Nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý cho nông dân trong tình hình mới

Lượt xem: 79

Năm 2014, hoạt động tư vấn và giải quyết yêu cầu trợ giúp pháp lý tại trụ sở được duy trì thường xuyên, từ đầu năm đến 31/12/2014, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (sau đây gọi tắt là Trung tâm) đã tư vấn và giải quyết 124 yêu cầu trợ giúp pháp lý cho các đối tượng thuộc diện có nhu cầu. Cùng với đó, hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động được đẩy mạnh và tăng cường, trong đó tập trung tăng cường ở các xã, thị trấn vùng khó khăn và các xã, thị trấn vùng sâu, vùng xa, từ 01/01/2014 đến 31/12/2014, Trung tâm đã tổ chức 135 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại thôn, bản các xã, thị trấn trên địa bàn; tiếp nhận, tư vấn và giải quyết 919 yêu cầu trợ giúp pháp lý các đối tượng được trợ giúp pháp lý và người dân có nhu cầu.

Nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng người dân thuộc diện được trợ giúp pháp lý, công tác phối hợp với các Văn phòng Luật sư, Luật sư Cộng tác viên của Trung tâm và Trợ giúp viên pháp lý thực hiện tốt, công tác đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tiến hành tố tụng được Trung tâm quan tâm chú trọng, từng bước đưa hoạt động này trở thành phương tiện quan trọng trong công tác trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng thuộc diện chính sách. Tính đến 31/12/2014, Trung tâm đã thụ lý 99 vụ việc (trong đó: số vụ việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: 38 vụ việc; số vụ việc bào chữa: 58 vụ việc; đại diện ngoài tố tụng: 03 vụ việc).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, trong quá trình hoạt động trợ giúp pháp lý còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc sau:

Thứ nhất, nhận thức về trợ giúp pháp lý còn nhiều hạn chế: có bộ phận đáng kể người dân chưa hiểu hết ý nghĩa và mục đích của hoạt động trợ giúp pháp lý hoặc biết chung chung rằng trợ giúp pháp lý là hoạt động miễn phí do Nhà nước thực hiện. Khó khăn này, một phần cũng là do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý còn chưa cao, vẫn còn một bộ phận cán bộ chưa thực sự nhiệt tình phổ biến, cung cấp thông tin nên đã dẫn đến việc người dân không hiểu hoặc hiểu không đầy đủ về hoạt động trợ giúp pháp lý.

Thứ hai, đội ngũ cán bộ, chuyên viên ở các trung tâm trợ giúp pháp lý còn thiếu về số lượng, thiếu kỹ năng và kinh nghiệm trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý. Thực tế cho thấy, đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý chưa ổn định, việc bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý chưa được đầu tư xứng đáng: nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp pháp lý phát triển chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Hiện nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Giang có 21 biên chế, trong đó có 2 lãnh đạo, 09 trợ giúp viên pháp lý. Nhìn chung, đội ngũ chuyên viên, trợ giúp viên của trung tâm còn khá trẻ về tuổi đời cũng như kinh nghiệm làm việc. Do đó, việc tư vấn pháp luật và tham gia tranh tụng cho nông dân thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý còn gặp nhiều khó khăn.

Để công tác trợ giúp pháp lý cho người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý ngày càng đạt hiệu quả, đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn cuộc sống thì phải có những sự thay đổi sau:

Một là, nâng cao nhận thức về trợ giúp pháp lý

Để nâng cao nhận thức của cán bộ các cơ quan, tổ chức về hoạt động trợ giúp pháp lý và nhận thức của người dân về quyền được trợ giúp pháp lý, cần phải lắp đặt bảng thông tin, hộp tin về trợ giúp pháp lý, biên soạn in ấn, phát hành cuốn sổ tay pháp luật, tờ rơi pháp luật. Hoạt động truyền thông còn được thực hiện qua các chuyên trang, chuyên mục trên đài phát thanh – truyền hình, báo chí, lồng ghéo trong các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý lưu động. Ngoài việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như xây dựng chuyên mục tư vấn, giải đáp pháp luật trên báo chí và đài phát thanh, truyền hình để mọi người đều biết, hòm thư trợ giúp nơi công cộng; thành lập câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, cần có sự nghiên cứu và đầu tư hơn nữa vào việc thiết kế các chương trình, nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân cần căn cứ vào đặc điểm tâm lý và khả năng tiếp thu của họ.

Hai là, nâng cao năng lực hoạt động của các chuyên viên, trợ giúp viên pháp lý

Cần xây dựng chương trình kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức pháp luật mới, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho tất cả các chuyên viên, trợ giúp viên thực hiện trợ giúp pháp lý. Đồng thời cần nâng cao trình độ của chuyên viên, cộng tác viên thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý như các kỹ năng tiếp cận đối tượng, kỹ năng tư vấn pháp luật, kỹ năng tranh tụng…

Lê Đình Vĩ

Phó Giám đốc Sở Tư pháp