Phòng dịch bệnh tả lợn châu Phi: Quyết liệt nhưng không hoang mang

Lượt xem: 94
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải cùng đoàn công tác trao đổi với người dân thôn Đông, xã Lương Phong (Hiệp Hòa) về tình hình phòng, chống dịch bệnh.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải cùng đoàn công tác trao đổi với người dân thôn Đông, xã Lương Phong (Hiệp Hòa) về tình hình phòng, chống dịch bệnh.

Đường làng, nơi công cộng được khử trùng

Điểm đầu đoàn công tác đến thăm là thôn Đông, xã Lương Phong. Ngay lối rẽ vào làng được rắc vôi bột trắng xóa. Một số người có trách nhiệm trong thôn đang tiếp tục phun dung dịch khử trùng tại nơi công cộng, điểm bán quầy thịt lợn tươi sống. Đi qua hố khử trùng, đoàn đến hộ anh Hà Văn Đạt, chủ hộ chăn nuôi trong thôn. Hiện nay gia đình anh duy trì 30 con lợn nái và 80 lợn thịt. Không chỉ dịp này mà nhiều năm qua, anh luôn tuân thủ quy trình phòng bệnh cho vật nuôi.

Ngoài dọn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, định kỳ anh tiêm phòng các loại vắc-xin thông thường cho lợn như: Lở mồm long móng, suyễn, tai xanh. Vì vậy, đàn lợn luôn khỏe mạnh, lớn nhanh. Trong điều kiện bệnh dịch tả lợn châu Phi nguy cơ cao lây nhiễm vào đàn lợn của gia đình như hiện nay, anh Đạt tăng số lần phun dung dịch khử trùng và lượng vôi bột mỗi tuần.

Đường làng thôn Đông, xã Lương Phong được rắc vôi bột khử trùng.

Đường làng thôn Đông, xã Lương Phong được rắc vôi bột khử trùng.

Tương tự, hộ bà Trần Thị Thúy cùng thôn đang nuôi 120 con lợn bột. Tường vây, cửa nhốt lợn cũng được phun hóa chất và rắc vôi. Trao đổi với đoàn công tác, bà Thúy cho biết, khi nghe thông tin có bệnh dịch tả lợn châu Phi, bà không khỏi lo lắng. Được cán bộ chuyên môn hướng dẫn cách phòng dịch, giờ đây bà yên tâm hơn. Bà Thúy đề xuất ngành chức năng kiểm soát, ngăn chặn không để bệnh từ nơi khác lây nhiễm vào địa bàn.

Được biết, tổng đàn lợn của xã Lương Phong hiện là hơn 13 nghìn con. Đại diện lãnh đạo xã thông tin, lo ngại dịch bệnh xuất hiện, nhiều hộ đã bỏ trống chuồng. Điều này ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân trong xã. Để bảo vệ sản xuất, giảm thiệt hại cho người dân, xã đã thành lập các ban chỉ đạo, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chỉ đạo của cấp trên về phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, đàn lợn của xã vẫn an toàn.

Phun hóa chất phòng dịch tại xã Lương Phong.
Phun hóa chất phòng dịch tại xã Lương Phong.

Xã Danh Thắng có tổng đàn lợn hơn 11 nghìn con, công tác phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng được triển khai tương đối tốt. Xã công bố điện thoại đường dây nóng, sử dụng hơn 4 tấn vôi bột và hàng chục lít hóa chất phun ở nơi công cộng. Những người chăn nuôi chủ động biện pháp bảo vệ đàn lợn của gia đình.

Điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Phúc, thôn Đại Đồng 1. Chăn nuôi gần 400 con lợn, giảm một nửa so với trước, ông Phúc luôn nắm bắt tình hình thị trường ra, vào đàn hợp lý. Những lợn đủ tuổi đều được xuất chuồng vào thời điểm giá cao, đồng thời thải loại một số lợn nái sinh sản kém.

Không để xảy ra dịch bệnh

Rắc vôi bột trên đường làng tại xã Mai Đình (Hiệp Hòa).
Rắc vôi bột trên đường làng tại xã Mai Đình (Hiệp Hòa).

Hiệp Hòa là một trong những huyện trọng điểm về chăn nuôi lợn của tỉnh với tổng đàn hơn 110 nghìn con. Đến ngày 13-3, huyện đã cấp hơn 780 lít hóa chất và rắc gần 100 tấn vôi bột cho toàn bộ 26 xã; lập các chốt kiểm soát tại các tuyến đường lưu thông sang tỉnh Thái Nguyên. Một số lợn ốm, chết rải rác tại xã Mai Đình, Hoàng Vân, Hòa Sơn, Thái Sơn do bệnh thông thường đã được hướng dẫn chữa trị, tiêu hủy bảo đảm quy trình.

Hiện huyện tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt, duy trì thường xuyên biện pháp phòng, chống dịch động vật. Xem xét, tiêu hủy lợn ốm không rõ nguyên nhân nhằm ngăn chặn tối đa lây lan mầm bệnh; đề nghị các bếp ăn tập thể, cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống ký cam kết không sử dụng sản phẩm từ lợn không có nguồn gốc, không qua kiểm dịch.

Phun thuốc khử trùng cho phương tiện qua chốt kiểm soát tại xã Đồng Tân (Hiệp Hòa).
Phun thuốc khử trùng cho phương tiện qua chốt kiểm soát tại xã Đồng Tân (Hiệp Hòa).

Trò chuyện với chủ hộ chăn nuôi, nắm bắt tình hình thực tế tại địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải ghi nhận công tác ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi của huyện và người dân trong huyện; đồng thời động viên người dân tiếp tục duy trì chăn nuôi an toàn sinh học, sáng tạo trong sản xuất để đạt hiệu quả cao.

dịch tả lợn châu Phi, Bí thư Tỉnh ủy, Bùi Văn Hải

Bệnh dịch tả lợn châu Phi không thể ngăn chặn trong một sớm, một chiều mà cần phải kiên trì, thường xuyên; thật sự bình tĩnh, không được hoang mang. Tuyên truyền sao cho người dân hiểu, hợp tác cùng vào cuộc, không để một người ảnh hưởng đến nhiều người”.


Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải.

Đồng chí nhấn mạnh, Hiệp Hòa là một trong những địa phương của tỉnh có nguy cơ cao đàn lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi do địa bàn giáp ranh là Thái Nguyên đã công bố dịch. Đây là bệnh nguy hiểm, có thể tiêu diệt nghề chăn nuôi lợn nếu không được ngăn chặn, phòng ngừa tốt. Khi vật nuôi nhiễm bệnh thì nguồn thực phẩm khan hiếm, tác động xấu đến đời sống người dân và phát triển KT-XH của tỉnh.

Do vậy, phải giữ ổn định sản xuất, không để xảy ra dịch bệnh. Bệnh không thể ngăn chặn trong một sớm, một chiều mà cần phải kiên trì, thường xuyên; thật sự bình tĩnh, không được hoang mang. Tuyên truyền sao cho người dân hiểu, hợp tác cùng vào cuộc, không để một người ảnh hưởng đến nhiều người.

Ngành nông nghiệp, huyện phối hợp thực hiện hiệu quả các biện pháp, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi. Khi xuất hiện lợn ốm, chết cần khẩn trương bao vây ổ bệnh, xử lý kịp thời. Riêng việc tiêu hủy phải bảo đảm vệ sinh môi trường, không để kế phát ô nhiễm đến nguồn nước, không khí.

Nguồn baobacgiang.com.vn