Sản xuất nông nghiệp Bắc Giang sau một nhiệm kỳ

Lượt xem: 86

Phóng viên Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang đã cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Khái – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hiểu rõ hơn về những khó khăn, thách thức cũng như những thành quả mà ngành Nông nghiệp đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Khái – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang.

PV: Trong 5 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã nỗ lực vượt qua và đạt được nhiều kết quả. Vậy xin ông cho biết những kết quả nổi bật của ngành Nông nghiệp trong nhiệm kỳ qua?

Ông Nguyễn Văn Khái: Trong những năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng được sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và PTNT, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp tiếp tục phát triển toàn diện trên các lĩnh vực theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng bình quân 4%/năm, giá trị sản xuất trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp năm 2015 đạt 86 triệu đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2010.

Cơ cấu ngành Nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, ngoài mục tiêu 5 cây 3 con theo chương trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ngành đã chỉ đạo xây dựng một số vùng sản xuất rau quả hàng hóa tập trung như: Vải thiều Lục Ngạn, lúa thơm Yên Dũng, Lạc giống Tân Yên, Nấm Lạng Giang, Cam đường Canh, Bưởi Diễn Lục Ngạn, Rau cần Hiệp Hòa, Chè Yên Thế, hoa cây cảnh thành phố Bắc Giang. Trong đó, nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập cao từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.

Đặc biệt, Vải thiều Lục Ngạn và Gà đồi Yên Thế là 2 sản phẩm hàng hóa không những có thương hiệu ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Diện tích vải thiều toàn tỉnh 31.000 ha, sản lượng đạt gần 200 nghìn tấn quả tươi, giá trị sản xuất ước đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, doanh thu từ các hoạt động dịch vụ ước đạt 1.700 tỷ đồng, tổng thu từ vải thiều và các hoạt động dịch vụ khoảng 4.600 tỷ đồng. Năm 2015 lần đầu tiên vải thiều tươi Bắc Giang được xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Pháp, Anh, Nhật, Malaysia.

Gà đồi Yên Thế mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 13-15 triệu con gà thương phẩm, mang lại doanh thu 1.500 tỷ đồng. Chất lượng sản phẩm Gà đồi Yên Thế đã từng bước được khẳng định thương hiệu và tạo được vị trí tại nhiều thị trường trong và ngoài nước. Năm 2013, Gà đồi Yên Thế được nhận cúp “Sản phẩm, thực phẩm tốt nhất Đông Nam Á”. Năm 2015 được Viện sở hữu trí tuệ quốc tế trao chứng thư thẩm định sản phẩm Gà đồi Yên Thế đạt Top 10 thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng.

Bên cạnh đó, Đề án sản xuất nấm ăn được triển khai thực hiện có hiệu quả, toàn tỉnh có 9 mô hình sản xuất nấm từ 500 m2 nhà xưởng trở lên, 300 hộ sản xuất nấm có 300m2 lán trại, mỗi năm sản xuất 3.500 tấn nấm các loại, giá trị trên 100 tỷ đồng.

Chăn nuôi thủy sản phát triển, tổng đàn lợn đạt 1,2 triệu con, là một trong hai tỉnh lớn nhất cả nước, đàn gia cầm 16,1 triệu con đứng thứ 4 cả nước, giá trị thu từ chăn nuôi đạt 12.000 tỷ đồng. Diện tích thủy sản 12.200 ha, sản lượng đạt 30.000 tấn, giá trị 1.300 tỷ đồng, đứng thứ 2 trong 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

Do áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong những năm qua, nhiều mô hình lúa cho năng suất, chất lượng cao.

PV: Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình phát triển sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ngành đã gặp phải những khó khăn, thách thức gì thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Khái: Trong quá trình phát triển sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ngành Nông nghiệp phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, đó là: Hội nhập sâu, rộng vào WTO vừa mở ra thị trường rộng lớn, nhưng đồng thời cũng tạo ra sự cạnh tranh gay gắt, quyết liệt giữa các sản phẩm nông sản trong nước với các sản phẩm nông sản ngoại nhập; mặt khác suy giảm kinh tế toàn cầu làm một số thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản bị thu hẹp, không ổn định gây khó khăn cho đầu ra của sản phẩm nông sản.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng lớn tới thời vụ và quy mô sản xuất; tình trạng đất đai manh mún, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi còn thiếu và xuống cấp chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Nhận thức về sản xuất hàng hóa của người dân từng bước được nâng cao, tuy nhiên tư tưởng sản xuất nhỏ lẻ, chưa chú trọng chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn tồn tại trong đại bộ phận người dân làm nông nghiệp; một bộ phận lớn lao động trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và xuất khẩu lao động gây nguy cơ thiếu hụt và già hóa lực lượng lao động sản xuất nông nghiệp. Cùng đó, nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu.

PV: Vậy để khắc phục những khó khăn đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt hiệu quả, trong những năm tiếp theo, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung những giải pháp gì để đạt được điều này, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Khái: Trong những năm tới, sản xuất nông nghiệp có nhiều thuận lợi song vẫn còn những khó khăn, thách thức về thời tiết, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngành Nông nghiệp xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu và thực hiện Đề án tái cơ cấu với các giải pháp:

Một là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về nội dung Đề án, trong đó tập trung thông tin tuyên truyền về các cơ chế, chính sách, Đề án, dự án, các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao để các địa phương học tập rút kinh nghiệm và vận dụng.

Hai là, rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản, nâng cao chất lượng quy hoạch, triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch đã được phê duyệt, tăng cường giám sát thực hiện quy hoạch. Bổ sung quy hoạch theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ba là, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất phù hợp hiệu quả, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Phát triển kinh tế trang trại, doanh nghiệp tư nhân để tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn, chủ trương chuyển khoảng 1.500 ha diện tích cấy lúa không ăn chắc sang trồng cây ăn quả và rau màu có giá trị kinh tế cao.

Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, coi trọng việc sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản, tập trung vào sản xuất Vải thiều VietGap, nâng cao chất lượng đàn Gà đồi Yên Thế.

Sản xuất nông nghiệp hàng hóa đem lại thu nhập cao cho người nông dân.

Bốn là, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm, khuy

ến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến bảo quản và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, hỗ trợ xây dựng phát triển các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh, tuyên truyền quảng bá sản phẩm, gắn kết sản xuất và thị trường để ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Năm là, tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Rà soát điều chỉnh bổ sung các cơ chế chính sách hỗ trợ nông nghiệp nông thôn đã ban hành, xây dựng các cơ chế chính sách mới để thúc đẩy sản xuất, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển Nông nghiệp nông thôn đặc biệt là lĩnh vực chế biến nông, lâm sản.

Sáu là, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp, đổi mới và tăng cường tổ chức quản lý ngành, sắp xếp lại bộ máy, bảo đảm thông suốt chủ động và hiệu quả.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

bacgiang.gov.vn