Những kịch bản cho tương lai Libya

Lượt xem: 79

Chiến thuật dùng binh sĩ ủng hộ bắn vào người biểu tình bất chấp dư luận quốc tế sẽ đẩy Gaddafi vào thế tiến thoái lưỡng nan một khi đã bị thất bại. Ông sẽ khó ra nước ngoài lưu vong êm thấm như cựu tổng thống Tunisia Ben Ali, trong khi ở lại trong nước như cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak lại càng không thể.

Còn đối với đất nước Libya, những kịch bản được dự đoán có thể ra xảy ra trong tương lai còn “bi đát” hơn, với nguy cơ sử dụng cả vũ khí huỷ diệt, xảy ra nội chiến giữa các bộ tộc gây hỗn loạn kéo dài, đảo chính quân sự và sự can thiệp sâu rộng của nước ngoài.

Nội chiến với vũ khí huỷ diệt

Người biểu tình Libya ăn mừng tại vùng đất mà họ gọi là đã “giải phóng khỏi Gaddafi”. Ảnh: BBC

Do sức ép từ cộng đồng quốc tế, khả năng chính quyền Gaddafi gây ra thêm những cuộc thảm sát đẫm máu nhằm vào người chống đối đã giảm xuống. Tuy nhiên, cái giá phải trả khi đại tá này cũng những người ủng hộ chấp nhận thất bại được dự đoán cũng sẽ khá cao nếu tính trên sinh mạng người thiệt mạng.

Trong một kịch bản xấu nhất mà các nhà phân tích nhắc đến là việc ông Gaddafi có thể cho sử dụng cả vũ khí hoá học như Saddam Hussein từng làm với người Kurd ở Halabja (Iraq) năm 1988, hoặc ra lệnh mở chiến dịch ném bom quy mô lớn như Hafez al-Assad đã thực hiện với người chống đối ở Hama (Syria) năm 1982.

Trong khi đó, vấn đề bất đồng giữa các bộ tộc tại Libya có thể sẽ bùng lên nghiêm trọng nếu chính quyền đại tá Gaddafi bị lật đổ hoàn toàn. Điều này sẽ dẫn đến cuộc nội chiến giữa các phe phái tại quốc gia Bắc Phi này và đây là kịch bản dễ xảy ra vì các bộ tộc có mối hận thù lịch sử và đều được vũ trang mạnh.

Nhưng những gì đang diễn ra ở miền đông Libya nằm ngoài tầm kiểm soát của Gaddafi đã khiến mối lo ngại về nguy cơ chiến tranh bộ tộc giảm xuống. Các phóng viên quốc tế có mặt tại đây đều mô tả sự ấn tượng về mức độ có tổ chức tại khu vực vốn căng thẳng nhất về vấn đề bộ tộc của Libya này.

Lực lượng an ninh, y tế và các uỷ ban điều hành được những người lãnh đạo phe chống Gaddafi lập ra nhanh chóng ở đông Libya. AP dẫn lời cựu Bộ trưởng Nội vụ Mustafa Abdel Jalil, người từng thân cận với Gaddafi nhưng ngả theo phe biểu tình, còn tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời mởi ở thành phố Benghazi, mở đường cho cuộc tổng tuyển cử dân chủ trong 3 tháng tới.

Đảo chính quân sự

Đại tá Gaddafi lên cầm quyền năm 1969 thông qua một cuộc đảo chính quân sự và ông đang đứng trước nguy cơ chấm dứt sự lãnh đạo suốt hơn 4 thập kỷ theo cách thức tương tự. Nhưng vấn đề đối với kịch bản đảo chính này là việc quân đội Libya không hành động như một quyền lực thống nhất kể từ khi bắt đầu cuộc biểu tình, hoàn toàn khác so với Tunisia và Ai Cập trước đó.

Sự thiếu thống nhất thể hiện ở chỗ nhiều thành viên các cấp trong quân đội Libya đã đào ngũ và tham gia lực lượng biểu tình. Hai phi công chiến đấu còn đưa máy bay sang đảo Malta để tị nạn và theo chân họ là một tàu chiến của hải quân, nhằm chống lệnh của Gaddafi đánh bom phe chống đối ở thành phố Benghazi.

Trong khi đó, quân đội chính thức của Libya từ lâu chỉ được tổ chức mang tính biểu tượng, trang bị và huấn luyện kém. Đây là chiến thuật của đại tá Gaddafi nhằm tránh nguy cơ xảy ra đảo chính quân sự. Trong khi sức mạnh chính nằm trong tay các “Uỷ ban cách mạng”, lực lượng bán quân sự và các tổ chức an ninh rất trung thành với chính quyền Gaddafi.

Nói cách khác, quân đội tại Libya khác với tại Ai Cập và Tunisia vì khó có thể trở thành lực lượng thay thế lên nắm quyền kiểm soát đất nước nếu chế độ của ông Gaddafi bị hạ bệ. Tình trạng này đẩy Libya đến bờ vực hỗn loạn ngay cả khi yêu sách của người biểu tình hiện nay đòi Gaddafi ra đi đã được thực hiện.

Nước ngoài can thiệp

Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi chạm mặt trong một cuộc họp quốc tế. Ảnh: Telegraph

Sau những dè dặt ban đầu, cộng đồng quốc tế bắt đầu có những động thái cứng rắn và rõ ràng đối với hành động trấn áp biểu tình của chính quyền Gaddafi. Như vậy, kịch bản về sự can thiệp của quốc tế không còn là dự đoán mà đang được hiện thực hoá với mức độ tăng dần.

Đáng kể nhất là việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua nhất trí thông qua nghị quyết trừng phạt trực tiếp đại tá Muammar Gaddafi cùng 14 người khác là các thành viên gia đình và những quan chức thân cận. Theo đó Libya bị cấm vận vũ khí và đóng băng mọi tài sản của Gaddafi cùng 5 người con.

Ngoài ra lãnh đạo Libya và người thân cũng bị nghị quyết của Hội đồng Bảo an áp lệnh cấm đi lại. Đặc biệt, Liên Hợp Quốc nhất trí đưa vụ đàn áp người biểu tình Libya sang Tòa án hình sự quốc tế (ICC) để điều tra việc đại tá Gaddafi có phạm tội ác chống lại loài người hay không.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang chịu sức ép phải can thiệp sâu và cụ thể hơn vào tình hình Libya, như ủng hộ chính phủ lâm thời của phe chống Gaddafi và áp dụng lệnh cấm bay để vô hiệu hoá lực lượng không quân Libya. Nhà Trắng vốn bị chỉ trích vì im lặng khi tình hình bắt đầu bùng nổ tại Libya và tới tuần trước ông Obama mới lên tiếng kêu gọi đại tá Gaddafi từ chức.

Hội đồng Bảo an và Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố không có kế hoạch can thiệp quân sự vào Libya. Nhưng phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố Washington không loại trừ khả năng sử dụng hành động quân sự khi bàn thảo về cách thức đối phó với khủng hoảng Libya.

Mặc dù vậy, nếu chính quyền Gaddafi vẫn quyết “tử chiến” với người biểu tình chống đối bằng mọi giá như huy động tối đa sức mạnh quân sự thì sự can thiệp của nước ngoài vào Libya chắc chắn sẽ không dừng lại ở các nghị quyết trừng phạt hay lời kêu gọi Gaddafi từ chức nói trên.

Theo vnexpress.net