Sản xuất, tiêu thụ vải thiều: Cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ

Lượt xem: 87
Ông Dương Văn Thái – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.

Ông Dương Văn Thái – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang: Bài học kinh nghiệm cho sản xuất, tiêu thụ vải thiều.

“Thông qua việc tổng kết tiêu thụ vải thiều lần này nhằm mục tiêu đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm không chỉ cho vải thiều mà cho tất cả các sản phẩm nông sản của tỉnh trong thời gian tới. Trước hết, tôi cho rằng phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; tổ chức lại sản xuất theo hình thức Hợp tác xã (HTX), tổ, đội và có sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Quan tâm đến xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường với quan điểm là đa dạng các thị trường, cả thị trường trong nước và nước ngoài, đặc biệt là quan tâm đến thị trường truyền thống và phát triển mở rộng thị trường mới, thị trường cao cấp nước ngoài. Chính quyền các cấp quan tâm tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp (DN) đến thu mua và tiêu thụ vải thiều nói riêng và các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh nói chung, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các DN tiếp cận hàng nông sản. Các cơ quan báo chí đã tích cực tuyên truyền, quảng bá vải thiều.”

Ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn.

Ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn: Việc hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị cho sản xuất, tiêu thụ vải thiều là xu thế tất yếu.

“Trong những năm gần đây, việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều đã tương đối ổn định. Vải thiều đã “tạm” thoát khỏi mặc định “được mùa mất giá”. Tuy nhiên, huyện Lục Ngạn vẫn xác định việc hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị cho sản xuất, tiêu thụ vải thiều là xu thế tất yếu. Thời gian tới, huyện sẽ thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất từ sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình sang DN, HTX; khuyến khích người dân thành lập DN, HTX hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ…

Từ nay đến năm 2018, huyện phấn đấu thành lập được 18 mô hình DN, HTX tại các xã trọng điểm để tạo ra các pháp nhân kinh tế có đủ năng lực và đáng tin cậy tham gia các hoạt động kinh tế có liên quan đến sản xuất và tiêu thụ vải thiều theo xu thế phát triển và hội nhập quốc tế. Trước mắt, trong vụ vải thiều 2017, huyện sẽ tập trung xây dựng 3 mô hình chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại các xã: Hồng Giang, Giáp Sơn và Phượng Sơn có sự tham gia của DN chế biến và tiêu thụ sản phẩm.”

Ông Nguyễn Trí Ngọc – Cố vấn Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc tế (AIC).

Ông Nguyễn Trí Ngọc – Cố vấn Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc tế (AIC): Cần phải nghiên cứu từng bước tổ chức lại thị trường tiêu thụ vải thiều

“Để việc tiêu thụ được thuận lợi, nề nếp, bảo đảm chất lượng văn minh, tiết kiệm chi phí thì tỉnh cần phải nghiên cứu từng bước tổ chức lại thị trường tiêu thụ vải thiều theo hướng thành lập các HTX kiểu mới, Hiệp hội sản xuất vải thiều, doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng tiêu thụ với các HTX sản xuất trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn GlobalGap, VietGap.

Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư, mở rộng diện tích vải thiều đạt tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn GlobaGap, VietGap đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Đầu tư công nghệ bảo quản vải thiều đảm bảo độ tươi, an toàn chất lượng đáp ứng yêu cầu về thời gian vận chuyển và bày bán.”

Ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương.

Ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương: Mở rộng diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, đảm bảo tiêu chuẩn nông sản sạch.

“Trong những năm qua, việc chủ động về thị trường tiêu thụ quả vải, chúng ta đã tránh được tình trạng các thương lái trong và ngoài nước ép giá. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị quả vải, tăng thu nhập và niềm tin cho bà con sản xuất vải, bước đầu hạn chế tình trạng “được mùa mất giá” và ngược lại.

Để tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng doanh thu quả vải ở thị trường trong nước năm 2017 và những năm tiếp theo, tỉnh Bắc Giang cần mở rộng diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, đảm bảo tiêu chuẩn nông sản sạch phục vụ thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường xuất khẩu thường yêu cầu cao tiêu chuẩn này.

Để mở rộng thị trường tiêu thụ quả vải, cần hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản để tăng cường năng lực sản xuất, tạo mối liên kết sản xuất bền vững 4 nhà. Xây dựng các kênh tiêu thụ chủ lực, cấp độ lớn với sự tham gia của các doanh nghiệp nòng cốt.

Ngoài việc tổ chức kết nối tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam thì trong năm tới cần tổ chức kết nối tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên thông qua việc đưa sản phẩm vải thiều vào các hệ thống phân phối, các chợ đầu mối nông sản, trung tâm thương mại và siêu thị lớn tại khu vực này.”./.

bacgiang.gov.vn