Lục Ngạn cần tập trung cứng hóa đường giao thông, tiêu thụ vải thiều và vệ sinh phòng bệnh cho vật nuôi

Lượt xem: 111
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải khảo sát thực tế tại thôn Ngọt, xã Hồng Giang (Lục Ngạn).

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải khảo sát thực tế tại thôn Ngọt, xã Hồng Giang (Lục Ngạn).

Lan tỏa phong trào cứng hóa đường giao thông nông thôn

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác đã đến thôn Muối, xã Giáp Sơn kiểm tra tuyến đường giao thông nông thôn trong thôn vừa được cứng hóa, mở rộng đưa vào sử dụng. Tuyến đường dài hơn một km, mặt rộng 7 m, được đổ bê tông, thay thế cho con đường đất đỏ, nhỏ hẹp trước kia. Công trình được làm bằng nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh, người dân trong thôn đóng góp bình quân 6 triệu đồng/hộ.

Cũng như thôn Muối, nhiều thôn trên địa bàn huyện Lục Ngạn cũng tích cực góp tiền, góp sức cứng hóa, mở rộng đường với tổng chiều dài hơn 770 km, đạt khoảng 52% tổng chiều dài đường thôn.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, hiện nay, toàn huyện còn gần 700 km đường thôn, xóm còn lại vẫn là đường cấp phối, đường đất. Nhiều tuyến đường nhỏ, hẹp, xuống cấp khiến người dân đi lại khó khăn. Hiện nay, huyện đang tập trung cao chỉ đạo các xã tổ chức cứng hóa những tuyến đường thôn, xóm, phấn đấu hết năm nay tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn toàn huyện đạt khoảng 75%.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình đề nghị UBND tỉnh có chính sách đặc thù hỗ trợ địa phương đầu tư, cải tạo, mở mới một số tuyến đường giao thông trên địa bàn; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách giao thông cấp xã.

Qua nắm bắt kết quả cứng hóa đường giao thông trên địa bàn huyện, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải nhấn mạnh, việc cứng hóa, mở rộng đường nhằm giúp người dân đi lại, lưu thông hàng hóa thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhất là những xã vùng khó khăn.

Cùng với nguồn xi măng của tỉnh hỗ trợ, đồng chí yêu cầu huyện Lục Ngạn tăng cường chỉ đạo các xã làm tốt công tác vận động nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công cứng hóa đường. Trong đó quan tâm phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền thôn đi đầu trong hiến đất, góp tiền, ngày công để mở rộng đường. Từ đó tạo thành phong trào, lan tỏa sâu rộng.

Đồng chí Bùi Văn Hải, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra một số tuyến đường giao thông nông thôn tại thôn Muối, xã Giáp Sơn

Đồng chí Bùi Văn Hải, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra một số tuyến đường giao thông nông thôn tại thôn Muối, xã Giáp Sơn

Đi liền với cứng hóa đường thôn, xóm, nhằm tránh tình trạng đường phố xấu hơn đường làng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện Lục Ngạn quan tâm vận động người dân cứng hóa đường nội thị bảo đảm khang trang, sạch sẽ.

Quan tâm vệ sinh môi trường, đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải thăm mô hình nuôi chim bồ câu của gia đình Hoàng Văn Bảo, thôn Ngọt, xã Hồng Giang.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải thăm mô hình nuôi chim bồ câu của gia đình Hoàng Văn Bảo, thôn Ngọt, xã Hồng Giang.

Trong chương trình kiểm tra thực tế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đến thăm hộ ông Hoàng Văn Bảo, thôn Ngọt, xã Hồng Giang. Qua trao đổi với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, ông Bảo cho biết, trong tháng 4 vừa qua, toàn bộ đàn lợn của gia đình ông bị bệnh dịch tả lợn châu Phi, chết hàng loạt, gây thiệt hại đáng kể về kinh tế. Mới đây, để tiếp tục phát triển chăn nuôi, gia đình ông Bảo đã chuyển hướng sang nuôi chim bồ câu thương phẩm.

Tại đây, đồng chí Bùi Văn Hải đã động viên gia đình, đồng thời đề nghị xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn quan tâm hướng dẫn các hộ chăn nuôi lợn bị thiệt hại làm tốt công tác vệ sinh môi trường, chôn hủy lợn chết đúng quy trình, phun hóa chất tiêu diệt mầm bệnh. Đặc biệt là khu vực chuồng trại chăn nuôi, ổ dịch cũ, cống rãnh thoát nước… vì mầm bệnh có thể tồn tại trong nhiều tháng.

Đồng chí Bùi Văn Hải cũng nhấn mạnh, đến nay bệnh dịch tả lợn châu Phi khiến hơn 36 nghìn con lợn của Lục Ngạn chết, phải chôn hủy. Tới đây, khi hết dịch bệnh, người dân tái đàn sẽ gặp khó khăn về con giống. Vì vậy, trước mắt huyện Lục Ngạn cần tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch bệnh, giữ gìn vệ sinh môi trường gắn với bảo vệ đàn lợn nái.

Đồng chí đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh cơ chế bảo vệ đàn lợn nái trong tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải thăm mô hình sản xuất vải thiều tại xã Giáp Sơn

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải thăm mô hình sản xuất vải thiều tại xã Giáp Sơn

Đối với công tác sản xuất, tiêu thụ vải thiều, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ, huyện Lục Ngạn cần có kế hoạch cơ cấu ổn định diện tích vải thiều, coi đây là cây trồng thế mạnh. Huyện tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn tuyên truyền, phổ biến để người dân từng bước mở rộng diện tích sản xuất vải theo quy trình VietGAP, GlolalGAP, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Vụ vải thiều năm nay, huyện Lục Ngạn cần đánh giá chính xác sản lượng. Từ đó khai thác tối đa cả thị trường trong nước và xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Liền với đó, huyện làm tốt công tác bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân người nước ngoài nhập cảnh vào địa phương thu mua, chế biến, tiêu thụ vải thiều.

Nguồn baobacgiang.com.vn