vào SXKD, giúp nông dân tạo ra nhiều sản phẩm với năng suất, giá trị cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch HND tỉnh chia sẻ, từ phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã giúp đỡ hơn 100 nghìn lượt hội viên, nông dân có hoàn cảnh khó khăn về mô hình sản xuất, giống, vốn; tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động; giúp hơn 2 nghìn hộ vươn lên thoát nghèo.

Phong trào không những thu hút, tạo sự gắn bó chặt chẽ hơn giữa hội viên với tổ chức Hội mà còn đáp ứng khát vọng làm giàu chính đáng của hội viên, nông dân. Đáng quan tâm là phong trào đã làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, tư duy của hội viên, nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nông nghiệp xanh, bền vững.

Thời gian tới, HND tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương “trí thức hóa nông dân”, xây dựng giai cấp nông dân có tinh thần yêu nước, tự chủ, tự cường, sáng tạo, có kiến thức khoa học, có tư duy, nhận thức mới, thực sự là chủ nhân của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đóng góp tích cực cho phát triển nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Nguồn: baobacgiang.com.vn