Bắc Giang: Ban hành Bộ tiêu chí nông sản hàng hóa cấp tỉnh, giai đoạn 2017 – 2020

Lượt xem: 80

Cụ thể có 05 tiêu chí chung, bao gồm: (1) Sản phẩm có quy mô sản xuất lớn, có giá trị gia tăng cao, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp; có ý nghĩa làm động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển. (2) Khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao. (3) Có tiềm năng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; có khả năng cung ứng cho thị trường với sản lượng lớn, ổn định, lâu dài; có khả năng gắn kết giữa sản xuất với các cơ sở chế biến trong và ngoài tỉnh. (4) Có tính độc đáo riêng của địa phương, có khả năng trở thành sản phẩm hàng hóa mang đặc trưng riêng của tỉnh Bắc Giang, được cấp chỉ dẫn địa lý, bảo hộ nhãn hiệu. (5) Có khả năng kết nối với sản phẩm cùng loại của các tỉnh trong vùng và trong nước để tham gia xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ tiêu chí cũng nêu rõ 05 tiêu chí cụ thể để đánh giá và tính điểm, bao gồm: (1) Tiêu chí về tổ chức sản xuất (quy mô sản xuất; khả năng áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để tạo ra sản phẩm với số lượng lớn, chất lượng cao; mô hình sản xuất tập trung; tham gia chuỗi liên kết giá trị sản phẩm). (2) Tiêu chí về chất lượng, thương hiệu sản phẩm (sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; sản phẩm được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; bao bì, nhãn mác sản phẩm; sản phẩm có truy xuất nguồn gốc; sản phẩm có tính truyền thống). (3) Tiêu chí về thị trường tiên thụ (sản phẩm được tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước; về khả năng xuất khẩu; khả năng cạnh tranh trên thị trường). 4. Tiêu chí về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường (khả năng thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển; hiệu quả xã hội, được thể hiện qua việc làm cho người lao động và các khoản đóng góp xã hội, từ thiện; hiệu quả về môi trường). (5) Các hình thức được vinh danh và ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất (các giải thưởng đã được vinh danh; về chấp hành chính sách, pháp luật).

Như vậy, theo Bộ tiêu chí: Nông sản hàng hóa đáp ứng tiêu chí chung và đạt số điểm từ 70 điểm trở lên (theo 05 tiêu chí đánh giá cụ thể) sẽ được công nhận là nông sản hàng hóa cấp tỉnh.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện công bố và hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 730/QĐ-UBND ngày 27/10/2017; tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển thương hiệu nông sản hàng hóa Cấp tỉnh, giai đoạn 2017 – 2020; hằng năm, rà soát, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh sách các sản phẩm đạt tiêu chí nông sản hàng hóa cấp tỉnh.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp tổ chức, chỉ đạo sản xuất nông sản hàng hóa cấp tỉnh, giai đoạn 2017 – 2020; chỉ đạo các địa phương áp dụng biện pháp tổ chức sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, bao gói, bảo quản; xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản hàng hóa cấp tỉnh. UBND các huyện, thành phố: Căn cứ các tiêu chí xác định nông sản hàng hóa cấp tỉnh giai đoạn 2017 – 2020, đề ra chủ trương, biện pháp phát triển sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn; phối hợp với Sở Công Thương xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh, giai đoạn 2017 – 2020./.

(Sở Công Thương Bắc Giang)