Không chủ quan, lơ là với dịch tả lợn châu Phi

Lượt xem: 110

Nguy cơ bùng phát dịch cao

Thời điểm này, dù người nuôi lỗ bình quân khoảng 1,4 triệu đồng/tạ lợn hơi nhưng hộ ông Nguyễn Quang Tiến, Tổ dân phố Xuân Lan, thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) vẫn tích cực chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn lợn hơn 30 con đã đến kỳ xuất bán. Trước cổng nhà, xung quanh khu chuồng trại luôn phủ kín vôi bột để ngăn mầm bệnh. Ông chia sẻ: “Năm 2019, gia đình tôi có 19 con lợn bị chết do mắc DTLCP, thiệt hại hơn 40 triệu đồng. Rút kinh nghiệm và để tránh thêm thiệt hại vì giá lợn xuống thấp, tôi phun hóa chất khử trùng ít nhất 1 lần/tuần để ngăn mầm bệnh xâm nhập”.

Ông Nguyễn Quang Tiến phun hoá chất khử trùng khu vực chăn nuôi.

Ông Nguyễn Quang Tiến phun hoá chất khử trùng khu vực chăn nuôi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang, thời gian qua, Chi cục đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hóa chất cho chủ nuôi phòng, chống dịch. Do đó, không chỉ hộ ông Tiến mà hầu hết các hộ chăn nuôi lợn trong tỉnh đều tích cực phòng, chống các loại dịch bệnh như: Lở mồm long móng, tai xanh, đặc biệt là bệnh DTLCP.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh, xã Danh Thắng (Hiệp Hòa) chia sẻ: “Để bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho khách đã hợp đồng, cùng với chú trọng tiêu độc, khử trùng chuồng trại, HTX còn yêu cầu các thành viên, hộ liên kết chăn nuôi giữ đủ khẩu phần ăn nhằm tăng sức đề kháng, phòng dịch cho đàn lợn, duy trì chuỗi sản xuất hoạt động hiệu quả”.

Tuy nhiên, trong khi các chủ chăn nuôi tích cực bảo vệ đàn lợn trước dịch bệnh lại có không ít người lén lút, buôn bán, vận chuyển lợn từ các vùng dịch về Bắc Giang tiêu thụ. Theo thống kê, chỉ trong quý III năm nay, Đoàn liên ngành cơ động phòng, chống dịch động vật tỉnh đã phát hiện, xử lý 22 vụ vi phạm, trong đó có các vụ vi phạm liên quan đến vận chuyển động vật, sản phẩm động vật mắc bệnh DTLCP. Do vậy, nguy cơ bệnh DTLCP xâm nhiễm, tái phát rất cao.

Đơn cử, hồi 17 giờ, ngày 11/8, tại đường CT03 thuộc địa phận xã Quang Châu (Việt Yên), Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát: 99C-201.43 do anh Nguyễn Quang T. (SN 1992), trú tại xã Đức Giang (Yên Dũng) điều khiển. Chủ hàng là chị Thân Thị T. (SN1984), trú tại xã Tân Liễu (cùng huyện). Trên xe vận chuyển 30 con lợn. Chủ hàng khai nhận, số lợn trên mua từ xã Đông Cường, huyện Đông Hưng (Thái Bình) về Bắc Giang tiêu thụ. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho thấy số lợn trên dương tính với vi rút DTLCP. Đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chị T 14 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ số lợn.

Chủ động ngăn chặn, phòng, chống dịch

Để phòng, chống dịch hiệu quả, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Mục đích làm hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh xảy ra, góp phần sản xuất chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững. Tổng kinh phí thực hiện hơn 4,5 tỷ đồng, trong đó có hơn 527 triệu đồng đối ứng của các chủ nuôi.

Bắc Giang có tổng đàn lợn hơn 942,45 nghìn con. Từ đầu năm đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 1.498 xã thuộc 50 tỉnh, TP trong cả nước, buộc tiêu hủy hơn 93,26 nghìn con lợn.

Ông Hoàng Văn Dư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang cho biết, thực hiện kế hoạch này, cùng với tiêm phòng vắc-xin, các địa phương phối hợp với Chi cục siết chặt việc kê khai, quản lý hoạt động vận chuyển lợn từ Bắc Giang ra ngoài tỉnh. Theo đó, một trong những điều kiện trước khi chủ trang trại, cơ sở chăn nuôi được cấp giấy kiểm dịch xuất lợn ra ngoại tỉnh là đàn lợn phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với vi rút DTLCP. Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã phối hợp xét nghiệm hơn 11,8 nghìn mẫu bệnh phẩm, kết quả, 100% mẫu đều âm tính.

Ngày 15/10, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT; các cơ quan liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Trong đó, chú trọng phòng, chống DTLCP. Bởi lẽ, theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong thời gian tới, nguy cơ phát sinh và lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi là rất cao.

Nguyên nhân là do thời gian vừa qua các địa phương phải tập trung chống dịch Covid-19 nên chưa làm tốt khâu phòng, chống dịch cho đàn vật nuôi. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, DTLCP đã xảy ra tại 1.498 xã thuộc 50 tỉnh, TP, buộc tiêu hủy hơn 93,26 nghìn con lợn. Cùng với DTLCP, các bệnh nguy hiểm như: Viêm da nổi cục trâu bò, lở mồm long móng, cúm gia cầm… xảy ra trên diện rộng, gây tổn thất hơn 2 nghìn tỷ đồng.

Để sản xuất chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn tiếp tục đạt hiệu quả, bền vững đòi hỏi chính quyền các địa phương, đơn vị, ngành chức năng, các chủ nuôi lợn không được chủ quan, lơ là phòng dịch. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn nhiễm bệnh, lợn không rõ nguồn gốc vào địa bàn Bắc Giang. Đồng thời tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là DTLCP.

Nguồn: baobacgiang.com.vn