Tạo lập thị trường tiêu thụ sản phẩm “Gà đồi Yên Thế” tại thành phố Hà Nội

Lượt xem: 78
Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang và thành phố Hà Nội ký biên bản thỏa thuận tạo lập thị trường tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”

Hiện nay, số lượng đàn gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 37,4 triệu con, trong đó đàn gà khoảng 32,2 triệu con. Riêng huyện Yên Thế đạt 13-15 triệu con gà/năm; một số huyện cũng có tổng đàn số lượng lớn như: Tân Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang…

Trên địa bàn huyện Yên Thế, số hộ nuôi gà theo phương thức thả vườn đồi chiếm 95-97%, trong đó có 65-70% số hộ nuôi gà có kiểm soát, bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tương đương hơn 30 nghìn tấn/năm. Thị trường tiêu thụ gà đồi Yên Thế chủ yếu là ngoài tỉnh như thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, các khu, cụm công nghiệp…

Tuy nhiên, việc tiêu thụ ở trên hầu hết là gà còn sống (gà lông) thông qua các chợ đầu mối, chợ truyền thống. Số lượng cơ sở giết mổ, chế biến còn ít, hiện chỉ có 1 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng, hệ thống thiết bị giết mổ tập trung với công suất 2.800 con/ngày.

Để phát triển thương hiệu và xúc tiến thương mại, huyện Yên Thế đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và các ngành chức năng xây dựng hồ sơ, cấp chứng nhận nhãn hiệu “Gà đồi Yên Thế”, là sản phẩm vật nuôi trong cả nước được công nhận thương hiệu và bảo hộ độc quyền.

Theo thống kê của Sở Công Thương thành phố Hà Nội, mỗi ngày thành phố có nhu cầu khoảng 120 tấn gia cầm, Hà Nội chỉ bảo đảm sản xuất được hơn 50 tấn, còn lại do các nguồn khác cung cấp. Sản lượng gà đồi Yên Thế tiêu thụ qua kiểm soát trên địa bàn thành phố Hà Nội chỉ ở mức 3-5 tấn/ngày, nhiều đầu mối tiêu thụ mang tính tự phát, thiếu ổn định.

Tại buổi làm việc, các ý kiến phát biểu tập trung làm rõ nguyên nhân gà đồi Yên Thế và các sản phẩm đã qua chế biến chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến, việc tiêu thụ còn ít trên địa bàn Hà Nội; mối liên kết giữa người chăn nuôi và các doanh nhân, doanh nghiệp thu mua, chế biến, kinh doanh gia cầm có lúc chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả dẫn đến rủi ro, thiệt hại về kinh tế; công tác cung cấp thông tin, giá cả chưa được quan tâm đúng mức nên hiệu quả về quảng bá thương hiệu, giới thiệu hình ảnh, chất lượng sản phẩm có nhiều hạn chế…

Đại diện các doanh nghiệp, siêu thị tại Hà Nội cũng đề nghị thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Giang và huyện Yên Thế cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tuyên truyền về thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”; các hộ chăn nuôi và UBND huyện Yên Thế có cam kết giữ vững chất lượng và cung ứng sản phẩm; khuyến khích mở rộng vùng chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học.

Để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, có thể nghiên cứu phương án cung cấp gà tươi hoặc xây dựng, thuê cơ sở giết mổ tập trung tại thành phố Hà Nội, hạn chế việc đóng túi chân không, bảo quản lạnh, không phù hợp với khách hàng Hà Nội. Có cơ chế thỏa thuận về giá thành sản phẩm, tránh tình trạng phá vỡ hợp đồng nếu thị trường có biến động về giá cả.

Sau khi trao đổi và tiếp thu những ý kiến phát biểu, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang và thành phố Hà Nội đã ký biên bản thỏa thuận tạo lập thị trường tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”. Theo đó hai đơn vị sẽ tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sản phẩm “Gà đồi Yên Thế”, địa chỉ những siêu thị, cửa hàng, hệ thống dịch vụ, ăn uống có sử dụng gà đồi Yên Thế.

Tổ chức hệ thống phân phối, mạng lưới tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế đến người tiêu dùng Hà Nội. Xây dựng kế hoạch và chương trình xúc tiến thương mại cho sản phẩm này; tham mưu với UBND thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Giang tiếp tục có cơ chế chính sách ưu đãi, mở rộng thị trường tiêu thụ gà đồi Yên Thế, trước mắt xem xét đưa gà đồi Yên Thế vào danh mục các hàng hóa bình ổn thị trường của thành phố Hà Nội.

Theo bacgiang.gov.vn