Toàn cảnh khủng hoảng chính trị ở Thái Lan

Lượt xem: 102

Chiến dịch của quân đội chấm dứt hai tháng căng thẳng giữa giới chức Thái Lan và phe áo đỏ phản đối chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva. Người biểu tình thuộc Mặt trận Thống nhất vì Dân chủ chống Độc tài (UDD) ủng hộ cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra. Thaksin nắm quyền ở Thái Lan từ năm 2001 tới 2006. Yêu sách của UDD là giải tán quốc hội để bầu cử sớm.

Trước chiến dịch, chính phủ đã đề nghị rồi rút lại lời hứa sẽ tổ chức bầu cử sớm vào tháng 11. Chính phủ cũng ra hạn chót yêu cầu UDD rời khỏi khu trung tâm Bangkok mà họ đã chiếm đóng hơn tháng nay. Áo đỏ bất chấp hạn chót, vẫn ở lại căn cứ tại khu trung tâm mua sắm.

Văn phòng thủ tướng Thái Lan thông báo cuộc truy quét là hệ quả của việc hai bên thất bại trong đàm phán. “Những thủ lĩnh biểu tình không thể đạt được đồng thuận nội bộ”, thông báo chỉ rõ. “Chúng tôi yêu cầu họ ngừng biểu tình và đầu hàng”.

Sau chiến dịch, Thủ tướng Thái Lan trấn an dư luận và khẳng định hòa bình sẽ sớm được lập lại. “Tôi tin rằng chúng ta có thể vượt qua vấn đề này và đem đến hòa bình vĩnh cửu cho đất nước”, ông nói.

Áo đỏ phóng hỏa tòa thị chính ở tỉnh Ubon Ratchathani khi thủ lĩnh áo đỏ đầu hàng ở Bangkok. Ảnh: AFP.

Thái Lan lâm vào cảnh căng thẳng chính trị nhiều năm nay. Nhiều người dân mệt mỏi vì tình trạng bất ổn. Kể từ khi Thaksin Shinawatra lên nắm quyền năm 2001, phe phản đối ông tổ chức nhiều cuộc tuần hành và cáo buộc ông tham nhũng và lạm quyền.

Năm 2006, Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính do quân đội tiến hành. Tình hình Thái Lan kể từ đó càng thêm hỗn loạn, nhiều đời chính phủ nối tiếp nhau lên nắm quyền rồi lại ra đi.

Năm 2008, người biểu tình mặc áo vàng – màu của nhà vua – và chiếm hai sân bay chính ở Bangkok cho tới khi đảng cầm quyền thân Thaksin bị tòa án giải tán. Đáp lại, người ủng hộ Thaksin bắt chước chiêu này và đổ xuống đường phố với màu áo đỏ.

Tuy nhiên, căng thẳng chủ yếu là giữa áo đỏ và nhóm “đa màu sắc” đứng về phía Thủ tướng đương nhiệm Abhisit. Nhóm đa màu sắc này bao gồm dân trung lưu sống ở thành thị, không hài lòng vì cuộc sống của họ bị áo đỏ làm xáo trộn. Họ muốn chính phủ dẹp biểu tình, chấm dứt bạo lực và tình cảnh hỗn loạn ở thủ đô.

Việc chọn một màu sắc là cách tốt nhất để tạo dựng một danh tính chung. Mọi chuyện bắt đầu khi phe áo vàng khoác chiếc áo trùng với màu sắc của ngày thứ hai, màu của nhà vua. Phe này trung thành với quốc vương và tầng lớp quý tộc, vốn thâu tóm chính trị Thái nhiều năm nay. Những người ủng hộ Thaksin chọn màu đỏ để đối lập với phe áo vàng.

Về cơ bản, đây là cuộc đấu tranh giành quyền lực. Có thể dễ dàng gọi căng thẳng này là cuộc chiến giữa người giàu và kẻ nghèo song thực tế còn phức tạp hơn thế khi người được cho là thủ lĩnh chí tôn của phe áo đỏ là tỷ phú. Thaksin lên nắm quyền nhờ thu phục sự ủng hộ của dân nghèo nông thôn. Phương pháp này có ông khiến tầng lớp quý tộc khó chịu và sợ điều đó sẽ làm ảnh hưởng tới vị trí của họ. Họ cũng quan ngại trước những cáo buộc tham nhũng đối với Thaksin và cuộc chiến gay gắt chống ma túy mà ông tiến hành. Ông cũng bị chỉ trích vì mạnh tay với khu vực miền nam đông dân Hồi giáo.

Cuối cùng, quân đội lật đổ Thaksin trong cuộc chính biến được giới quý tộc và tầng lớp trung lưu hậu thuẫn. Đối với áo đỏ, Thaksin là thủ tướng duy nhất, đem lại quyền lợi cho dân nghèo. Áo vàng thì xem ông giống như một kẻ độc tài nguy hiểm và tham lam.

Tuy nhiên, một điều không thể tranh cãi được đó là Thaksin giành chiến thắng trong hai cuộc bầu cử, là thủ tướng đầu tiên của Thái Lan cầm quyền đủ một nhiệm kỳ và vẫn còn được nhiều người yêu mến.

Hải Ninh (theo CNN)