Nhìn lại vụ vải thiều năm 2020: Chủ động, đổi mới xúc tiến tiêu thụ

Lượt xem: 89

Những con số biết nói

Những ngày này, vườn vải của gia đình ông Lại Văn Chung, thôn Hợp Thành, xã Hộ Đáp (Lục Ngạn) đã thu hoạch xong. Ông Chung phấn khởi khoe: “Vụ vải thiều năm nay, gia đình tôi thắng lớn. Sản lượng đạt gần 25 tấn, thu về khoảng 700 triệu đồng, cao hơn năm trước gần 100 triệu đồng”.

Thu hoạch vải thiều sản xuất theo quy trình VietGAP ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn).

Thu hoạch vải thiều sản xuất theo quy trình VietGAP ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn)

Khép lại vụ vải thiều năm 2020, nhìn chung, người trồng vải đã có một mùa vụ bội thu. Tổng sản lượng vải đạt gần 165 nghìn tấn, tăng 15 nghìn tấn so với vụ trước. Chất lượng quả vải được đánh giá cao, ít sâu bệnh, mẫu mã đẹp.

Theo báo cáo nhanh của Sở Công Thương, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã tiêu thụ được 164,7 nghìn tấn vải. Trong đó, Lục Ngạn 93,2 nghìn tấn; Lục Nam 33,1 nghìn tấn; Tân Yên 16 nghìn tấn; Yên Thế 8,6 nghìn tấn; Lạng Giang 6 nghìn tấn và Sơn Động 5,4 nghìn tấn… Thị trường tiêu thụ có sự dịch chuyển theo hướng tích cực, đó là tăng thị phần trong nước. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ nội địa chiếm 52,5%, thị trường xuất khẩu 47,5%.

Giá bán vải thiều năm nay cao gần bằng năm trước, với mức bình quân đạt 31,2 nghìn đồng/kg nhưng bù lại sản lượng tăng. Vì thế, tổng giá trị thu được từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 6,9 nghìn tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với vụ vải năm 2019. Trong đó, thu từ vải đạt khoảng 5,2 nghìn tỷ đồng; thu từ dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 1,7 nghìn tỷ đồng.

Chủ động và sáng tạo

Một điểm cân vải thiều xuất khẩu ở xã Tân Sơn (Lục Ngạn).

Một điểm cân vải thiều xuất khẩu ở xã Tân Sơn (Lục Ngạn)

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Sở dĩ có được kết quả trên là do chúng ta đã tạo được tâm thế tốt khi đưa ra các kịch bản tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Vì thế, khi dịch Covid-19 ở nước ta và một số nước trên thế giới lắng xuống thì việc tiêu thụ vải thiều càng dễ dàng hơn”.

Năm nay, lần đầu tiên UBND tỉnh chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều quy mô lớn với 63 điểm cầu trên cả nước và 4 điểm cầu ở 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Châu (Trung Quốc). Hội nghị đã giúp kết nối chặt chẽ các cấp, ngành, địa phương với những thương nhân trong, ngoài nước, thúc đẩy hoạt động tiêu thụ vải thiều. Thực tế, trong suốt mùa thu hoạch vải thiều năm nay, các cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai đã dành đường ưu tiên để xuất khẩu vải thiều một cách nhanh chóng sang Trung Quốc – thị trường truyền thống và lớn nhất đối với vải thiều Bắc Giang.

Chủ trương sản xuất vải thiều sạch, an toàn được các địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ cốt yếu, hướng đi sống còn cả trước mắt và lâu dài. “Nếu tình huống xấu nhất là dịch Covid-19 lan rộng, các cửa khẩu bị đóng cửa thì vải thiều sẽ tập trung bán tại các chợ, siêu thị, thậm chí là các khu, cụm công nghiệp trong cả nước. Tuy nhiên, để người tiêu dùng tiêu thụ mạnh vải thiều thì đòi hỏi chất lượng quả vải phải ngon, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn nêu quan điểm từ đầu vụ vải.

Có lẽ vì thế, năm nay, diện tích vải thiều được bà con sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP tăng cao, với hơn 15,2 nghìn ha, tăng khoảng 1,2 nghìn ha so với năm 2019. Trong đó, riêng huyện Lục Ngạn có 11,1 nghìn ha.

Điểm mới nữa ở vụ vải thiều năm 2020 là thị trường xuất khẩu đã được mở rộng hơn. Ngoài thị trường đã khai thác từ những năm trước như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, khối EU… thì vụ vải năm nay có thêm Nhật Bản. Đây được xem là thị trường rất khó tính nhưng khi vải thiều Bắc Giang vào được thì sẽ mở ra nhiều cơ hội tiếp cận các nước khác.

Khép lại vụ vải thiều năm 2020, nhìn chung, người trồng vải đã có một mùa vụ bội thu. Tổng sản lượng vải đạt gần 165 nghìn tấn, tăng 15 nghìn tấn so với vụ trước. Tổng giá trị thu được từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 6,9 nghìn tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng. Chất lượng quả vải được đánh giá cao, ít sâu bệnh, mẫu mã đẹp.

Bởi vậy, ngay từ đầu vụ, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) lựa chọn và đề nghị phía Nhật Bản chấp thuận 19 mã vùng trồng, với diện tích 103 ha, bảo đảm các điều kiện khắt khe của phía bạn.

Kết quả, toàn tỉnh đã xuất khẩu được khoảng 200 tấn vải thiều sang Nhật Bản. Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết: “Người tiêu dùng Nhật Bản rất tin dùng vải thiều Bắc Giang. Vụ vải thiều năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều Bắc Giang sang thị trường nhiều tiềm năng này”.

Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống dịch Covid-19 trong suốt mùa vải cũng được quan tâm. Đã nhiều năm nay, mỗi khi bước vào vụ thu hoạch vải thiều, tuyến quốc lộ 31 chạy qua địa phận huyện Lục Ngạn lại trở thành “chợ vải” vì người dân khắp nơi đổ về đây cân vải, gây nên cảnh tắc đường kéo dài. Quyết tâm không để lặp lại tình trạng trên, ngay từ đầu vụ, lực lượng Công an huyện phối hợp với các lực lượng tại chỗ như Đoàn Thanh niên, đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn cùng làm nhiệm vụ phân luồng, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông.

Mặt khác, huyện Lục Ngạn đã đầu tư cứng hóa, mở rộng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện cho xe ô tô đến tận vườn thu hái. Bởi vậy, vụ vải năm nay, Lục Ngạn không còn cảnh tắc đường như trước, hàng hóa được lưu thông thuận lợi. Đây là tiền đề thuận lợi cho những vụ vải thiều tiếp theo.

Nguồn: baobacgiang.com.vn