Bắc Giang: Tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng tăng chất lượng, giá trị

Lượt xem: 100

100% sử dụng giống lúa có phẩm cấp

Sau nhiều năm nỗ lực thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo, đến nay, cơ cấu giống lúa có sự thay đổi mạnh mẽ, các giống lúa cũ có năng suất thấp, chất lượng thấp được thay thế bằng các giống lúa lai, lúa chất lượng có năng suất cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Lợi nhuận của người trồng lúa đạt khoảng 42 triệu đồng/ha/vụ, sau khi trừ mọi chi phí vật tư, công lao động thì người trồng còn lãi khoảng 15-17 triệu đồng/ha/vụ, bằng 35-40% so với tổng thu. Tỷ lệ sử dụng giống lúa có phẩm cấp đạt 100%; lượng giống gieo cấy bình quân từ 25-30 kg/ha tùy điều kiện cụ thể của từng vùng. Tỷ lệ áp dụng quy trình canh tác bền vững IPM, 3 giảm, 3 tăng, nông lộ phơi, SRI… đạt 55% diện tích gieo cấy. Bình quân tổn thất sau thu hoạch lúa trong sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh ước 9-10%.

Giải pháp

Những kết quả trên đã góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân, tuy nhiên, tái cơ cấu vẫn chưa tạo được chuyển biến rõ rệt. Tại nhiều vùng, ruộng đất sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn cho đầu tư sản xuất tập trung với quy mô lớn cũng như đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Việc liên kết giữa các doanh nghiệp và người nông dân thông qua hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa, gạo sau thu hoạch vẫn còn hạn chế. Thu nhập từ sản xuất lúa gạo vẫn còn thấp so với các ngành nghề khác.

Do vậy, đối với tái cơ cấu ngành lúa gạo của tỉnh đã đề giải pháp: Hàng năm duy trì diện tích lúa khoảng 130 nghìn ha, trong đó vụ Xuân trên 49 nghìn ha, vụ mùa trên 53 nghìn ha. Bảo vệ chặt chẽ diện tích lúa hai vụ, đồng thời chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu, thực phẩm, cây ăn quả, thủy sản để nâng cao hiệu quả sản xuất. Quy hoạch sản xuất lúa theo vùng, khuyến khích dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu, trong đó: hỗ trợ kinh phí chỉnh trang lại đồng ruộng và cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn đổi, hỗ trợ mua máy cơ giới hóa, đầu tư xây dựng hạ tầng khu vực sản xuất.

Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện dồn đổi được 17 nghìn ha, xây dựng 163 mô hình cánh đồng mẫu. Từ đó, hình thành các vùng sản xuất tập trung với quy mô trên 20 ha/vùng, đồng bộ giống, quy trình chăm sóc, cơ giới hóa làm đất và thu hoạch, góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.

Đối với cơ cấu giống, mở rộng diện tích lúa thuần chất lượng có năng suất cao, chất lượng tốt; ổn định diện tích lúa lai tại các chân đất phụ hợp theo điều kiện cụ thể của từng địa phương. Hiện nay, cơ cấu lúa thuần chiếm khoảng 93%, (trong đó, lúa thuần chất lượng khoảng 40%), lúa lai khoảng 3%. Các giống lúa thuần chất lượng đang được gieo cấy chủ yếu là Khang dân 18, BC15, TBR225, Thiên ưu 8, P6ĐB…; các giống lúa lai chủ yếu BTE-1, CL270, LC25, Kim ưu 18…

Mục tiêu đến 2030

Năm 2020, toàn tỉnh có kế hoạch sản xuất 102 nghìn ha lúa, năng suất đạt 58 tạ/ha, sản lượng 591 nghìn tấn. Đến năm 2025, diện tích lúa 100 nghìn ha, năng suất đạt 59,5 tạ/ha, sản lượng 595 nghìn tấn; trong đó diện tích lúa chất lượng 48 nghìn ha, năng suất 61 tạ/ha, sản lượng 292,8 nghìn tấn. Năm 2030, phấn đấu giữ diện tích lúa đạt 98 nghìn ha, năng suất 60 tạ/ha, sản lượng 588 nghìn tấn; trong đó diện tích lúa chất lượng tăng lên 55 nghìn ha, năng suất phấn đấu đạt 62 tạ/ha, sản lượng 341 nghìn tấn.

Ngoài ra, nông dân trồng lúa đang rất thiếu kiến thức thị trường. Do đó, cần tập trung nâng cao nhận thức về sản xuất hàng hóa cho người trồng lúa. Đồng thời xây dựng mối liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với nhau từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Nguồn: khuyennongvn