Bãi bỏ những chính sách ràng buộc nông nghiệp, nông thôn

Lượt xem: 81
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị
Thủ tướng Chính phủ cho biết đã đọc rất kỹ báo cáo của Bộ NNPTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trình bày, qua đó cho thấy ngành nông nghiệp đang còn rất nhiều công việc ngổn ngang. Một là tỷ lệ người dân sống ở nông thôn vẫn còn quá lớn, chiếm tới 60% dân số, đặc biệt là 40% lao động ở nông thôn vẫn làm nông nghiệp.

Hai là năm nay thiên tai, nhân tai xảy ra quá nặng nề, làm mất đi 1,7 tỷ USD, gần 1% GDP của nước ta. Có thể nói, chưa bao giờ thiên tai ảnh hưởng dồn dập đến như vậy.

Trong bối cảnh khó khăn, nông nghiệp vẫn tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, đóng góp chủ lực cho đời sống người dân. Đặc biệt nông nghiệp đã mang về kim ngạch 32,1 tỷ USD cho đất nước, trong đó có 10 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.

Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề. Một là hạn điền đang kìm hãm phát triển sản xuất; việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn hạn chế; tình trạng ATTP còn nhiều bất cập; vật tư đầu vào cho ngành nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu… đôi lúc chưa được quản lý tốt…

Quá trình sắp xếp lại nông lâm trường còn nhiều bất cập, đất đai bị lãng phí, nạn phá rừng đang xảy ra ở nhiều địa phương, đe doạ sự phát triển của đất nước. “Đáng nói là ở đâu cũng có thanh tra, nhưng đội ngũ này làm việc chưa hiệu quả. Tôi đã nói đóng cửa rừng ở Tây Nguyên và nhiều vùng khác. Chỉ trong 10 năm mà Tây Nguyên mất hơn 300.000ha rừng, dẫn đến tình trạng sa mạc hoá, hạn hán ngày càng nghiêm trọng. Do đó chúng ta cần tiếp tục mở đợt tấn công liên tục vào những kẻ phá hoại rừng” – Thủ tướng cho hay.

Riêng đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng cho biết ai muốn làm cũng đều ủng hộ, đồng thời chỉ đạo các địa phương, bộ ngành không được gây khó khăn. Không được để tư tưởng bao cấp làm kìm hãm sự phát triển của thị trường.

Theo Thủ tướng, chúng ta đã quy hoạch hơn 3,8 triệu ha đất nông nghiệp để trồng lúa, nhưng một số nơi vẫn để dư thừa đất do trồng lúa không hiệu quả. Câu hỏi đặt ra là có cần giữ 3,8 triệu ha đất lúa hay không? Với vị trí một quốc gia “tam sơn, tứ hải, nhất hạn điền”, cần có chiến lược sử dụng đất đai sao cho hợp lý, hiệu quả.

Hiện nay, dư địa tăng trưởng ngành nông nghiệp còn lớn, câu hỏi là làm gì để phát huy tiềm năng đó? Theo Thủ tướng, trước mắt cần khắc phục sớm những thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung hiện nay, đó là tổ chức một vụ đông xuân đặc biệt, đồng thời lo Tết cho dân vùng thiên tai, tuyệt đối không để bà con bị đứt bữa.

Về các giải pháp cụ thể cho ngành nông nghiệp trong năm 2017 và giai đoạn tới, Thủ tướng lưu ý một số vấn đề chính.

Thứ nhất, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển theo chiều sâu chứ không chạy theo số lượng. Cần thành lập đội ngũ đặc nhiệm đặc biệt để tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, vừa phải nghiên cứu xu hướng phát triển của thời đại.

Thứ hai, tiếp tục tổ chức các hình thức tổ chức sản xuất đặc biệt, trong đó có các HTX nông nghiệp và gắn với nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ ba, phát triển mạnh công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh.

Thứ tư, tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia, ưu tiên những sản phẩm là lợi thế của địa phương, đặc sản của vùng, miền.

Thứ năm, đầu tư hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là hoàn thiện cơ chế chính sách về vấn đề đất đai, sử dụng đất lúa…

“Những chính sách nào ràng buộc nông nghiệp, nông thôn, Thủ tướng sẽ kiến nghị bãi bỏ. Nhất là những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ càng phải bãi bỏ sớm, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, T.Ư đề nghị T.Ư xem xét, nghiên cứu giải pháp cởi trói. Chúng ta bãi bỏ những quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp để vì dân, vì sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn. Thể chế, chính sách do chúng ta xây dựng, đừng để chúng ta lại phải chạy theo những cơ chế, quy định lạc hậu” – Thủ tướng lưu ý.

Nguồn: Dân Việt