Tân Yên liên kết sản xuất theo chuỗi, tăng giá trị nông sản

Lượt xem: 94

Hình thành chuỗi sản xuất

HTX Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Minh Quang, xã Ngọc Thiện thành lập, đi vào hoạt động từ 3 năm trước. Từ đó đến nay, HTX luôn là cầu nối liên kết giữa người dân ở các xã: Ngọc Vân, Việt Ngọc, Lan Giới, Phúc Sơn, Ngọc Thiện… với Công ty cổ phần Chế biến nông sản xuất khẩu Hải Dương (Hải Dương) và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Toàn Cầu (Lục Ngạn) để sản xuất ngô ngọt Việt Thái.

Nông dân xã Ngọc Thiện (Tân Yên) chăm sóc ngô ngọt.

Nông dân xã Ngọc Thiện (Tân Yên) chăm sóc ngô ngọt.

Theo ông Vũ Văn Lượng, Giám đốc HTX, trước mỗi vụ sản xuất, đơn vị ký hợp đồng với DN cung ứng trước giống, phân bón, bao tiêu ngô ngọt cho người dân. Để cây trồng bảo đảm năng suất, chất lượng, HTX phối hợp chặt chẽ với DN tập huấn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cho bà con tại các vùng tập trung quy mô 20-50 ha/vùng. Với cách làm này, từ đầu năm đến nay, HTX thu mua toàn bộ sản phẩm theo hợp đồng đã ký khoảng 2 nghìn tấn, trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng.

Mỗi năm, gia đình bà Phan Thị Tuyến, thôn Đồng Lạng, xã Ngọc Thiện liên kết với DN, HTX trồng 1 ha ngô ngọt, mỗi năm thu hoạch 3 vụ, năng suất 500 – 600 kg/sào, với giá bán bình quân 7 nghìn đồng/kg, thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Nhiều hộ khác như: Nguyễn Hữu Thiện, thôn Đồng Lạng; Nguyễn Văn Quyết, thôn Thọ Điền 2, xã Ngọc Thiện trồng 0,5 ha ngô ngọt cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Được biết, ở Tân Yên mỗi năm người dân trồng gần 1,3 nghìn ha ngô ngọt, cơ bản diện tích này đều được thu mua theo hợp đồng đã ký kết. Tương tự, HTX Sản xuất và tiêu thụ Lâm Sinh, xã Ngọc Châu liên kết với DN hỗ trợ người dân ở xã Ngọc Châu, Lan Giới… sản xuất 30 ha măng lục trúc, bình quân mỗi ha trị giá hơn 1,7 tỷ đồng/năm.

Toàn huyện có 20 HTX nông nghiệp và HTX dịch vụ nông nghiệp đứng ra liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho người dân. Thay vì sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm như trước đây, nay người dân liên kết với HTX, DN sản xuất nông sản quy mô lớn, tạo ra vùng nguyên liệu tập trung. Hoạt động sản xuất dần thực hiện theo chuỗi liên kết với các loại cây chủ lực như: Ngô ngọt, khoai tây, dưa chuột, ớt…

Bà Đào Thu Phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, việc hình thành mô hình liên kết giữa DN với nông dân thông qua các HTX không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao mà còn xây dựng được chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, qua đó giải bài toán “được mùa, mất giá”.

Khuyến khích nhân rộng

Từ những mô hình liên kết sản xuất, đến nay huyện Tân Yên đã hình thành 78 vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với các loại cây thế mạnh, quy mô từ 5 đến vài chục ha/vùng. Năm nay, các nông sản chủ lực đặc trưng của huyện được trồng trên diện tích khoảng 2 nghìn ha, tăng 700 ha so với 5 năm trước.

Việc nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất đã góp phần nâng thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác năm 2020 của huyện ước đạt 155 triệu đồng/ha, tăng 62 triệu đồng/ha so với năm 2015.

Việc nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất đã góp phần nâng thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác năm 2020 của huyện ước đạt 155 triệu đồng/ha, tăng 62 triệu đồng/ha so với năm 2015. Theo đó, giá trị sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 3,7 nghìn tỷ đồng, tăng gần 900 tỷ đồng so với 5 năm trước đây.

Có được kết quả trên là do căn cứ lợi thế của từng xã, thị trấn và tập quán canh tác của người dân, địa phương quy hoạch thành các vùng sản xuất tập trung. Để người dân sản xuất thuận lợi, đưa giống cây trồng có năng suất vào sản xuất, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực vận động người dân dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu. Các phòng chuyên môn chuyển giao kỹ thuật sản xuất an toàn cho nông dân.

Đặc biệt, để thu hút các hộ dân cùng tham gia sản xuất thành vùng, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX thành lập mới để làm tốt vai trò cầu nối trong liên kết sản xuất, ký hợp đồng bao tiêu nông sản. Giai đoạn 2017 – 2020, UBND huyện bố trí hơn 6 tỷ đồng hỗ trợ các DN, HTX, chủ trang trại, gia đình ứng dụng công nghệ cao, xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.

Theo đó, địa phương hỗ trợ mỗi HTX thành lập mới, ứng dụng công nghệ cao 20 triệu đồng; mỗi mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới 70 triệu đồng; vùng cây ăn quả hỗ trợ từ 35-70 triệu đồng/vùng để lắp đặt hệ thống tưới tự động nhỏ giọt, phân bón…

Ngoài ra, địa phương hỗ trợ Ban điều hành thôn chỉ đạo sản xuất tại cánh đồng mẫu, vùng sản xuất rau quả chế biến từ 5 ha trở lên, vùng sản xuất rau quả thực phẩm từ 7 ha trở lên mức từ 3-5 triệu đồng/vụ/năm.

Điểm mới năm nay đó là bằng nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ, huyện đang thực hiện 6 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như trồng ngô ngọt; rau quả chế biến ở xã Ngọc Thiện; khoai tây tại xã Đại Hóa; măng lục trúc, xã Lan Giới quy mô 10-60 ha/mô hình và hoa công nghệ cao ở xã Phúc Sơn. Tại những mô hình này đều có HTX ký hợp đồng với DN cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu nông sản cho người dân.

Nguồn: baobacgiang.com.vn