Chủ tịch T.Ư hội Nông dân VN Nguyễn Quốc Cường: Cần thể hiện rõ mối quan hệ Đảng – Mặt trận

Lượt xem: 73

Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường phát biểu tại phiên thảo luận

Góp ý vào dự thảo luật, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân VN, ĐBQH Nguyễn Quốc Cường (đoàn Bắc Giang) đã đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Ban soạn thảo khi xây dựng dự thảo Luật MTTQ VN (sửa đổi) với nhiều ý kiến của các chuyên gia và những người công tác lâu năm trong ngành MTTQ.

“Đoạn nói về Đảng trong Luật MTTQ VN (sửa đổi) nên diễn đạt lại. Dự thảo luật quy định Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức thành viên vừa lãnh đạo MTTQ VN, do đó cần phải diễn đạt lại cho đúng vị thế, vai trò, trách nhiệm đồng thời thể hiện rõ mối quan hệ. Theo đó nên diễn đạt là Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo MTTQ VN đồng thời là tổ chức thành viên của MTTQ VN” – Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường góp ý.

Cũng theo ĐB Nguyễn Quốc Cường, trong dự thảo Luật MTTQ có đề cập tới các mối quan hệ của MTTQ với nhiều đối tượng khác nhau, từ mối quan hệ giữa MTTQ với Nhà nước, MTTQ quan hệ với nhân dân, rồi mối quan hệ với các tổ chức “Có mối quan hệ rất cần phải nói, mà phải nói cho rõ là quan hệ giữa MTTQ và các tổ chức thành viên. Dự thảo không có chỗ nào nói đến đó là sự thiếu sót, trong khi chỉ nói đến mấy tổ chức không phải là thành viên. Trong điều 9 của dự thảo luật cần phải quy định rõ một khoản khác riêng về quan hệ của MTTQ với các tổ chức thành viên để rõ nghĩa vụ của các tổ chức thành viên với MTTQ là thế nào, MTTQ với các tổ chức thành viên thì quyền hạn, trách nhiệm đến đâu” – Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh.

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, chủ trương của Đảng về chức năng phản biện xã hội của MTTQ khá rõ, nhưng dự thảo luật không rõ. Theo ĐB Nam, phản biện của MTTQ chủ yếu nặng về phản biện dự thảo văn bản pháp luật, chương trình dự án, đề án. Cũng nếu ý kiến về vấn đề phản biện của MTTQ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (Quảng Bình) cho rằng, phản biện hy vọng như một luồng gió tác động vào hoạt động của MTTQ, nhưng như dự thảo thì không rõ, nên dường như chẳng có gì mới cả, trong khi cuộc sống đang vận động không ngừng và đòi hỏi.

Mở rộng hơn vấn đề, ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) nêu: Vấn đề là kết quả phản biện được xử lý thế nào, hiệu quả pháp luật của nó. Cơ quan chức năng có nghe không, có đối thoại trở lại không với bên phản biện không. “Phản biện từ nhân dân thế nào, chúng ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân thì tiếp nhận phản biện ấy như thế nào”- ĐB Thông nói.

Theo Dân Việt