Quốc hội khóa XIII đã tạo nên một dấu mốc lịch sử

Lượt xem: 93

Theo báo cáo của Ban Tổng kết công tác của QH nhiệm kỳ khóa XIII do Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc trình, có 2 nội dung làm nên dấu mốc lịch sử, đó là lần đầu tiên QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn và Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đồng lần thứ 132 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-132).

Quốc hội khóa 13 đã tạo nên một dấu mốc lịch sử.

Ban Tổng kết đánh giá việc tổ chức thành công IPU-132 là sự kiện chính trị-ngoại giao lịch sử, thể hiện tinh thần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng của QH nước ta, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Còn việc lấy phiếu tín nhiệm đã được triển khai một cách thận trọng, nghiêm túc theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của QH đã phản ánh chân thực tình hình thực tế và cũng là nguồn thông tin, đánh giá để giúp cho từng vị được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác.

Bên cạnh đó, theo chức năng, nhiệm vụ của QH, QH khóa XIII đã hoàn thành xuất sắc trọng trách thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 – Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, ghi đậm dấu ấn của nhiệm kỳ QH khóa XIII trong lịch sử lập hiến của nước ta.

Về việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đã giảm dần tính hình thức, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế.

Có thể kể ra các vấn đề dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương, đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tuy nhiên, Ban Tổng kết cũng cho rằng, việc quyết định một số vấn đề quan trọng trong một số trường hợp chất lượng chưa cao; việc đề ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước chưa bảo đảm sát thực tế.

Đề cập đến dự thảo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của UBTVQH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong hoạt động giám sát, UBTVQH đã chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chú trọng việc xem xét, đánh giá việc thi hành các đạo luật, những tồn tại, hạn chế của các quy định đang áp dụng trong thực tế. Nhờ đó, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thi hành chất lượng ngày càng cao hơn.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát này còn chưa thường xuyên, triệt để, dẫn đến tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn, có luật, pháp lệnh đã được ban hành, nhưng chậm đi vào cuộc sống, làm giảm hiệu lực của pháp luật, hiệu quả xây dựng pháp luật.

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, nhiệm kỳ này đã cải tiến chương trình hoạt động giám sát của UBTVQH. Thông qua nhiều phiên giải trình của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban đã kiến nghị nhiều vấn đề giúp cho Chính phủ, các bộ, ngành chỉnh sửa để khắc phục bất cập.

Về hoạt động của QH, ông Sơn cho rằng, QH đã tổ chức được truyền hình trực tuyến tới các đoàn ĐBQH. Tăng thời lượng truyền hình trực tiếp khi cho ý kiến vào các nội dung quan trọng. Thông qua đó dân nắm và hiểu rõ hơn hoạt động của QH và tin tưởng hơn vào QH.

Tuy nhiên ông Sơn cho rằng, báo cáo của QH lại không đề cập đến việc bãi miễn 2 ĐBQH không đáp ứng được yêu cầu.

“Hai ĐBQH sai phạm đều là nữ, tự ứng cử, đều là doanh nghiệp. Chính đầu vào không chặt chẽ, đến khi sai phạm lại phải đi xử lý, cho nên cần đưa vào báo cáo để từ đó rút kinh nghiệm cho khóa tới được tốt hơn”, ông Sơn đề nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai thì đề nghị, báo cáo cần làm rõ hơn tính chất tổng kết chính sách, có thể so sánh quá trình lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng so với nhiệm kỳ trước để thấy nhiệm kỳ này QH phải làm khối lượng công việc rất lớn, tiếp tục bổ sung pháp lý hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính, từ đó tác động đến kinh tế-xã hội trong 5 năm qua, tác động đến đời sống người dân, quyết định của QH cũng mang tính dài hạn hơn.

“Quá trình đổi mới phát huy dân chủ đã mang lại bài học sâu sắc cho QH là phát huy dân chủ khi chuyển sang một QH gần dân hơn, tranh luận trong QH đã được tăng cường hơn”, bà Mai bày tỏ.

chinhphu.vn