Thực hiện Nghị quyết BCH Đảng bộ tỉnh Bắc Giang khóa XVII: 5 bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn

Lượt xem: 88

Diện mạo thành phố Bắc Giang có sự thay đổi lớn lao sau một nhiệm kỳ (2010-2015)

PV: Xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật trong thực hiện 05 Chương trình phát triển kinh tế – xã hội trọng tâm của tỉnh giai đoạn 2011-2015?

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh: Có thể nói, Nghị quyết số 43-NQ/TU ngày 22/02/2011 của Tỉnh ủy về 05 Chương trình phát triển kinh tế – xã hội trọng tâm giai đoạn 2011-2015 là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với điều kiện và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết được tiến hành trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy giảm nặng nề tác động sâu sắc đến nền kinh tế – xã hội trong nước và của tỉnh.

Mặc dù vậy, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo, điều hành pháp luật của UBND tỉnh; sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, kinh tế – xã hội của tỉnh đã vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện có hiệu quả 05 Chương trình phát triển kinh tế – xã hội trọng tâm với những kết quả tích cực, cụ thể là:

Trước hết, Chương trình đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp – dịch vụ đạt được kết quả đáng khích lệ. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 525 dự án đầu tư với vốn đăng ký 17,64 nghìn tỷ đồng và gần 1,93 tỷ USD. Trong đó có một số dự án lớn như: Dự án đầu tư xây dựng Sân Golf, dịch vụ Yên Dũng (1.625 tỷ đồng); Dự án Khách sạn Mường Thanh Bắc Giang (250 tỷ đồng)… Toàn tỉnh hiện có 4 khu công nghiệp, 27 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút được 455 dự án đầu tư, trong đó 127 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD… Các dự án đầu tư đã tạo việc làm mới cho khoảng 60 nghìn lao động, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, còn đóng góp tích cực cho ngân sách: năm 2011 đạt 657 tỷ đồng, đến năm 2014 đạt gần 1,1 nghìn tỷ đồng và năm 2015 ước đạt trên 1,2 nghìn tỷ đồng.

Kim ngạch xuất khẩu tăng khá, bình quân giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 51%/năm, trong đó chủ yếu là hàng may mặc, điện tử, máy tính và phụ kiện… Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2014 đạt 15 nghìn tỷ đồng, đến hết năm 2015 ước đạt 17,2 nghìn tỷ đồng, bằng 100,5% mục tiêu và tăng gấp 2,4 lần so với năm 2010.

Thứ hai, Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới cũng đạt được những thành tựu nổi bật. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, phát triển 08 sản phẩm nông nghiệp chủ lực mà địa phương có thế mạnh gồm 5 cây, 3 con đưa Bắc Giang trở thành một trong những địa phương đứng đầu cả nước về diện tích cây ăn quả và tổng đàn gà… Một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý như: Vải thiều Lục Ngạn, vải sớm Phúc Hoà, nhãn hiệu tập thể nếp Phì Điền-Lục Ngạn, mỳ Chũ, gạo thơm Yên Dũng, nhãn hiệu chứng nhận gà đồi Yên Thế… Các sản phẩm sau khi được cấp nhãn hiệu đều có thị trường tiêu thụ ổn định trong nước và nước ngoài. Tiêu biểu như vải thiều Lục Ngạn đã mở rộng tiêu thụ tại các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Campuchia; bước đầu xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc, Mỹ, EU… Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp chuyển biến theo hướng tích cực; giá trị sản xuất bình quân/1ha đất nông nghiệp năm 2015 ước đạt 86,5 triệu đồng/ha (kế hoạch là 70 – 80 triệu đồng/ha)…

Cùng đó, tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách và nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Dự kiến lũy kế đến hết năm 2015 có 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân các xã trên địa bàn tỉnh đạt 12,7/19 tiêu chí xã nông thôn mới.

Công tác sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương
(Ảnh: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (giữa) trực tiếp về thăm, động viên cán bộ,
nhân dân vùng trồng vải tập trung huyện Lục Ngạn)

Thứ ba, Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị cũng có nhiều chuyển biến. Các tuyến quốc lộ, đường tỉnh được quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp. Đã đầu tư trên 3,34 nghìn tỷ đồng để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. Đã, đang hoàn thành xây dựng một số công trình, dự án trọng điểm tạo không gian phát triển kinh tế – xã hội mới như: Đường tỉnh 293; Cầu Mai Đình – Đông Xuyên; đường tỉnh 398B (nay là quốc lộ 17); khởi công xây dự án đường tỉnh 295B và đặc biệt là dự cải tạo, nâng cấp đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang đang gấp rút hoàn thành vào cuối năm nay… Ước đến hết năm 2015, tỷ lệ cứng hóa đường huyện đạt 85%, đường xã đạt 58,5%, đường thôn bản đạt 47,6%. Đang triển khai xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp: Quang Châu, Vân Trung, Song Khê – Nội Hoàng; hỗ trợ đầu tư hạ tầng 07 cụm công nghiệp; thành lập mới 05 cụm công nghiệp để đáp ứng nhu cầu phát triển của các địa phương… Ngoài ra, hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục, thông tin liên lạc… cũng không ngừng được đầu tư xây dựng đồng bộ, mở rộng, từng bước hiện đại.

Cùng đó, hệ thống đô thị được quan tâm đầu tư cải tạo, chỉnh trang tạo nên bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp. Đến nay toàn tỉnh có 17 đô thị; trong đó có 01 đô thị loại II; 02 đô thị loại IV; 14 đô thị loại V. Tỷ lệ dân số đô thị toàn tỉnh đến hết năm 2015 ước đạt 14,5% dân số (kế hoạch 14 – 16%).

Thành phố Bắc Giang trên đà đổi mới ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.

Thứ tư, Chương trình nâng cao chất lượng đào tạo nghề cũng có chuyển biến tích cực. Ước đến hết năm 2015, các mục tiêu cụ thể của Chương trình cơ bản đạt kế hoạch. Quy mô đào tạo nghề tăng nhanh, hình thức đào tạo nghề được đa dạng hóa…, qua đó đã nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo được tăng từ 33,5% năm 2010 lên 50,5% năm 2015.

Thứ năm, Chương trình phát triển du lịch bước đầu đã tạo được những điều kiện có tính nền tảng. Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã và đang triển khai nhiều công trình, dự án đầu tư phát triển các điểm du lịch để xây dựng các tour, tuyến du lịch như: Dự án xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, Quy hoạch xây dựng bảo tồn di tích, danh thắng chùa Vĩnh Nghiêm; Dự án xây dựng Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử…; đầu tư xây dựng các tuyến giao thông (đường tỉnh 293) để kết nối các điểm du lịch trong tỉnh và kết nối với các tỉnh trong khu vực. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 2011 toàn tỉnh có 235 cơ sở, với 2.500 buồng nghỉ; đến năm 2015, toàn tỉnh có 330 cơ sở lưu trú, trong đó có 01 khách sạn 4 sao, 10 khách sạn 2 sao, 15 khách sạn 1 sao và trên 300 nhà nghỉ, với khoảng 4.000 buồng nghỉ, trong đó có 3.750 buồng nghỉ đạt tiêu chuẩn.

Tổng doanh thu từ du lịch có tốc độ tăng bình quân đạt 37%/năm, năm 2015 ước đạt 262 tỷ đồng. Số lượng khách du lịch đến tỉnh tăng bình quân 23,8%/năm…

PV: Đâu là những hạn chế và nguyên nhân thưa đồng chí?

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, đó là: Công tác quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của một số ngành, địa phương chưa toàn diện, một số nơi còn hình thức, hiệu quả và tính chủ động chưa cao. Công tác dự báo, tham mưu, triển khai còn chậm, chưa sát với tình hình thực tế; chưa xác định được nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm dẫn đến hiệu quả không cao. Cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội nói chung còn nhiều bất cập, không đồng bộ; việc huy động, bố trí nguồn lực để thực hiện còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu… Dẫn tới một số chỉ tiêu Chương trình chưa đạt, hoặc đạt thấp so với kế hoạch.

Ngành du lịch, dịch vụ của tỉnh bước đầu tạo dựng được nền tảng vững chắc. (Ảnh: Lễ đặt đá xây dựng Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử)

Những hạn chế, tồn tại trên bắt nguồn từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan sau: Trước hết, tình hình kinh tế thế giới và trong nước suy giảm, đã tác động tiêu cực đến kết quả thực hiện 05 Chương trình. Trong 2 năm đầu thực hiện, Chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng, nguồn lực đầu tư từ ngân sách còn hạn chế… đã ảnh hưởng đến kết quả thu hút nguồn lực để thực hiện các Chương trình.

Vai trò lãnh đạo, năng lực, hiệu quả hoạt động của một số cấp ủy, chính quyền còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; công tác phối hợp trong giải quyết khó khăn, vướng mắc nhiều lúc còn thiếu chặt chẽ.

Trình độ chuyên môn, kinh nghiệm quản lý và ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực chưa cập với yêu cầu nhiệm vụ; nhận thức của một bộ phận nhân dân về pháp luật còn hạn chế, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện…

PV: Theo đồng chí, qua 05 năm thực hiện Nghị quyết những bài học kinh nghiệm nào được rút ra từ thực tiễn?

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh: Qua thực tiễn chỉ đạo và kết quả đạt được có thể rút ra 05 bài học sau:

Thứ nhất, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện. Làm tốt công tác tuyên truyền, dân vận, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của nhân dân ở các địa phương có các khu, cụm công nghiệp. Kết hợp phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường giữ vững sự ổn định, phát triển bền vững.

Thứ hai, trong điều kiện một tỉnh thuần nông, muốn phát triển nhanh và bền vững phải tập trung cao để phát triển công nghiệp, dịch vụ; trong đó, phát triển các khu, cụm công nghiệp là khâu đột phá. Đồng thời, phải chú trọng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hoá, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới để đảm bảo ổn định xã hội và là nền tảng để phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Thứ ba, tập trung làm tốt công tác nghiên cứu, quán triệt, nhất là việc xây dựng các chương trình hành động và các đề án, kế hoạch thực hiện một cách cụ thể, sát với thực tế, đảm bảo khả thi, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên, nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, trong quá trình tổ chức thực hiện phải đảm bảo có sự phối hợp đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa các Chương trình. Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, nhằm động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đề ra.

Thứ tư, đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện với phương châm “nói đi đôi với làm”; tập trung thực hiện dứt điểm và hiệu quả, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị. Thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để tập trung giải quyết và phát huy những nhân tố tích cực trong tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng hấp dẫn, thu hút nhiều tập đoàn,
doanh nghiệp tiềm năng của nước ngoài vào đầu tư.

Thứ năm, coi trọng cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhân dân. Đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò giám sát của HĐND các cấp, MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ, giải quyết có hiệu quả vấn đề nảy sinh.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí

bacgiang.gov.vn